Thêm mối nguy lớn của thị trường bất động sản Trung Quốc
Kinh doanh - Ngày đăng : 12:07, 16/08/2022
Hàng triệu ngôi nhà bỏ trống gây áp lực lên giá
Liu Hong (36 tuổi) và bố mẹ cô đang sở hữu 4 ngôi nhà tại các thành phố khác nhau trên khắp Trung Quốc đại lục và lúc nào thì 3 trong số chúng cũng đều không được sử dụng.
Cách đây 13 năm, nữ kiểm toán viên ở Thượng Hải này đã mua một căn hộ ở quê nhà Cáp Nhĩ Tân, phía bắc tỉnh Hắc Long Giang với giá 320.000 nhân dân tệ (tương đương 1,1 tỷ đồng). Căn hộ chỉ cách nhà của bố mẹ cô 2 dãy nhà.
"Bố mẹ tôi đều cho rằng tôi nên sở hữu một ngôi nhà riêng vì chắc chắn tôi sẽ quay trở lại và sống ở Cáp Nhĩ Tân hoặc tôi có thể cần nó để tiết kiệm tiền trước khi kết hôn", Liu chia sẻ về quyết định mua căn hộ đó và cho biết thêm: "Nhưng cả hai điều đó đều không xảy ra và bây giờ sau khi về hưu, bố mẹ đã đến Thượng Hải sống với tôi được nửa năm".
Sau khi quyết định ở lại Thượng Hải lập nghiệp, Liu đã mua cho mình một căn hộ 2 phòng ngủ ở Thượng Hải với giá 2,6 triệu nhân dân tệ (9 tỷ đồng) khi thị trường bất động sản nước này sôi sục vào năm 2015.
Khi thời tiết ở Cáp Nhĩ Tân và Thượng Hải quá lạnh, vào giữa tháng 10 và tháng 4, bố mẹ của Liu đã tới Hải Khẩu, thuộc tỉnh Hải Nam, để du lịch và tại đây họ lại mua thêm một ngôi nhà nhỏ để nghỉ dưỡng.
Về ngôi nhà ở Cáp Nhĩ Tân, Liu cho biết không dễ gì tìm được người thuê hay người mua. "Vì vậy, chúng tôi đành phải bỏ trống những căn hộ cũ đó trong nhiều năm. Trên lý thuyết, gia đình chúng tôi có 2 hoặc 3 ngôi nhà đang bỏ không suốt cả năm", Liu nói.
Liu không phải là trường hợp cá biệt ở Trung Quốc khi có nhiều ngôi nhà không được sử dụng đến. Theo ước tính, hiện có khoảng 10 triệu căn hộ đang bị bỏ trống ở Trung Quốc đại lục.
Đây là một vấn đề đối với thị trường bất động sản Trung Quốc vốn đang gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua, bởi nguồn cung nhà trống đang đe dọa giá nhà ở nước này có thể giảm thêm.
"Trung Quốc không thiếu nhà, nhiều nhà để trống và với tỷ lệ cao như vậy thì rất rủi ro cho thị trường", Viện Nghiên cứu Beike (BRI), một tổ chức tư vấn về thị trường bất động sản Trung Quốc, cho biết trong nghiên cứu mới nhất của mình.
"Những ngôi nhà trống đại diện cho nguồn cung tiềm năng lớn. Khi kỳ vọng đối với thị trường trở nên yếu đi thì một lượng lớn nhà trống sẽ được đưa ra thị trường và gây áp lực làm giá nhà giảm thêm", báo cáo BRI cho biết.
Theo BRI, tỷ lệ trống trung bình trên khắp Trung Quốc đại lục là 12,1%. Con số này cao hơn so với Mỹ (11,1%), Australia (9,8%) và thậm chí cao hơn nhiều so với Anh nơi chỉ có 0,9% nhà bỏ trống.
Tỷ lệ này có nghĩa Trung Quốc đang có khoảng 50 triệu căn hộ bị bỏ trống nếu áp dụng theo số liệu của nhà kinh tế học Ren Zeping khi ông tính toán năm 2020 có khoảng 400 triệu ngôi nhà tại Trung Quốc đại lục.
