Bài 1: "Kỳ án" cây đỗ và cuốc taxi 0 đồng lúc rạng sáng
Xã hội - Ngày đăng : 13:16, 14/08/2022
Sự có mặt của lực lượng công an chính quy như một luồng gió mới, làm thay đổi căn bản tình hình an ninh, trật tự ở cơ sở, góp phần giữ vững bình yên trên từng xóm làng.
"Chú Liêng ơi, năm sinh trong sổ đỏ của tôi khác năm sinh trong căn cước công dân, sửa có nhanh không?".
"Chú ơi, tôi muốn vào thắp hương cho các liệt sĩ bên nghĩa trang, hôm qua nhà có việc không qua được".
Đại úy Nguyễn Quang Liêng - Trưởng Công an xã Nghi Văn (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) xoay như chong chóng, thu nhận hồ sơ, giải đáp thắc mắc cho người dân. "Ở đây, có gì thắc mắc người dân cũng hỏi công an xã đầu tiên", đại úy Liêng lí giải với tôi.
Những ngày đầu xách ba lô về xã, những cán bộ công an chủ yếu là lính trẻ hồi hộp xen lẫn lo lắng. Hơn 2 năm trôi qua những cán bộ công an xã trong sắc phục màu xanh đã trở nên thân thuộc với người dân.
"Muốn bà con hiểu mình, tin mình thì phải đến với bà con trước. Khi mới về xã, cũng là thời điểm làm căn cước công dân, có khi xã nhận hơn 2.000 căn cước của bà con, chúng tôi đến trao tận tay từng công dân, vừa để tránh thất lạc, vừa là một cách để mình tiếp xúc với người dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con", đại úy Liêng chia sẻ.
Về xã, trực tiếp giải quyết các vụ việc phát sinh ở cơ sở, không chỉ đằng sằng áp dụng cứng nhắc các quy định mà đòi hỏi mỗi cán bộ công an phải linh hoạt, khéo léo. Thượng úy Trần Ngọc Quyết - công an viên xã Nghi Văn (Nghi Lộc, Nghệ An) vẫn phì cười mỗi khi nhắc lại "kỳ án cây đỗ non".
Số là, bà Tâm và bà Bình (tên đã được thay đổi) là hàng xóm láng giềng nhưng vốn có mâu thuẫn. Từ những chấp nhặt chuyện cỏn con, tích tụ lâu ngày cho đến những cuộc cãi vã, thậm chí là chửi bới, mạt sát nhau thường xuyên xảy ra, khiến tình làng nghĩa xóm sứt mẻ, gây mất trật tự.
Một hôm, bà Tâm dắt con trâu mẹ đi ăn cỏ, chú nghé tinh nghịch nhảy xuống ruộng đỗ xanh vừa nảy mầm của gia đình bà Bình. Dù thiệt hại không đáng kể nhưng nó đã "châm ngòi" cho một cuộc đấu khẩu kịch liệt giữa hai người phụ nữ. Sau 2 tiếng đồng hồ "đấu võ mồm" bất phân thắng bại, hai bà dắt trâu lên công an xã nhờ phân xử.
Thượng úy Quyết yêu cầu lần lượt từng người trình bày rồi mở máy tính, in phát mỗi người một bản quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác và thông báo những lời lẽ họ dành cho nhau đã vi phạm các quy định này.
"Hai bà từ chỗ đang mặt đỏ phừng phừng tố nhau thì bỗng "lặng ngắt như tờ", rồi lo lắng hỏi sẽ bị phạt bao nhiêu. Tôi thông báo mức phạt nhưng bảo cái đó sẽ giải quyết sau. Bây giờ mời 2 bà ra ruộng, kiểm đếm số đỗ bị hư hỏng để có căn cứ xử lý", Thượng úy Quyết tủm tỉm cười.
Lo lắng bị xử phạt về lỗi xúc phạm, chửi bới nhau, hai người phụ nữ lặng lẽ theo công an ra ruộng. Tổng số đỗ bị con nghé dẫm gãy, đổ là... 78 cây. Tuy nhiên, thượng úy Quyết yêu cầu đếm đi đếm lại thật kỹ, tránh sai sót.
Sau... 7 lần đếm, hai bà chuyển sang thủ thỉ nói chuyện với nhau. Đại úy Quyết mỉm cười, biết mâu thuẫn giữa 2 người phụ nữ đã bắt đầu được tháo gỡ nên mời về trụ sở, giải thích cụ thể để từng người thấy rõ cái sai của mình.
Thậm chí, những ngày sau đó, vị cán bộ công an này còn kỳ công tạo các tình huống để hai người phụ nữ vốn không ưa nhau trở nên gần gũi nhau hơn. "Lần trước cãi nhau nảy lửa thế mà hôm sau đã thấy hai bà chở nhau đi chợ rồi đấy, trò chuyện thân tình lắm", thượng úy Quyết cười.
"Công an chính quy về sát dân, gần dân, quy củ nên người dân nể, tôn trọng, từ đó chấp hành tốt quy định của pháp luật. Làng Cầu ngày trước là vùng sâu, vùng xa của xã, tệ nạn bài bạc rồi đánh nhau nhiều khi vẫn còn xảy ra.
Từ hồi công an chính quy về thì đã có thay đổi rõ rệt, món bài bạc dần mất hẳn, kể cả đánh vui vui 5 nghìn, 10 nghìn cũng không còn. An ninh trật tự từ đó cũng được đảm bảo", ông Trần Văn Thọ, Xóm trưởng xóm Làng Cầu, xã Lăng Thành, Yên Thành (Nghệ An) nói.
