Đỗ xe chắn cửa, người Việt lên án, các quốc gia khác có thái độ như thế nào?
Soi xe - Ngày đăng : 08:32, 15/08/2022
Tại Việt Nam, tình trạng đậu, đỗ xe dưới lòng đường, trước cửa nhà người khác khi không được sự cho phép của chủ nhà không chỉ là hành động gây khó chịu và bị nhiều người lên án mà còn vi phạm quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia khác, việc đậu, đỗ xe ở dưới lòng đường hay trước nhà người khác lại là điều hết sức bình thường.
Anh: Không được làm “tổn hại” đến chiếc xe đỗ chắn cửa
Tại Anh quốc, tất cả những người tham gia giao thông đều có quyền dừng, đỗ xe ở bất kì đâu trên đường công cộng và không có ràng buộc về thời gian đỗ xe. Tuy nhiên, các chủ xe cũng cần đảm bảo được rằng không vi phạm các quy định như đỗ xe nơi có biển cấm hay ở trước các khu vực đặc biệt.
Chính vì thế, nếu có một chiếc ô tô đậu trước cửa nhà, bạn không được làm “tổn hại” đến chiếc xe dưới bất kì hình thức nào. Bên cạnh đó, việc sử dụng các vật dụng như cọc tiêu giao thông, rào chắn hay chướng ngại vật để ngăn chặn tình trạng đỗ xe trước cửa nhà cũng là hành động bị pháp luật Anh ngăn cấm.
Mỹ: Luật “Đỗ xe 72 tiếng”
Quy định về dừng, đỗ xe tại Mỹ cũng có nhiều điểm tương đồng với Anh khi pháp luật nước này khẳng định việc đỗ xe trước cửa nhà người khác không bị coi là vi phạm. Tuy nhiên, hành động này được xem là thiếu văn minh và nếu chủ xe đỗ quá 72 tiếng thì chủ nhà có thể gọi cảnh sát. Đây được gọi là luật “Đỗ xe 72 tiếng” và sẽ có một số thay đổi nhất định ở từng bang khác nhau của Mỹ.
Tại Đức, Úc và Pháp, việc đỗ xe trước nhà người khác không vi phạm pháp luật nhưng đỗ xe dưới lòng đường lại được xem là hành vi cản trở giao thông. Tuy nhiên, trong một số trường hợp như chủ xe đỗ trước cửa một ngôi nhà nằm ở khúc cua gấp hay khuất tầm nhìn thì chủ nhà vẫn có thể đưa ra khiếu nại.
Malaysia và Ấn Độ: Phạt nặng đỗ xe chắn cửa nhà
Trái với những quốc gia kể trên, Malaysia và Ấn Độ lại có những quy định khá khắt khe về vấn đề này. Cụ thể, tại Malaysia, nếu xe dừng đỗ gây bất tiện hoặc cản trở người tham gia giao thông hay chủ nhà thì chủ xe sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi này và có thể bị phạt ít nhất là 1.000 RM (tương đương 5,2 triệu đồng) hoặc thậm chí là tới 1 năm tù.
Còn ở Ấn Độ, kể từ năm 2021, chủ xe chỉ được phép đỗ trước cửa nhà người khác khi có giấy phép đỗ xe trong khu dân cư. Để có được loại giấy này, chủ xe phải bỏ ra số tiền tương tương 295 nghìn đồng/năm đối với xe cỡ nhỏ, 880 nghìn – 1,2 triệu đồng/năm đối với xe cỡ trung và 1,5 triệu đồng đối với SUV/van.
Minh Nhật(Theo Newsnpr)
Mời bạn đọc chia sẻ bài viết về văn hoá đỗ xe tới Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!