Bé trai bị nhốt vào tủ đông: May mà phát hiện kịp thời
Tin Y tế - Ngày đăng : 15:06, 15/08/2022
Theo chia sẻ của gia đình cháu bé, khi được tìm thấy trong tủ cấp đông, bé trai hơn 3 tuổi đã trong tình trạng toàn thân tím tái, lạnh ngắt, không kêu khóc được.
Các chuyên gia của Khoa Cấp cứu và chống độc, Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, đây là lần đầu tiên bệnh viện tiếp nhận trẻ bị nhốt vào tủ đông lạnh. Các bác sĩ khẳng định, nếu trẻ không được phát hiện kịp thời, thân nhiệt hạ sâu do ở nhiệt độ lạnh quá lâu hoặc thiếu khí (nếu tủ bị đóng kín) có thể dẫn đến nguy hiểm, thậm chí tử vong.
PGS.TS Tạ Anh Tuấn- Trưởng Khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi TƯ nhấn mạnh: Việc nhốt trẻ trong tủ cấp đông sẽ gây ra tình trạng thiếu oxy, từ đó gây ngạt; đồng thời tủ cấp đông làm thân nhiệt của trẻ giảm, sẽ gây rối loạn đến chuyển hóa trong cơ thể.
"Cả hai lý do trên dẫn tới suy chức năng các cơ quan, hiểm hoạ cho tính mạng của trẻ, thậm chí gây tử vong"- TS Tạ Anh Tuấn khẳng định.
ThS.BS Lê Văn Dẫn - Phó khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Thanh Nhàn - cũng cho rằng: "Nạn nhân có nguy cơ tử vong tùy vào nhiệt độ tủ đông và thời gian bị nhốt trong tủ kéo dài bao lâu".
"Khi trẻ bị lạnh kéo dài sẽ gây ra tình trạng hạ thân nhiệt. Ngoài triệu chứng nhiễm lạnh, nạn nhân sẽ bị rối loạn các chuyển hóa trong máu, có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Trong không gian hẹp như ngăn đông tủ bảo ôn và thời gian kéo dài có thể xảy ra nguy cơ về ngạt khí. Tủ đông đóng kín khiến nạn nhân bị thiếu dưỡng khí, thiếu oxy, CO2 tăng lên có thể rơi vào tình trạng hôn mê"- bác sĩ Dẫn cho hay.
Theo các bác sĩ, để đảm bảo hoạt động tốt nhất của các cơ quan, nhiệt độ cơ thể thường duy trì tốt nhất là 37 độ C. Do nhiều yếu tố (môi trường, bệnh lý...) nhiệt độ cơ thể có thể tăng cao hơn hoặc xuống thấp hơn. Nhiệt độ cơ thể thấp hơn bình thường (trạng thái hạ thân nhiệt) và kéo dài sẽ gây ảnh hưởng tới nhiều cơ quan trong cơ thể như tim mạch, hệ thần kinh, tiêu hóa…
Khi thân nhiệt giảm quá thấp, nếu không kịp thời xử lý tăng thân nhiệt, người bệnh có thể bị đe dọa tính mạng do tim và hệ thống thần kinh không thể hoạt động tốt.
Rất may mắn, sau khi được cấp cứu kịp thời, hiện nay sức khỏe cháu bé đang dần ổn định, cần tiếp tục theo dõi tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Về sơ cứu trong trường hợp này, các bác sĩ lưu ý, người nhà cần đánh giá tình trạng nạn nhân như thế nào, có biện pháp làm ấm cho trẻ và nhanh chóng đưa vào cơ sở y tế. Khi có dấu hiệu rối loạn các chức năng, đặc biệt về hô hấp cần can thiệp sớm cho trẻ thở oxy.
Quan trọng là chúng ta phải nâng nhiệt độ cho trẻ, dùng các biện pháp ủ ấm để đảm bảo nhiệt độ trẻ được đưa về bình thường.