Mối nguy tiềm ẩn từ huyết áp thấp

Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 14:00, 16/08/2022

Huyết áp thấp có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh liên quan tới tim mạch, rối loạn nội tiết tố.

Trong khi hầu hết mọi người đều lo lắng về huyết áp cao thì huyết áp thấp cũng có thể gây ra những hậu quả nhất định.

Tình trạng này không phải lúc nào cũng bộc lộ triệu chứng nhưng các chuyên gia y tế đánh giá, bạn có thể cần điều trị nếu bị huyết áp quá thấp.

Các triệu chứng bao gồm choáng váng hoặc chóng mặt, cảm thấy mệt mỏi, sức yếu, mờ mắt, lẫn lộn, ngất xỉu. Nếu cùng lúc có nhiều biểu hiện, điều đó cho thấy huyết áp của bạn quá thấp.

Chỉ số trung bình của huyết áp thường là 120/80 mmHg. Khi chỉ số này giảm xuống dưới 90/60 mmHg, bạn đang ở tình trạng huyết áp thấp.

agfds.png
Ảnh minh họa: Emedihealth

Việc điều trị cho người có tình trạng này dựa trên nguyên nhân. Sau khi tìm ra yếu tố gây bệnh, bác sĩ sẽ đề nghị điều trị để giảm bớt các triệu chứng.

Chẳng hạn, điều trị các bệnh dẫn tới huyết áp thấp như tim, tiểu đường, rối loạn nội tiết; thay đổi thuốc hoặc liều lượng nếu bạn đang uống một loại thuốc khiến huyết áp tụt. Bạn có thể mang tất nén để cải thiện tuần hoàn máu và tăng huyết áp.

Cách tự làm giảm triệu chứng


- Vận động từ từ nếu chuyển tư thế từ ngồi sang đứng và nằm sang ngồi

- Ăn nhiều bữa nhỏ, nằm hoặc ngồi yên một lúc sau khi ăn

- Uống nhiều nước hơn

- Những điều không nên làm: ngồi hoặc đứng trong thời gian dài, cúi xuống hoặc thay đổi tư thế đột ngột, uống đồ có caffeine vào buổi tối, uống quá nhiều rượu.

Nguyên nhân gây huyết áp thấp


Huyết áp có thể thay đổi tùy thuộc vào thời gian trong ngày, có xu hướng tăng dần. Những gì bạn đang làm và cảm giác của bạn cũng có thể ảnh hưởng.

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra huyết áp thấp như di truyền từ bố mẹ, lớn tuổi. Các lý do khác bao gồm đang mang thai, bị bệnh nền như tiểu đường, dùng một số loại thuốc.

Ngoài ra, huyết áp thấp có thể cảnh báo một số vấn đề về tim mạch. Khi đó, tim không đủ áp lực đẩy máu đi nuôi các cơ quan nên người bệnh dễ bị giảm huyết áp.

Những người bị rối loạn nội tiết tố có thể rơi vào hai tình trạng đối ngược là huyết áp cao hoặc thấp khi tuyến giáp hoặc tuyến thượng thận gặp vấn đề.

Ngoài ra, chế độ ăn uống cũng tác động tới huyết áp. Những người ăn ít, chán ăn thường có nhịp tim chậm bất thường, nguy cơ cao bị tụt huyết áp. Khi cơ thể bị mất nước do tiêu chảy, nôn, tình trạng bất ổn trên cũng dễ xảy ra.