Helsinki, thành phố du lịch thông minh nơi metaverse không còn xa lạ
Cuộc sống số - Ngày đăng : 17:27, 14/08/2022
Helsinki không phải tên một nhân vật trong series film Netflix “Money Heist” đình đám do Tây Ban Nha sản xuất. Helsinki, thủ đô của Phần Lan, một trong những nơi luôn lọt top thành phố đáng sống nhất thế giới.
Với hơn 460 năm lịch sử, Helsinki không chỉ có những kiến trúc nghệ thuật cổ kính, mà còn là thành phố hiện đại với ngành công nghiệp du lịch thông minh. Nhờ chính sách dữ liệu cộng đồng miễn phí được triển khai từ năm 2009, thủ đô của Phần Lan đã trở thành một trung tâm sáng tạo phần mềm, là địa điểm du lịch được ưa thích trên toàn thế giới.
Tại đây, du khách có thể tìm thấy sự kết hợp hài hoà giữa công nghệ và cổ điển được gói gọn trong một thành phố tuy nhỏ nhưng không hề kém sôi động. Trước khi virus corona trở thành đại dịch toàn cầu, hàng năm có tới hơn 4,5 triệu lượt khách du lịch ghé thăm thành phố của những pháo đài này.
Giao thông thông minh
“Helsinki luôn cam kết phát triển bền vững và đang thể hiện điều đó qua ngành du lịch châu Âu”, Phó thị trưởng Pia Pakarinen cho biết. “Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch hành động du lịch bền vững nhằm nâng cao vai trò tiên phong của thành phố trong dự án chung này”.
Giao thông thường là cơn ác mộng tại các thành phố du lịch, nhưng tại Helsinki, bài toán đã được giải thông qua các dịch vụ đặt, thuê xe hay phương tiện trọn gói với một ứng dụng di động duy nhất. Giải pháp đã được triển khai ngay từ cơ sở, bắt đầu từ chính những người dân của thành phố. Thay vì sở hữu những phương tiện cá nhân, người dân được khuyến khích “thuê xe” thông qua các gói dịch vụ di chuyển công cộng (MaaS), từ tàu hoả, xe đạp, xe bus cho tới taxi với chi phí tiết kiệm. Helsinki đặt mục tiêu tới năm 2025, không người dân nào sở hữu ô tô cá nhân!
Whim, ứng dụng dịch vụ di chuyển của công ty Phần Lan, MaaS Global, đã hoạt động từ năm 2017, đưa Helsinki trở thành thành phố đầu tiên cung cấp dịch vụ thuê phương tiện giao thông toàn diện. Chỉ mất khoảng 60 euro/tháng để đăng ký gói rẻ nhất, người dùng đã có thể sử dụng các phương tiện di chuyển hàng ngày, so với mức phí bảo trì một chiếc xe cá nhân rơi vào khoảng 233-260 euro/tháng tại Phần Lan. Còn nếu thuê theo ngày, 49 euro/ngày là số tiền bạn phải bỏ ra để có một chiếc ô tô vi vu.
Các xe bus không người lái đã được thử nghiệm trên các con phố. Cùng với đó là những “hướng dẫn viên” (Helsinki Helpers) được lắp đặt tại các điểm du lịch trong thành phố, sẵn sàng cung cấp trợ giúp cho các du khách.
Thăm Helsinki, khách du lịch sẽ được trải nghiệm 143 giải pháp mà thành phố này đang áp dụng để đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2035. Ứng dụng Helsinki Road Map giúp chính quyền địa phương nhanh chóng giải tỏa các điểm ùn tắc, điều hướng giao thông, từ đó hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch địa phương. Không chỉ vậy, 75% phòng khách sạn tại thành phố này đều đạt chứng nhận thân thiện với môi trường.
Du lịch ảo, mua sắm thật
Những lệnh giãn cách xã hội và hạn chế di chuyển thời kỳ đại dịch đã tác động tiêu cực tới ngành du lịch toàn cầu. Helsinki cũng không phải ngoại lệ, nhưng thành phố cũng nhanh chóng thích ứng với tình hình mới.
Ngay từ năm 2016, thủ đô Phần Lan đã xây dựng bản đồ số hoá chính mình. Mọi chi tiết của thành phố đều được dựng trên nền tảng 3D và dữ liệu được công khai cho tất cả người dân, cùng doanh nghiệp sử dụng với mục đích nghiên cứu và phát triển.
Với Helsinki phiên bản thực tế ảo dựa trên hình ảnh 3 chiều chất lượng cao, người dùng có thể thăm quan các địa danh nổi tiếng trong thành phố mà không nhất thiết phải chịu đựng cái lạnh của miền Bắc Âu. Không cần ra khỏi nhà, du khách vẫn có thể thăm quảng trường Senate Square hay khám phá phòng làm việc và nhà riêng của kiến trúc sư Alvar Aalto… là xu hướng du lịch thông minh mà thành phố này đang thúc đẩy với sự phát triển của khái niệm thế giới ảo (metaverse).
Zoan, công ty phát triển Helsinki thực tế ảo, cho biết “du khách có thể ghé thăm Helsinki của những năm đầu thế kỷ 20 hoặc vào một cửa hàng ảo mua sắm và các sản phẩm sẽ được chuyển tới tận nhà người mua qua đường bưu điện”. Các khả năng này còn bao gồm những trải nghiệm ảo khác như lễ hội âm nhạc và sự kiện thể thao.
Lauran Olin, trưởng phòng điều hành tại Zoan, khẳng định: “Ý tưởng là tạo ra một không gian tương tác kỹ thuật số và trải nghiệm chìm đắm không khác biệt giữa người dân và khách du lịch trong tương lai”.
Ghi nhận trong dịp lễ hội Ngày tháng Năm (May Day – lễ hội cổ xưa của một số nước châu Âu) diễn ra trong bối cảnh giãn cách xã hội vừa qua, đã có hơn 1,5 triệu người tham gia sự kiện âm nhạc ảo với các hình đại diện thay vì tụ tập trực tiếp.
“Metaverse” là từ khóa công nghệ năm 2021, nhưng ngành du lịch tại Helsinki, một trong những thành phố tiên phong ứng dụng các công nghệ mới tại châu Âu, đã cho thấy thuật ngữ này không phải vừa mới xuất hiện.
Vinh Ngô