TikToker review thức ăn sai sự thật, chủ nhà hàng có thể kiện
Ẩm thực - Ngày đăng : 20:08, 15/08/2022
Với sự lên ngôi của nhiều nền tảng mạng xã hội, một người bình thường cũng có thể dễ dàng trở thành food reviewer chỉ với chiếc điện thoại thông minh.
Không ít người đã trở nên nổi tiếng, kiếm tiền từ những hình ảnh, video ngắn chia sẻ trải nghiệm tại các nhà hàng, quán ăn. Điều này đặc biệt phổ biến trên các nền tảng như TikTok.
Tuy nhiên, theo luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật TNHH Hoàng Sa) các reviewer phải có trách nhiệm với những lời nhận xét, đánh giá của mình.
Bởi nếu cố tình đăng tải thông tin sai sự thật, bịa đặt gây hoang mang dư luận hoặc ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hay quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ ăn uống, người làm nội dung có thể phải trả giá trước pháp luật.
Giới hạn của reviewer
Luật sư Trần Thị Huyền Trân (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết pháp luật hiện chưa có quy định nào cấm các hành vi đánh giá hay chia sẻ những trải nghiệm của bản thân khi sử dụng một sản phẩm hay dịch vụ nào đó trong đó có dịch vụ ăn uống. Bởi đây là quyền tự do ngôn luận của công dân được Hiến pháp ghi nhận.
Luật sư Huyền Trân cho hay người làm nội dung phải đảm bảo tính đúng đắn. Ảnh: NVCC.
Đồng quan điểm, luật sư Giáp cũng cho biết Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định người tiêu dùng có quyền góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ
Đồng thời, người tiêu dùng cũng có nghĩa vụ “thông tin cho cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng” (Khoản 2 Điều 9 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010).
Như vậy, các TikToker review đồ ăn cũng là người tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ nên họ có quyền bình luận, đánh giá về sản phẩm, dịch vụ đó. Tuy nhiên, lời của người review không phải là tuyệt đối và họ phải đảm bảo đưa ra nhận xét trong khuôn khổ đạo đức, pháp luật.
Luật sư Giáp cho biết có thể dựa vào một số tiêu chí như: tính đúng đắn của nội dung đăng tải; ảnh hưởng của nội dung đăng tải tới Nhà nước, tổ chức, cá nhân khác; ảnh hưởng tới hoạt động quản lý của Nhà nước; tính hợp pháp của hình thức và nội dung đăng tải… để xác định hành vi review, đánh giá của các TikToker là sai trái hay đúng pháp luật.
TikToker vu khống, chủ nhà hàng nên nhờ tới pháp luật
Chấp nhận những ý kiến tiêu cực là một phần của ngành dịch vụ thực phẩm và đồ uống. Tuy nhiên, trong trường hợp bị vu khống, bịa đặt gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh từ các bài nhận xét của reviewer, các chủ hàng quán có thể nhờ đến pháp luật để đòi lại công bằng.
Theo luật sư Giáp, tùy vào tính chất, mức độ hành vi vi phạm, TikToker có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự.
Các chủ nhà hàng có thể khởi kiện nếu bị TikToker review sai sự thật về chất lượng dịch vụ. Ảnh minh họa: Pexels.
“Về xử phạt hành chính được quy định tại nghị định điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử: phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm; buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn.
Nếu các TikToker đưa thông tin lên mạng xã hội sai sự thật, gây xúc phạm, ảnh hưởng đến uy tín cá nhân, tổ chức khác đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể xử lý hình sự với các hành vi tội phạm như Tội vu khống theo Điều 156 hoặc Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288 Bộ luật hình sự năm 2015”, ông cho biết.
Vị luật sư cũng nhấn mạnh chủ nhà hàng, quán ăn có thể khởi kiện ra tòa đòi bồi thường thiệt hại nếu cho rằng các TikToker đã đưa thông tin sai sự thật về sản phẩm, dịch vụ, gây thiệt hại cho hoạt động kinh doanh, sản xuất của mình hoặc gây tổn thất tinh thần cho chính bản thân mình.
Theo luật sư Giáp, chủ hàng quán có thể không tiếp các TikToker review đồ ăn song không được tự ý dán ảnh họ tại nhà hàng. Ảnh: NVCC.
