Quân đội Mỹ gặp khó về tuyển dụng nhân lực

Đối ngoại - Ngày đăng : 10:10, 14/08/2022

Quân đội Mỹ đang phải đối mặt với môi trường tuyển dụng đầy thách thức, mà nguyên nhân chính là do tác động của dịch Covid-19, sự cạnh tranh gay gắt từ khu vực tư nhân và số lượng thanh niên Mỹ muốn tham gia quân đội ngày càng giảm.

Nguy cơ thiếu hụt 31.000 binh sĩ

Năm 2016, người đứng đầu Lầu Năm Góc lúc đó là ông Ashton Carter đã yêu cầu xem xét lại "tiêu chuẩn tuyển dụng" để bảo đảm đủ quân số cho lực lượng quân đội Mỹ. Theo ông Carter, cần nới lỏng tiêu chuẩn tuyển dụng như tình trạng thừa cân, thể lực, hình xăm và thậm chí là quá khứ sử dụng cần sa, nếu không muốn quân đội Mỹ “tự cô lập mình khỏi phần còn lại của dân số”.

Ngoài ra, ông Carter cũng giải thích lý do vì sao khó tuyển mộ binh lính mới ở các bang phía Đông Bắc nước Mỹ, trong khi điều này lại dễ dàng hơn ở khu vực nông thôn và các bang phía Nam. Ông Carter còn khuyến nghị tuyển dụng con em sĩ quan có nhu cầu phục vụ lâu dài trong quân đội.

Quân đội Mỹ thí điểm chương trình Khóa học dự bị cho binh sĩ tương lai tại Fort Jackson, bang Nam Carolina bắt đầu từ tháng 8-2022. Ảnh: Army.mil

6 năm sau, tình hình tuyển dụng nguồn nhân lực cho quân đội vẫn không được cải thiện. Theo một báo cáo đề ngày 20-7-2022 của Bộ Lục quân Mỹ, quân đội nước này đang phải đối mặt với thách thức tuyển dụng lớn nhất kể từ khi Lực lượng Quân đội hoàn toàn tự nguyện (All-Volunteer Force) được thành lập vào năm 1973.

Hiện tại, tỷ lệ công dân Mỹ từ 17 đến 24 tuổi đủ tiêu chuẩn phục vụ quân đội đã giảm từ 29% xuống còn 23%. Bộ Lục quân Mỹ cảnh báo, nước này có thể đối mặt với sự thiếu hụt 31.000 binh sĩ vào năm 2023 so với mục tiêu đặt ra ban đầu là 476.000 người.

Vì sao một quốc gia có nền quân sự mạnh bậc nhất thế giới lại thiếu nhân lực đến vậy? Nghiên cứu của Bộ Lục quân Mỹ chỉ ra một số nguyên nhân chính sau. Trước hết, dịch Covid-19 đã gây biến động thị trường lao động, buộc các nhà tuyển dụng ở khu vực tư nhân phải tăng lương để thu hút nguồn nhân lực.

Ngoài ra, trong các đợt phong tỏa, học sinh phải học trực tuyến và điều này làm hạn chế sự tiếp cận của nhà tuyển dụng với đối tượng tuyển dụng ở các trường trung học. Giáo dục từ xa cũng dẫn đến "suy giảm về trình độ học vấn và thể chất", làm ảnh hưởng đến năng lực của các ứng viên tiềm năng cho quân đội.

Một lý do khác gây khó khăn trong việc tuyển dụng là số lượng thanh niên Mỹ gia nhập quân đội đang có xu hướng giảm. Theo Lầu Năm Góc, thanh niên gia nhập quân đội vì 3 lý do chính, gồm: Mức lương hấp dẫn, được đào tạo miễn phí và có chính sách đãi ngộ tốt. Tuy nhiên, có 3 lý do khác khiến một bộ phận thanh niên không muốn “đội mũ, đeo sao” là bởi sợ bị thương hoặc tử vong, chấn thương tâm lý và quấy rối hoặc tấn công tình dục.

Chất lượng quan trọng hơn số lượng

Theo Bộ Lục quân Mỹ, cơ quan này đang nỗ lực để vượt qua thách thức về tuyển dụng nhân lực nhưng không thể thực hiện trong một sớm một chiều. Trong một cuộc phỏng vấn với hãng AP gần đây, Bộ trưởng Bộ Lục quân Mỹ Christine Wormuth cho biết: “Chúng tôi đang đối mặt với một câu hỏi rất cơ bản... Chúng tôi phải hạ thấp các tiêu chuẩn để đạt được số lượng cần thiết hay giảm số lượng để duy trì sức mạnh chuyên môn? Câu trả lời hiển nhiên: Chất lượng quan trọng hơn số lượng”.

Theo Bộ Lục quân Mỹ, mọi sáng kiến để thúc đẩy tuyển dụng đều phải tuân thủ các nguyên tắc sau: Không hy sinh chất lượng cho số lượng, không hạ thấp tiêu chuẩn, tập trung đầu tư vào người trẻ tuổi để họ đáp ứng các tiêu chí phục vụ trong quân đội. Bộ Lục quân Mỹ cũng thiết lập chương trình thí điểm Khóa học dự bị cho binh sĩ tương lai (FSPC) nhằm trang bị cho tân binh về thể chất và học vấn; mở rộng các đơn vị tuyển quân trên toàn quốc; tăng tiền thưởng lên tới 50.000USD cho một người nhập ngũ trong 6 năm; tặng tiền thưởng 35.000USD cho những người sẵn sàng gia nhập quân đội ngay trong 45 ngày...

Với sự thay đổi tích cực trong môi trường tuyển dụng hiện tại, Bộ Lục quân Mỹ hy vọng sẽ tuyển dụng được 466.400 binh lính vào cuối năm tài chính 2022 và dần dần cải thiện tình trạng thiếu hụt nhân lực trong thời gian tới.

PHƯƠNG VŨ