Bóng đá Việt Nam: Chấn chỉnh, đâu phải chỉ riêng trọng tài

Bóng đá Việt Nam - Ngày đăng : 07:05, 16/08/2022

Công tác trọng tài cần chấn chỉnh là điều đương nhiên, nhưng liệu có dừng lại ở đội ngũ cầm cân nảy mực?
Bóng đá Việt Nam: Chấn chỉnh, đâu phải chỉ riêng trọng tài
Bầu Đức nhiều lần đưa ra quan điểm về việc chấn chỉnh những vấn đề nổi cộm cuả bóng đá Việt Nam. Ảnh: Thanh Vũ

Vào thời điểm tiết trời dần chuyển sang sự mát mẻ của mùa thu, Night Wolf V.League 2022 lại nóng lên theo cách chẳng ai mong muốn. Rất nhiều tranh cãi xảy ra và kéo theo lực lượng bị réo tên nhiều nhất là trọng tài.

Quả thực, chuyện trọng tài đang nóng lên một cách bất thường, dù vẫn biết đây vốn đã là “chuyện thường ngày ở huyện” khi nói về các giải bóng đá trong nước. Đáng nói là, sai sót có thể xảy ra với bất kỳ ai, vào bất kỳ thời điểm nào, dù vị “Vua áo đen” có là trọng tài FIFA hay có được đánh giá cao hay không.

Mới nhất, ông Ngô Duy Lân – một trọng tài được đánh giá cao, đã mắc lỗi ở trận đấu giữa Hà Nội FC và Hoàng Anh Gia Lai, khi bỏ qua tình huống Duy Mạnh dẫm chân Bruno trong vòng cấm. Điều trớ trêu là, cũng với lỗi dẫm chân như vậy, chính trọng tài Lân lại rút thẻ đỏ cho Viết Tú của Nam Định ở trận gặp Sài Gòn FC tại vòng 9 Night Wolf V.League mùa này.

Và nó buộc ông bầu Đoàn Nguyên Đức, một người luôn định hướng về bóng đá đẹp cho Hoàng Anh Gia Lai, không thể giữ im lặng. Ông nhấn mạnh về chuyện người hâm mộ sẽ mất hết niềm tin nếu không thay đổi.

Công tác trọng tài cần chấn chỉnh... Ảnh: Minh Dân
Công tác trọng tài cần chấn chỉnh... Ảnh: Minh Dân

“Không riêng Hoàng Anh Gia Lai, tôi muốn Ban trọng tài VFF phải chấn chỉnh công tác trọng tài để công bằng cho tất cả đội bóng ở V.League. Không phải đá vài trận lại xảy ra tranh cãi, trọng tài bắt bậy làm ảnh hưởng kết quả. Cuộc chơi phải sạch, sòng phẳng và công bằng, tuy không thể đòi hỏi sự tuyệt đối nhưng không thể nào trọng tài sai mãi được.

Sai một quả phạt đền, một thẻ phạt đã có thể làm ảnh hưởng đến cả trận đấu, thậm chí là cho cả giải đấu. Không chấn chỉnh trọng tài, tôi nghĩ bóng đá Việt Nam sẽ còn mất niềm tin nghiêm trọng với khán giả cả nước, mà mất niềm tin thì coi như mất hết”, bầu Đức nói.

Vấn đề có thực sự dừng lại ở trọng tài?

Lỗi của trọng tài Lân là rõ ràng khi Ban trọng tài VFF cũng đã thừa nhận. Việc chấn chỉnh hẳn nhiên sẽ phải làm, nhưng bên cạnh những câu hỏi về việc rút kinh nghiệm, chấn chỉnh, khắc phục, sửa chữa thế nào, liệu trọng tài có phải là lực lượng duy nhất phải chấn chỉnh?

Nhưng với các câu lạc bộ thì sao, khi cầu thủ hành xử với nhau kiểu như thế này? Ảnh: VPF
Nhưng với các câu lạc bộ thì sao, khi cầu thủ hành xử với nhau kiểu như thế này... Ảnh: Minh Dân

Hãy nhớ rằng, các đội bóng và cầu thủ mới là những nhân vật chính của cuộc chơi, nhưng đâu phải đội bóng nào cũng có ông bầu hướng đến bóng đá đẹp và “đá để phục vụ khán giả cả nước” như Hoàng Anh Gia Lai? Khi các cầu thủ được xác định phải thắng bằng mọi giá, khi những cái đầu nóng luôn sẵn sàng xuất hiện, khi thái độ thi đấu là sự thách thức, tiểu xảo, khi trên sân còn có những cầu thủ được mệnh danh là “đồ tể”, người ta hiểu vì sao bóng đá nội vẫn chưa cất được biệt danh “Võ League” vào ngăn tủ.

Và người ta cũng hiểu công việc của trọng tài khó khăn thế nào. Người hâm mộ mất niềm tin vào trọng tài, còn với các cầu thủ thì sao? Không phải tất cả, nhưng một bộ phận cầu thủ với những động thái trên thường được lý giải theo kiểu “con sâu làm rầu nồi canh”. Do đó, sự phản đối, chỉ trích cũng chỉ ồn ào trong khoảng thời gian nhất định.

... hoặc sẵn sàng tấn công trọng tài? Ảnh: CMH
... hoặc sẵn sàng tấn công trọng tài? Ảnh: CMH

Không có sự định hướng đúng về tư tưởng, các cầu thủ không giữ được giới hạn đúng mực với đồng nghiệp, với trọng tài và đương nhiên, với cả khán giả nữa. Nhưng khán giả cũng cần nhìn nhận lại về quan điểm và cách tiếp nhận.

Tại sao cùng một cầu thủ, cùng một hành động ở đội tuyển quốc gia được chấp nhận, thậm chí được khen ngợi, nhưng ở câu lạc bộ thì không? Nếu đã phản đối, tất cả phải là như nhau, không thể lý giải bằng “niềm tự hào” hay “màu cờ sắc áo đội tuyển”… Trọng tài chỉ có 1 góc nhìn, người hâm mộ thì khác, nên tranh luận, tranh cãi dễ dàng xảy ra, để cuối cùng, chịu ảnh hưởng nhiều nhất vẫn là… trọng tài.

Thế nên, nếu nói đến từ “chấn chỉnh”, điều đó phải đến một cách toàn diện, với tất cả các thành tố liên quan chứ không riêng gì trọng tài.

TAM NGUYÊN