Đại học xoay chiều đào tạo nhiều ngành học "tréo ngoe" phục vụ thị trường
Xã hội - Ngày đăng : 23:00, 13/08/2022
Nhắc đến Trường ĐH Thủy Lợi, nhiều người nghĩ ngay đến các ngành truyền thống lâu nay gắn với tên tuổi như: Kỹ thuật xây dựng công trình thủy; ngành Kỹ thuật tài nguyên nước; ngành Kỹ thuật cấp thoát nước…
Trong đó, điều đáng ngạc nhiên là năm nay, nhà trường giảm chỉ tiêu tuyển sinh ngành Kỹ thuật xây dựng công trình thủy nhưng lại mở thêm nhiều ngành mới tinh, những tưởng không phải thế mạnh của nhà trường.
Cụ thể, Trường ĐH Thủy Lợi tuyển sinh thêm 6 ngành học mới gồm: An ninh mạng, Tài chính - ngân hàng, Kiểm toán, Kinh tế số, Luật, Kỹ thuật Robot và điều khiển thông minh.
Bắt đầu từ năm nay, Trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải mở một số ngành mới để đáp ứng nhu cầu người học như: Công nghệ kỹ thuật môi trường, Quản lý xây dựng, Công nghệ kỹ thuật giao thông, Trí tuệ nhân tạo và Hạ tầng giao thông, Logistics và Hạ tầng giao thông để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động…
Trường Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) triển khai tuyển sinh ba ngành đào tạo đại học kết hợp thạc sĩ gồm: Công nghệ thông tin ứng dụng, Kỹ thuật hệ thống công nghiệp và Logistics, Công nghệ tài chính và Kinh doanh số.
Trường Đại học Việt Nhật mở chương trình kỹ sư ngành Kỹ thuật Xây dựng và ngành Nông nghiệp thông minh và bền vững. Khoa Các khoa học liên ngành có thêm khóa cử nhân Đô thị thông minh và bền vững, Quản lý giải trí và sự kiện.
Năm 2022, Trường Đại học Ngoại thương lần đầu tuyển sinh chương trình Marketing số ở trụ sở Hà Nội và chương trình Truyền thông Marketing tích hợp ở cơ sở TPHCM.
Trong khi đó, Trường Đại học Công nghệ năm nay có thêm chương trình cử nhân ngành Trí tuệ Nhân tạo.
Thực tế việc các trường đại học nắm bắt nhu cầu của thị trường để chuyển đổi ngành nghề bắt nguồn từ nhiều năm nay. Thậm chí một thời gian, "nhà nhà" đều mở ngành tài chính kế toán dẫn đến một cuộc khủng hoảng thừa các ngành nghề này. Nắm bắt xu hướng, nhiều trường bắt đầu mở các ngành nghề mới để phục vụ thị hiếu.
Theo Bộ GD&ĐT, việc các trường đại học mở nhiều ngành nghề mới như hiện nay các cơ sở giáo dục đại học được thực hiện tự chủ, được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh; công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng đào tạo và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, tỷ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp; bảo đảm chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo đã công bố.
Các trường chủ động điều chỉnh các chương trình đào tạo; chỉ tiêu tuyển sinh để đáp ứng nhu cầu của người học. Đồng thời, các trường cập nhật, điều chỉnh các ngành mới để đáp ứng nhu cầu xã hội, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Anh Toàn cho rằng, trong năm 2022, những ngành nghề có thu nhập cao vẫn là những ngành kinh tế mũi nhọn như: Công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, Digital Marketing, xây dựng, y tế, điện - cơ khí.
Ông Toàn nhận định, những ngành nghề trên vẫn là những ngành nghề có thu nhập cao năm 2022 và tiếp tục cao trong vòng 5-10 năm tới. Đối với những chuyên viên có trình độ cao, kỹ sư điện toán đám mây, thiết kế đồ họa, chuyên gia mạng máy tính, chuyên viên Marketing Online...
Theo TS Trần Khắc Thạc - Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Thủy lợi, việc mở các ngành mới xuất phát từ nhu cầu của học sinh, phụ huynh và đáp ứng nguồn nhân lực cho xã hội.
Nhà trường cũng hướng đến việc sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ làm việc ở các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Trong khi đó theo GS Nguyễn Đình Đức - Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, ba ngành học mới mà nhà trường mở năm nay đều rất cần thiết cho quá trình xây dựng và phát triển đất nước trong cách mạng công nghiệp 4.0.
Chuyên gia này cho biết, đến năm 2025, ĐHQGHN sẽ có tổng 572 chương trình đào tạo các loại, trong đó có 192 chương trình đại học, 225 chương trình đào tạo thạc sỹ và 155 chương trình đào tạo tiến sỹ.