Những ngày qua, việc một số TikToker vướng vào tranh cãi với các nhà hàng cũng gây chú ý trên mạng xã hội. Có hàng quán đã phản ứng bằng cách dán ảnh, tuyên bố từ chối phục vụ đối với một số TikToker.
Về khía cạnh này, luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo (Công ty Luật TNHH Trương Anh Tú - TAT LAW FIRM) cho hay các chủ quán từ chối và không tiếp các khách này là quyền của họ. Không có quy định nào cấm các quán ăn không được từ chối khách.
Tuy nhiên, việc treo hoặc dán hình ảnh của người khác là đang vi phạm đến quyền hình ảnh.
“Cụ thể, căn cứ Điều 32 Bộ luật dân sự 2015, cá nhân có quyền nhân thân với hình ảnh của mình, và việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Ngoài ra quán ăn có hành vi 'phân biệt đối xử với khách du lịch' thì có thể bị phạt theo khoản 3 Điều 6 Nghị định 45/2019/NĐ-CP với số tiền lên tới 3 triệu đồng”, bà cho biết.
Theo luật sư Giáp, chủ nhà hàng, quán ăn muốn ngăn hành vi review tự phát trái quy định của các TikToker có thể liên hệ trao đổi với họ về nội dung của thông tin sắp được đăng tải khi có người quay sản phẩm hoặc dịch vụ tại nhà hàng, quán ăn của mình để thống nhất kết quả truyền tải thông tin nội dung cho phù hợp với quy định pháp luật.
“TikToker cũng là người tiêu dùng, sử dụng sản phẩm, dịch vụ nên họ có quyền đánh giá vậy nên thay vì dán ảnh hoặc ra quy định cấm review thì chủ nhà hàng, quán ăn nên hợp tác với họ để thông tin đăng tải đúng theo quy định pháp luật”, ông nói.
Kiểm soát các nhóm KOL
Nghề review đồ ăn phát triển nhanh chóng những năm gần đây song những người làm nội dung này cũng trở thành vấn đề đau đầu với nhiều chủ nhà hàng, quán ăn tại nhiều nước và cả các cơ quan luật pháp. Tuy nhiên, chưa quốc gia nào thực sự có quy định cụ thể về mảng này mà chủ yếu là về hoạt động quảng cáo trá hình, đánh lừa người xem.
Cụ thể, Ủy ban Thương mại Công bằng (FTC) Hàn Quốc đã ra quyết định cấm hoạt động “quảng cáo trá hình trên mạng” từ ngày 1/9/2020.
Quy định của FTC Hàn Quốc yêu cầu những người có sức ảnh hưởng (KOL) trên các nền tảng như YouTube, Facebook, Instagram… tại nước này phải nói rõ với người xem rằng họ đang quảng cáo một sản phẩm hoặc dịch vụ được trả phí.
Hàng quán tại nhiều quốc gia quyết định cấm cửa TikToker review đồ ăn. Ảnh minh họa: Pexels.
Đối với các video phát trực tiếp, streamer phải thông báo cho người xem 5 phút một lần về quảng cáo trả phí. Nếu không tuân thủ, cả influencer và nhãn hàng sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 500 triệu won.
Trong khi đó, ở nhiều quốc gia, “cấm cửa” vẫn là biện pháp duy nhất các chủ nhà hàng, quán ăn có thể làm để tự bảo vệ mình khỏi nguy cơ bị review sai sự thật hay các reviewer đòi hỏi, sẵn sàng bịa đặt, nói dối để câu view.
Từ năm 2019, một số nhà hàng tại Australia, Hàn Quốc treo biển cấm YouTuber, TikToker, người làm Mukbang (phát sóng ăn uống) vì những đòi hỏi vô lý như không gian quay phim, bữa ăn miễn phí…
Năm 2018, Paul Stenson, người điều hành khách sạn Charleville Lodge Dublin (Ireland), thông báo cấm tất cả blogger đến khách sạn và quán cà phê của mình. Trước đó, Paul từ chối lời đề nghị được đến ở miễn phí để review về dịch vụ tại đây của một YouTuber.
Sau đó, người này "bóc phốt" khách sạn và cùng nhiều người trong cộng đồng "có sức ảnh hưởng" lên tiếng chỉ trích doanh nghiệp này.
Năm 2021, sau khi bị một số TikToker đặt điện thoại lên băng chuyền để quay phim, một chuỗi nhà hàng sushi tại Mỹ và Canada cũng treo biển không tiếp nhóm thực khách này.
Theo Zing