Đáng chú ý, con số này cao gần gấp 16 lần so với tổng số lượng nhà của Hồng Kông, cả nhà đang ở lẫn bỏ trống.
Tuy nhiên, con số ước tính của Capital Economics, một hãng nghiên cứu và tư vấn có trụ sở tại London, cao hơn nhiều. Hãng này ước tính năm ngoái Trung Quốc đại lục có khoảng 30 triệu nhà ở chưa bán được, trong khi có khoảng 100 triệu căn hộ đã được mua nhưng chưa có người ở.
Tất cả những điều này là tin xấu đối với những người như Liu. Các chủ sở hữu nhà trên khắp Trung Quốc có thể gặp khó khăn trong việc tìm người mua những ngôi nhà đang bỏ trống khi thời kỳ bùng nổ của thị trường nhà đất đã hạ nhiệt.
"Một số căn nhà trống là dư âm của thời kỳ phát triển quá nóng 2016-2018 khi mọi người đều đổ xô mua nhà để đầu tư", Sunshine Li, môi giới bất động sản tại Nam Xương, thủ phủ của tỉnh Giang Tây, cho biết.
Hiện có khoảng 1/5 số căn hộ ở Nam Xương đang không có người ở, xếp vị trí số 1 trong 28 thành phố lớn mà BRI theo dõi. Tuy nhiên, người dân ở Nam Xương đã phản ứng dữ dội với xếp hạng này và khẳng định họ không có nhiều ngôi nhà trống nhất.
Dẫu vậy, thực tế có hàng triệu ngôi nhà đang phủ bụi trên khắp Trung Quốc là điều không thể chối cãi.
Của để dành trở thành gánh nặng
Feng He, 26 tuổi, là một giáo viên cấp 2, cho biết gia đình cô hiện đang bỏ trống một ngôi nhà 3 tầng ở Côn Sơn, thuộc tỉnh Giang Tô. Nó là khoản tiết kiệm tiền lương hưu của bố mẹ và là một khoản đầu tư của cô. "Tôi thấy rất an tâm khi có chúng, và nếu có gì bất trắc về tài chính xảy ra, tôi có thể bán nhà để lấy tiền", Feng nói.
Là con một trong gia đình, Feng tin rằng cuối cùng cô sẽ tiếp quản 4 ngôi nhà mà gia đình cô đang đứng tên, bao gồm một căn hộ sang trọng trị giá 4 triệu nhân dân tệ (gần 14 tỷ đồng) đang bỏ trống ở Côn Sơn.
Trong nhiều năm qua, những người như Liu, Feng và những gia đình khác ở Trung Quốc đều tôn thờ bất động sản. Điều đó khiến cho giá nhà ở Trung Quốc tăng 2,5 lần chỉ trong thập kỷ qua.
Họ tin rằng, việc mua thêm một căn nhà ở thời điểm nào, vị trí nào cũng đều không thiệt hại gì, ngay cả khi họ chưa cần gấp.
Nhưng bây giờ, thời kỳ bùng nổ của thị trường nhà đất đã qua, chủ sở hữu của những ngôi nhà bỏ trống đang bắt đầu cảm thấy ít may mắn. Gia đình Liu đang cố gắng bán căn hộ cũ ở Cáp Nhĩ Tân nhưng rao cả năm nay vẫn chưa bán được, trong khi thị trường vẫn đang tiếp tục đi xuống.
Khoảng 21 nhà phát triển bất động sản lớn ở Trung Quốc đã bị vỡ nợ trong năm ngoái, đáng chú ý nhất là tập đoàn bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc - China Evergrande. Chưa hết, phong trào tẩy chay thế chấp với sự tham gia của hàng ngàn người mua nhà vào tháng trước đang khiến cho lĩnh vực này thêm trầm trọng.
S&P Global Ratings dự đoán doanh số bất động sản nước này sẽ giảm 1/3 so với năm ngoái, trong khi đó, giá nhà có thể giảm tới 7%.
"Tôi hơi lo lắng rằng những căn hộ bỏ trống đến một ngày nào đó sẽ trở thành gánh nặng nếu bị mắc kẹt trong nhiều năm và phải trả thuế và phí bảo trì cho nó", Liu nói.