Mỹ - Trung cạnh tranh tác chiến điện tử ở eo biển Đài Loan
Đối ngoại - Ngày đăng : 20:34, 15/08/2022
Chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan vẫn đang phủ bóng lên mối quan hệ vốn đã rất căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Vấn đề nổi lên ở đây là nguy cơ chiến tranh do thám và điện tử mới, có thể kéo theo nhiều hệ lụy đáng sợ.
Trong suốt thời điểm căng thẳng thông tin bà Pelosi đến thăm đảo Đài Loan, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV đưa tin: Quân đội Trung Quốc (PLA) đã sử dụng cả Hải quân lẫn Không quân tại nhiều địa điểm. Mục đích là để "giám sát và theo dõi toàn diện" máy bay vận tải của Không quân Mỹ chở bà Pelosi cùng phái đoàn từ Kuala Lumpur (Malaysia) đến Đài Bắc hôm 2/8. CCTV dẫn lời Trung tướng Meng Xiangqing của PLA cho biết, việc theo dõi là nhằm tăng cường năng lực răn đe.
Tuy nhiên, một nguồn tin cho hay quá trình theo dõi, bao gồm cả sự tham gia của các chiến đấu cơ và tàu khu trục Type 055 của PLA, đã thất bại.
Theo báo SCMP, PLA đã điều các máy bay có khả năng tác chiến điện tử như J-16D và tàu chiến để xác định vị trí máy bay chở bà Pelosi nhưng không thành công. Các thiết bị tác chiến điện tử của quân đội Trung Quốc không thể làm việc hiệu quả vì bị phá sóng bởi các thiết bị từ nhóm máy bay hộ tống của Mỹ.
"Hầu như tất cả các thiết bị tác chiến điện tử của PLA đều không thể hoạt động bình thường vì chúng đều bị nhóm máy bay tấn công của Mỹ do Lầu Năm Góc cử đến để hộ tống bà Pelosi phá sóng", nguồn tin nêu rõ.
Tiếp sau chuyến đi của bà Pelosi, quân đội Trung Quốc đã điều một loạt các thiết bị tác chiến điện tử bao vây quanh đảo Đài Loan.
Trong ngày thứ hai của cuộc tập trận quân sự quy mô lớn nhất từ trước đến nay của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan diễn ra từ 4-7/8, Mỹ đã điều ít nhất 7 máy bay trinh sát và cảnh báo sớm đến vùng biển gần Đài Loan, theo Tổ chức Sáng kiến Đo lường Tình hình Chiến lược Biển Đông.
Nhóm trên bao gồm một máy bay RC-135V và RC-135S để giám sát tên lửa, 3 máy bay chống ngầm hàng hải P-8A, 3 máy bay do thám E-3G và một máy bay giám sát độ cao U-2S, được 6 máy bay tiếp nhiên liệu KC-135 hộ tống hỗ trợ.
Andrei Chang, tổng biên tập tạp chí Kanwa Asian Defense có trụ sở tại Canada, nói rằng với công nghệ tác chiến hiện đại, rất có thể hải quân Mỹ đã nhận ra rằng PLA đã triển khai tàu ngầm đến vùng biển ngoài khơi Đài Loan, bất chấp sự im lặng của cả hai bên về sự tham gia của các tàu chiến trong tập trận.
Ông Chang cũng cho rằng, nhiều khả năng Mỹ đóng vai trò hậu trường nào đó ở Nhật Bản và Đài Loan. Trong cuộc tập trận, phía Đài Loan cho biết PLA đã phóng 11 tên lửa đạn đạo vào vùng biển ở phía bắc, nam và đông của hòn đảo.
Nhật Bản cho hay, 5 tên lửa trong số đó đã rơi trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này, một khu vực mà Trung Quốc không công nhận và tuyên bố chủ quyền chồng lấn, ông Chang nói.
Theo ông Chang, toàn bộ các tên lửa của Trung Quốc đều được trạm radar Lạc Sơn ở quận Tân Trúc, Đài Loan theo dõi chặt chẽ.
Hoạt động từ năm 2013, hệ thống này có thể phát hiện tên lửa được phóng từ khoảng cách xa tới 5.000km và theo dõi đường đạn chuyển động rất chi tiết, thậm chí từ khoảng cách 2.000km - phạm vi bao phủ Trung Quốc đại lục.
"Hệ thống radar cảnh báo sớm tầm xa trên Lạc Sơn được xây dựng dưới sự hỗ trợ của Mỹ, trong đó hiện một số chuyên gia Mỹ vẫn làm việc tại trung tâm radar này", ông Chang cho biết.
Nguồn tin đầu tiên cho biết thêm, chiến tranh điện tử giữa PLA và quân đội Mỹ bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan 1995-1996 khi các lực lượng Mỹ gây nhiễu gần như tất cả các hệ thống radar quân sự của PLA trong các cuộc bắn thử tên lửa.
"Đó là lý do chính thúc đẩy Bắc Kinh phát triển Hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu của riêng mình", nguồn tin nói. Cũng theo nguồn tin này, cả hai bên đều mong muốn tăng cường sức mạnh trong khu vực này.
"Cả Trung Quốc và Mỹ lần này đều muốn thử năng lực tác chiến điện tử của nhau. PLA đặc biệt quan tâm đến việc đảm bảo công nghệ của họ đủ mạnh để đối phó với tình huống có thể xảy ra trong vấn đề liên quan đến Đài Loan", nguồn tin trên nhấn mạnh.