Dân mạng lao vào tranh cãi về video nữ sinh quỳ gối khóc do bị điểm kém
Đối ngoại - Ngày đăng : 17:03, 16/08/2022
Hình ảnh thiếu nữ quỳ gối trước bức tượng Khổng Tử và than khóc tự trách bản thân làm bài thi không tốt đã làm nổ ra cuộc tranh cãi gay gắt trên mạng xã hội Trung Quốc về áp lực học hành đang đề nặng lên vai giới trẻ nước này.
Một người đàn ông họ Chen ở thành phố Phật Sơn thuộc tỉnh Quảng Đông là người quay lại video vào chiều ngày 14/8 và phát tán lên mạng xã hội.
Dân mạng Trung Quốc tranh cãi về video nữ sinh quỳ gối khóc do bị điểm kém. (Ảnh: Weibo) |
Theo anh Chen, ban đầu anh nghĩ đây chỉ là “một đứa trẻ” quỳ gối trước bức tượng Khổng Tử để cầu may.
“Nhưng tôi lại nghe thấy tiếng thì thầm tự trách của cô bé về chuyện không làm tốt bài thi. Cô bé rì rầm nói rằng mình đã khiến bố mẹ bị mất mặt và buồn phiền. Cô bé cảm thấy có lỗi với bố mẹ”, anh Chen nói với Liaoshen Evening News.
“Tôi nói cô bé nên về nhà, nhưng cô bé nói không sao”, anh Chen cho biết thêm.
Trong những năm gần đây, nhiều phụ huynh Trung Quốc có thói quen đưa con cái tới trước tượng Khổng Tử để cầu may mắn mỗi khi chuẩn bị bước vào kỳ thi quan trọng. Thậm chí, trên mạng xã hội còn có những cuộc thảo luận về “giờ vàng” trong ngày để đi cúng lễ được may mắn nhất.
Trên khắp lãnh thổ Trung Quốc có hơn 1.600 ngôi đền thờ Khổng Tử. Ngoài ra, nhiều trường Đại học ở nước này cũng đặt tượng Khổng Tử ngay trong khuôn viên trường.
Đoạn video về bé gái được giấu tên quỳ khóc trước tượng Khổng Tử đã có hơn 7,8 triệu lượt xem trên Douyin và 110 triệu lượt xem trên Weibo. Nhiều người để lại bình luận cảm thông trước hoàn cảnh của bé gái.
“Tôi muốn nói với bé gái rằng, chuyện bạn bị điểm kém trong một bài kiểm tra không phải là vấn đề. Hãy tiếp tục học hành chăm chỉ, bạn sẽ giành được điểm cao trong các bài kiểm tra sắp tới”, một bình luận viết trên Weibo.
“Ngay cả khi điểm số của bạn không phải lúc nào cũng cao cũng chẳng sao cả. Điểm số thấp không có nghĩa là bạn sẽ sống không tốt bằng người khác. Có rất nhiều cách để kiếm tiền. Hơn nữa, điều mà bố mẹ bạn lo lắng nhất chính là việc bạn có được hạnh phúc hay không”, một người khác chia sẻ.
“Tôi nghĩ cô bé là một đứa trẻ nhạy cảm, bởi em đã nghĩ về cảm nhận của bố mẹ trước tiên. Cô bé là người có lòng tự trọng. Khi được khích lệ nhiều hơn, tôi tin điểm số của bé gái sẽ ngày càng được cải thiện”, người khác đưa ra ý kiến.
Đáng nói, một bình luận nhận được 33.000 lượt like (thích) cho hay, “Quan điểm của tôi có thể sẽ bị phản đối trên mạng. Tôi nghĩ rằng, cô bé cảm thấy có lỗi với bố mẹ không phải vì cô bé không đáp ứng được kỳ vọng đặt ra, mà là bố mẹ của bé đã gây sức ép quá lớn với con. Có thể họ đã áp đặt những giấc mơ mà họ không đạt được lên vai của đứa trẻ, và dọa cô bé rằng họ sẽ có hành động nếu cô bé bị điểm kém. Tôi từng bắt gặp một bà mẹ đe dọa đứa con rằng nếu đứa trẻ không giành được hơn 600 điểm trong kỳ thi gaokao (thi Đại học), bà ấy sẽ tự sát bằng cách nhảy từ tòa nhà cao tầng xuống đất. Thật đáng buồn!”.
Một cư dân mạng cổ vũ bé gái thêm, “Cô bé, tôi mong bạn hiểu rằng chúng ta không cần phải sống để thỏa mãn những kỳ vọng của người khác”.
Minh Thu (lược dịch)