Vì sao Hàn Quốc ân xá cho người thừa kế Samsung?
Cuộc sống số - Ngày đăng : 17:22, 14/08/2022
Tài phiệt Hàn Quốc 2 lần vào tù song đã được thả từ năm ngoái. Dù vậy, lệnh ân xá của Tổng thống có ý nghĩa trọng đại vì đã chấm dứt thứ khiến ông không thể nắm một vị trí chính thức tại Samsung.
“Tôi sẽ làm việc chăm chỉ hơn và hoàn thành nghĩa vụ như một doanh nhân. Tôi sẽ đóng góp cho kinh tế thông qua các khoản đầu tư không ngừng và tạo ra công ăn việc làm cho người trẻ và đền đáp kỳ vọng của mọi người, sự cân nhắc của chính phủ”, ông Lee nói sau khi lệnh ân xá được công bố.
(Ảnh: EPA) |
Lee điều hành Samsung từ năm 2014 khi cha của ông, cố Chủ tịch Samsung Lee Kun Hee, nhập viện vì bệnh tim. Ông Lee Kun Hee qua đời năm 2020.
Lee Jae Yong bị tuyên 5 năm tù vì tham nhũng và hối lộ vào tháng 8/2017. Ông được thả tự do chưa đầy 1 năm sau khi một tòa phúc thẩm bãi bỏ một số tội danh và tạm dừng thi hành án. Dù vậy, ông quay lại nhà tù vào tháng 1/2021 sau khi Tòa án cấp cao Seoul kết án 2,5 năm tù giam không án treo vì tội tham nhũng và hối lộ. Ông được tạm tha vào ngày Quốc khánh năm ngoái.
Ngoài ông Lee, Chủ tịch Lotte Shin Dong Bin và hai lãnh đạo doanh nghiệp khác cũng được ân xá hoặc phục chức.
Bộ trưởng Tư pháp Hàn Quốc Han Dong Hoon cho biết, “Để vượt qua khủng hoảng kinh tế bằng cách hồi sinh nền kinh tế, Phó Chủ tịch Samsung Lee Jae Yong, người vừa mãn hạn tù, sẽ được phục chức”.
Bất chấp môi trường kinh tế bất ổn do các vấn đề chuỗi cung ứng kéo dài và cuộc chiến tại Ukraine, Samsung vẫn vạch ra kế hoạch đầu tư táo bạo trong năm nay. Vào tháng 5, tập đoàn Hàn Quốc nói sẽ rót thêm 350 tỷ USD cho các bộ phận và tạo ra hàng chục nghìn việc làm mới trong 5 năm tới, hầu hết tại Hàn Quốc.
Lệnh ân xá mở đường cho ông Lee làm việc mà không gặp bất kỳ hạn chế nào. Theo luật pháp Hàn Quốc, nếu một người bị kết án tham ô trên 500 triệu won, người đó bị cấm làm việc cho công ty liên quan tới tội danh này trong 5 năm, ngay cả sau khi án tù kết thúc. Việc phục chức sẽ dỡ bỏ các hạn chế tuyển dụng với ông Lee.
Dù vậy, những rắc rối pháp lý của ông vẫn chưa dừng lại. Ông còn đối mặt với một vụ xét xử khác vì vụ sáp nhập năm 2015, giúp ông tăng cường kiểm soát công ty. 11 lãnh đạo Samsung, bao gồm ông Lee, bị truy tố năm 2020 vì giao dịch bất hợp pháp, thao túng cổ phiếu, khai man. Vụ án đang chờ xử lý.
Du Lam (Theo CNN)