Vừa cấp cứu vừa lo bị người nhà bệnh nhân tấn công
Tin Y tế - Ngày đăng : 18:03, 15/08/2022
Bị hành hung như “cơm bữa”
Chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày, hai bác sĩ tại khoa cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) đã bị người nhà hành hung, tấn công trực tiếp.
Trước đó, tối ngày 21-7, bác sĩ P.H.T. đã bị một người nhà bệnh nhi xông đến ép vào tường và bóp cổ.
Đến sáng 6-8, một bác sĩ tên T. của bệnh viện này cũng đã bị tấn công bằng một vật sắc nhọn, rất may bác sĩ này đã né được.
BS CKII Diêu Hà Lam - trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Lê Văn Thịnh - cho biết sau nhiều năm công tác ở khoa cấp cứu, bản thân ông cùng các đồng nghiệp của mình từng bị người nhà bệnh nhân cầm dao đuổi chém, sau mỗi lần như vậy người thì xin nghỉ, người thì xin chuyển khoa.
Các đây vài năm ông từng chứng kiến đồng nghiệp là một nam bác sĩ khi đang sơ cứu, cấp cứu cho bệnh nhân thì bất ngờ bị người nhà cầm dao chém thẳng vào mặt một đường, sau đó vị bác sĩ này đã xin nghỉ việc.
Bác sĩ Vũ Ngọc Chức - trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện TP Thủ Đức - cho biết cách đây 2 tháng, người nhà đưa một bệnh nhi đến khoa cấp cứu vì chứng co giật, tuy nhiên khi được giải thích xử lý về mặt chuyên môn, người này vẫn không nghe, quát tháo, đòi tấn công bác sĩ.
"Đa phần tâm lý chung của mọi người khi vào cấp cứu là phải được ưu tiên, không quan tâm đến việc cấp cứu ra sao, nặng nhẹ như thế nào đòi hỏi các bác sĩ phải thăm khám luôn cho mình. Do vậy, nhiều người thường nôn nóng, muốn được thăm khám nhanh dẫn dễ nổi nóng với các y bác sĩ", bác sĩ Chức nói.
Giải pháp nào bảo vệ nhân viên y tế khoa cấp cứu?
Bác sĩ Hà Lam cho biết, khi bị chửi mắng, bạo lực nhân viên y tế tổn thương về cả thể chất lẫn tinh thần. Khi bị chửi, đe dọa tính mạng khiến các bác sĩ không còn tâm trí để thăm khám cho bệnh nhân làm ảnh hưởng đến người khác, danh dự, nhân phẩm cũng bị hạ thấp. Sau này bác sĩ cũng không còn đam mê, nhiệt huyết với nghề.
Mặc dù cường độ công việc cao, luôn đối mặt với nhiều nguy hiểm, tuy nhiên mức lương của nhân viên y tế cấp cứu nói chung và nhân viên khoa cấp cứu nói riêng cũng còn khá thấp. Điển hình như với vị trí trưởng khoa cấp cứu, kinh nghiệm lâu năm nhưng mức lương cũng chỉ từ 15-16 triệu đồng, bác sĩ mới đi làm, điều dưỡng cũng chỉ dao động từ 7-9 triệu đồng.
"Có đến 70% nhân viên của khoa phải ở nhà thuê, thử hỏi với mức lương như vậy thì đến bao giờ họ mới có thể mua được căn nhà, nhiều bác sĩ có thể ngồi tại phòng khám để làm thêm nhưng bác sĩ khoa cấp cứu thì không thể xoay sở được. Do đó, nếu muốn nhân lực khoa cấp cứu gắn bó lâu dài việc tăng thu nhập cho họ là điều cấp thiết, tiếp theo là tạo điều kiện để họ học thêm chuyên môn…” bác sĩ Lam nói.
Để bảo vệ an toàn thêm cho nhân viên y tế, Bệnh viện TP Thủ đức đã thiết kế khu vực cấp cứu có cửa thoát hiểm, các cánh cửa sử dụng thẻ từ, trước khi vào cấp cứu sẽ được sàng lọc, người nhà bệnh nhân không thể vô khoa cấp cứu.
Bệnh viện thiết lập hệ thống CodeRay (hệ thống phản ứng khẩn cấp an ninh, trật tự, khi có trường hợp khẩn cấp nhân viên y tế chỉ cần bấm nút đỏ, lực lượng công an và bảo vệ sẽ có mặt nhanh chóng, ngoài ra phòng bảo vệ cần được thiết kế gần khu vực cấp cứu.
Ngành y tế TP.HCM có giải pháp gì?
Sau nhiều vụ việc các bác sĩ bị hành hung, Sở Y tế TP.HCM đã yêu cầu tất cả các bệnh viện khẩn trương triển khai các hoạt động rà soát, củng cố quy trình báo động "Code grey" về an ninh trật tự bệnh viện, trong đó lưu ý rút ngắn hơn nữa thời gian kích hoạt đến công an địa phương để kịp thời hỗ trợ lực lượng bảo vệ bệnh viện trấn áp các nhóm gây rối an ninh, trật tự trong bệnh viện.
Các bệnh viện tổ chức quy trình sàng lọc cấp cứu, hạn chế cho nhập vào khoa cấp cứu những trường hợp không có chỉ định cấp cứu, thay vào đó, cho nhập viện nếu có đủ tiêu chuẩn nhập viện hoặc triển khai phòng lưu bệnh để điều trị và theo dõi trong thời gian ngắn (vài giờ) đối với các trường hợp chưa đủ điều kiện nhập cấp cứu hoặc nhập viện.
Bên cạnh đó, triển khai "nguyên tắc 4 giờ hoặc 6 giờ" là thời gian tối đa cho người bệnh lưu lại tại khoa cấp cứu, và phân quyền cho bác sĩ khoa cấp cứu có quyền chuyển người bệnh vào các khoa nội trú, không để người bệnh lưu lại quá lâu.
Có giải pháp tăng cường giao tiếp với thân nhân người bệnh trong thời gian nằm điều trị tại khoa cấp cứu giúp tạo sự an tâm, giảm lo lắng, bức xúc không cần thiết. Khuyến khích phòng xã hội của bệnh viện cử nhân viên xã hội đến khoa cấp cứu để tham gia hoạt động này.
Trực lãnh đạo bệnh viện chủ động điều phối tăng cường nhân viên cho khoa cấp cứu trong tình huống số lượng bệnh nhân tăng đột ngột (như ngộ độc hàng loạt, tai nạn thương tích…).
Tăng cường phân bổ nhân viên bảo vệ của bệnh viện có chốt trực tại khoa cấp cứu, hướng dẫn thân nhân người bệnh tuân thủ các quy định "1 người bệnh, 1 thân nhân", bố trí tủ để vật dụng có khóa cho thân nhân người bệnh gửi vật dụng mang theo trước khi vào khu vực buồng bệnh.
Nhân viên bảo vệ có trách nhiệm kết nối ngay với công an phường nơi bệnh viện trú đóng để được hỗ trợ kịp thời khi phát hiện có tình huống gây rối hoặc đe dọa nhân viên y tế.
Sở Y tế khuyến khích các bệnh viện có thêm các giải pháp mang tính sáng tạo đáp ứng yêu cầu thực tiễn của mỗi đơn vị nhưng phải đảm bảo nguyên tắc thêm giải pháp an toàn cho nhân viên nhưng không làm tăng thêm khoảng cách giữa thầy thuốc và người bệnh.