So với các chương trình đang đào tạo hiện tại, danh mục này có thêm rất nhiều ngành mới. Trong đó bậc đại học có 67 ngành được quy hoạch, bậc thạc sỹ có 118 ngành và bậc tiến sỹ có 55 ngành.
Đặc biệt, có 58 ngành đào tạo thí điểm bậc đại học, 102 ngành thí điểm bậc thạc sỹ và 43 ngành thí điểm bậc tiến sỹ.
Theo GS Đức, trong những giai đoạn trước, nhiều ngành thí điểm sau đó đã được đưa vào danh mục của Nhà nước và triển khai đào tạo trong toàn quốc, được khẳng định và đánh giá cao như: Thạc sĩ và tiến sĩ Đo lường đánh giá trong giáo dục, kỹ sư Công nghệ - Kỹ thuật xây dựng - Giao thông, kỹ sư Tự động hóa và Tin học, Công nghệ Hàng không - Vũ trụ; cử nhân Khoa học dữ liệu, kỹ sư Năng lượng, Vật liệu và Linh kiện nano, An ninh phi truyền thống, Biến đổi khí hậu...
"Trong giai đoạn tới, cho đến năm 2025, có lẽ chưa có ngành nào thực sự "biến mất". Song, với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, của trí tuệ nhân tạo, của cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với đó là sự thay đổi, gia tăng về cả yêu cầu và nhu cầu của con người, nhiều ngành khoa học ngày càng có tính liên ngành và xuyên ngành, thậm chí có sự xóa nhòa ranh giới của một số ngành, kèm theo là nhiều chương trình đào tạo phải có sự đổi mới linh hoạt", GS Đức nói.
TS Nguyễn Đức Ngọc, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Ô tô, Phó Khoa Cơ khí (Trường ĐH Thủy Lợi) nói với PV Dân trí: "Chúng tôi không bỏ ngành truyền thống mà theo nhu cầu và xu hướng việc làm hiện nay, nhà trường chuyển sang các ngành công nghệ. Khi công nghệ 4.0 chiếm xu thế, ngành cơ khí sẽ là xương sống cho các ngành khác."
Trả lời câu hỏi, liệu nhà trường có chạy theo thị hiếu để ồ ạt mở các ngành nghề hot, chuyên gia này cho hay, nhà trường không chạy theo thị hiếu mà xây dựng ngành nghề dựa trên tầm nhìn của xã hội, đồng thời mất thời gian chuẩn bị khá lâu.
"Chẳng hạn để thành lập Bộ môn Kỹ thuật Ô tô, từ năm 2008 chúng tôi đã tìm hiểu và chuẩn bị trong 5-6 năm.
Cụ thể, năm 2011, đội ngũ nhân lực của nhà trường xây dựng định hướng ngành công nghiệp chất lượng cao, năm 2014 chúng tôi tuyển sinh mùa đầu tiên.
Vì là ngành mới và không chuyên nên những năm đầu tiên, ngành này khá chật vật trong tuyển sinh, trong khi các ngành truyền thống liên quan đến thủy lợi tuyển sinh không xuể.
Thế nhưng hiện nay xu hướng đã đảo ngược, nghĩa là những ngành truyền thống khó tuyển sinh hơn trong khi ngành của chúng tôi trở thành một trong 4 ngành hot của trường và đồng thời là ngành hot của xã hội", TS Ngọc nói.
Cũng theo thầy Ngọc, để thực hiện bài bản, thời điểm ấy nhà trường đã làm điều tra các vấn đề liên quan thì cho thấy, chất lượng kỹ sư mới ra trường có một số điểm cao nhưng một số điểm rất thấp, trung bình chỉ được 3/5 điểm.
Cũng qua đợt khảo sát đó cho thấy, các doanh nghiệp thường phải mất 6-12 tháng để đào tạo thêm kỹ năng cho các kỹ sư này mới tiếp cận với công việc của doanh nghiệp.
Về phía các trường đại học, sau khi tham khảo các chương trình đào tạo ở các trường trong và ngoài nước, chúng tôi mất 3 năm để cho ra các môn học cần và không cần để từ đó chọn các môn học phù hợp.
"Chúng tôi không học mỗi lý thuyết mà ngay từ năm nhất các em đã phải mặc đồng phục, phải thao tác thuần thục tháo lắp động cơ. Trong quá trình đào tạo, chúng tôi mời các doanh nghiệp đến để đào tạo cùng nhà trường.
Thậm chí nhà trường mở cả ga ra để học sinh thực tập trong quá trình học, giúp sinh viên có nhiều kiến thức thực tế hơn sau khi ra trường", TS Nguyễn Đức Ngọc chia sẻ.
Thực hiện: Mỹ Hà
(Thiết kế: Ng. Hiệp)
13/08/2022