Làng Cầu là xóm rộng nhất, cách trung tâm xã Lăng Thành 17 cây số, xe ô tô vẫn chưa vào được đến nơi. Việc thường xuyên duy trì tuần tra, xử lý nghiêm của công an chính quy giúp cho tình hình đánh bạc, gây mất ổn định an ninh trật tự tại đây được kiểm soát, tiến tới ngăn chặn không để tái diễn.
Đến nay công an xã vẫn chưa có trụ sở riêng, nơi nghỉ ngơi sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ do địa phương cải tạo từ căn nhà kho tuổi đời gần 40 năm, chắp vá đủ bề. Đảm trách nhiệm vụ ở địa bàn rộng nhưng mới chỉ được bố trí 5 cán bộ, chiến sĩ nhưng Lăng Thành là đơn vị hoàn thành xuất sắc 2 đề án dữ liệu dân cư và căn cước công dân, đồng thời tham gia có hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, cũng như đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
"Về xã mới biết việc nhiều vô kể, từ trộm cắp, tai nạn giao thông, đánh bạc đến bạo lực gia đình... người dân đều gọi công an xã, bất kể là giữa đêm hay gần sáng. Có những cái mình cứ theo quy định pháp luật mà làm nhưng cũng có những vụ việc xử lý phải thực sự mềm dẻo, linh hoạt mà vẫn phải đảm bảo đúng quy định.
Cái quan trọng nhất là tuyên truyền để người dân hiểu, từ đó chấp hành tốt các quy định, có như vậy mới có thể phòng ngừa được các nguy cơ tiềm ẩn về an ninh trật tự tại cơ sở", Đại úy Đặng Thanh Hòa - Trưởng Công an xã Lăng Thành cho hay.
Hơn 2 năm "đi xã", bao nhiêu lần nhận cuộc gọi của người dân giữa đêm khuya, bất kể là đông hay hè nhưng có lẽ ám ảnh nhất đối với đại úy Hòa là cú điện thoại cầu cứu của người cha có con mắc bệnh tâm thần.
3h sáng một ngày cuối năm 2021, tiếng điện thoại reo trong đêm đánh thức giấc ngủ muộn của anh Hòa. "Anh Trịnh Xuân H., con trai ông Trịnh Xuân N. tái phát bệnh tâm thần, đập phá đồ đạc, đề nghị công an xã hỗ trợ", ông Nguyễn Hồ Sơn - Chủ tịch UBND xã chỉ đạo ngắn gọn.
Ngôi nhà ngổn ngang quần áo cũ, nồi niêu, ấm chén. Trịnh Xuân H. vẫn vừa chửi bới, vừa đập phá. Thời điểm đó hết thuốc uống nhưng do tình hình dịch Covid-19 đang căng, ông N. không thể xuống thành phố Vinh lấy cho con.
Không có thuốc, căn bệnh tâm thần tái phát, H. trở thành mối nguy hiểm cho cả gia đình. Giờ phải đưa xuống bệnh viện gấp, nhưng ông N. không thể tự đưa đi, mà thuê xe cộ thời điểm này cũng không đơn giản, chưa kể cả đi lẫn về phải ngót nghét triệu bạc, số tiền này không hề nhỏ đối với gia đình người cha khốn khổ này.
"Bác giữ em ấy để tôi về trụ sở lấy xe chở xuống bệnh viện", đại úy Hòa nói sau khi đã vận động, khống chế, vô hiệu hóa được sự nguy hiểm của anh H. "Thôi, phiền các đồng chí quá. Để tôi nghĩ cách", người cha nghèo ái ngại khi đêm hôm còn làm phiền công an nhưng không có cách nào khác, ông đành phải đưa con ngồi vào ghế.
Chiếc xe di chuyển trong đêm, lắc lư qua con đường lổn nhổn đất đá. Sau khi đập phá đồ đạc miệt mài, H. dần chìm vào giấc ngủ, khuôn mặt trở nên hiền lành như chưa từng phát bệnh.
Gần 5h sáng, hoàn tất thủ tục nhập viện cho H., người cha ái ngại dúi vào tay trưởng công xã một khoản tiền, khẩn khoản: "Chú cầm đổ xăng cho bác đỡ áy náy". "Bác cất đi, mua thêm thức ăn bồi bổ cho em. Lúc nào cần hỗ trợ, bác cứ gọi, đừng ngại", đại úy Đặng Thanh Hòa nói, rồi lên xe quay về xã chuẩn bị cho một ngày làm việc mới.
Sau chuyến đi ấy, đại úy Hòa trở thành người thân của ông B. Sức khỏe ổn định, H. được xuất viện điều trị ngoại trú. Đôi lần lên cơn, ai khuyên cũng không được, H. chỉ nghe mỗi "chú Hòa". Trong chiếc điện thoại của ông N. số điện thoại của vị trưởng công an xã trở nên quen thuộc, thậm chí ông còn lưu vào đầu danh bạ, mỗi khi cần có thể bấm gọi ngay để nhờ hỗ trợ.
Sau hơn 2 năm, tỉnh Nghệ An đã bố trí hơn 2.250 cán bộ, chiến sĩ đảm nhiệm chức danh công an tại 428/428 xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Đề án bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã tại Nghệ An đã được cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân đồng tình, ủng hộ, thống nhất cao và tạo điều kiện trong triển khai. Nhờ gần dân, sát dân, phục vụ Nhân dân, lực lượng công an chính quy ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã góp phần làm thay đổi căn bản tình hình an ninh, trật tự ở cơ sở theo hướng ổn định và bình yên hơn.
(Còn tiếp...)
Nội dung: Hoàng Lam
Ảnh: Hoàng Lam - Công an Nghệ An
Thiết kế: Thủy Tiên
14/08/2022