Phóng sinh - từ bi hay tội ác?

Tổ ấm - Ngày đăng : 16:52, 12/08/2022

Trong cuộc sống hiện tại, việc phóng sinh mất đi nhiều ý nghĩa sâu sắc của Phật giáo khiến nhiều người lên án: Phóng sinh là tội ác!

Phóng sinh như thế là tội ác!

Hiện nay, tại nhiều thành phố xuất hiện nhiều người tự xưng là Phật tử thuần thành, tự cho mình là giàu lòng từ bi… vào các dịp lễ Vu Lan, Rằm tháng Giêng, những ngày mồng Một, ngày Rằm thường vung tiền đặt hàng tấn cá, ốc, cua, tôm… mời thầy làm lễ phóng sinh rùm beng.

Cũng có người, khi đến các chùa thường mua ngay tại cửa chùa cả lồng chim, chậu cá… để phóng sinh. Có người, vì điều kiện kinh tế eo hẹp hơn lại được dạy dỗ không đầy đủ là phóng sinh được nhiều con vật thì công đức càng nhiều, nên cố công mua cho thật nhiều ốc, cua “thiếu niên”… để phóng sinh.

Họ đều coi đó là làm việc thiện, thu được nhiều công đức và ra sức làm mỗi khi có dịp.

Phóng sinh - từ bi hay tội ác? - 1

Vì thế, ở chợ vào những dịp lễ hay mồng Một, hôm Rằm bỗng tăng vọt số lượng chim, cá, ốc, cua, tôm… và có hàng còn ghi rõ: Bán giá rẻ phục vụ phóng sinh! Người mua đâu ngờ vào trước những dịp như thế, hoặc khi có đơn đặt hàng thì người bán đã đặt hàng cho người săn bắt.

Đáng thương thay, những chú chim đang sai cánh trên trời, những cá tôm đang tung tăng dưới nước, những ốc cua đang sống an lành bỗng bị đánh bắt tàn khốc hơn để phục vụ cho nhu cầu phóng sinh.

Những loài dưới nước còn có nhiều khả năng được sống, nhưng các chú chim thường bị bỏ đói nên chẳng bay được xa, bị bắt lại và lại tiếp tục vào vòng quay bị bắt, bị nhốt, được mua, phóng sinh như thế…

Thêm vào đó, nghi lễ rình rang, hành động khoa trương kẻ cả của những người đi làm lễ phóng sinh khiến nhiều cuộc phóng sinh mất đi ý nghĩa từ bi, buông xả của Đạo Phật mà chỉ tăng thêm sự bức xúc của người đời.

Đó mới chỉ là một phần của “tội ác phóng sinh” trong hiện tại mà nhiều người phê phán!

Để phóng sinh theo đúng nghĩa từ bi

Bắt nguồn từ hai bộ kinh Phật giáo Bắc Tông là Phạm Võng Bồ Tát GiớiKim Quang Minh, tục lệ phóng sinh phát triển mạnh ở Trung Quốc, rồi truyền sang Tây Tạng, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam.

Trong kinh Phạm Võng có ghi: “Người con Phật vì lòng từ bi mà làm việc phóng sinh và khuyên bảo người khác làm. Nếu thấy người đời sát sinh thì nên tìm cách cứu cho chúng được thoát khỏi nạn khổ”. Kinh Kim Quang Minh cũng kể lại những thí dụ về lòng từ bi cứu giúp chúng sinh khỏi chết.

Ngay trong Ngũ giới - nền tảng đạo đức căn bản nhất - Đức Phật dạy cho con người thì giới thứ nhất là: Không sát sinh. Tuy nhiên, không sát sinh mới chỉ là thụ động ở chỗ không giết, không bảo giết; còn chủ động hơn, có ý nghĩa hơn những người con Phật phóng sinh, mang lại sự sống cho các con vật.

Để việc phóng sinh trở thành một tục lệ đẹp, giữ được những ý nghĩa tốt đẹp thuở ban đầu, có tác dụng nâng cao đạo đức, nhân cách xin gợi ý một số điều cần nhớ, cần làm khi phóng sinh:

1. Không “đặt hàng”: Để phóng sinh, bạn hãy mua các con vật đang còn sống tại những nơi chúng chắc chắn sẽ bị giết hoặc bán cho người ta giết thịt, rồi mang các con vật đó đến thả ở một nơi càng an toàn càng tốt, một nơi để chúng có thể được sống lâu hơn.

2. Không khoa trương: Vào những thời điểm đặc biệt chúng ta có thể mời thầy làm lễ, tụng kinh; còn đơn giản nhất và đừng phụ thuộc vào bất kỳ điều kiện nào là khi qua chợ thấy có mớ tôm, cua, cá, ốc còn tươi, động lòng thương chúng ta mua ngay mang ra sông, hồ thả. Khi thả, chúng ta cũng chỉ cần niệm: Nam mô A Di Đà Phật, hay Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật… cho đến khi toàn bộ các con vật được thả hết.

3. Không đặt điều kiện: Người đời làm ơn, theo thói thường, cứ mong được trả ơn hay phải thu được kết quả gì đó nên cứ khấn vái để được phù hộ độ trì hay tấn tài tấn lộc... chả khác gì một cuộc bán mua, mà cả.

Phóng sinh kéo dài sự sống cho các con vật là chúng ta đã làm việc thiện. Theo luật nhân quả, gieo gió ắt gặp bão, gieo nhân phúc sẽ được quả phúc… nên khi phóng sinh hay làm bất cứ việc thiện nào chúng ta hãy làm từ tình thương, từ đạo đức lương tâm chứ đừng mong báo đáp thì chắc chắn cái chúng ta thu được sẽ cực kỳ to lớn và kỳ diệu.

4. Đừng lệ thuộc vào hình thức: Coi phóng sinh cũng như là phóng sinh thì khi đi trên đường gặp đàn kiến, con giun… ta tránh không giẫm lên chúng. Trong nhà, trước khi diệt muỗi, gián, chuột… ta “thông báo” trước: “Này các chúng sinh muỗi/gián/chuột… vào ngày ấy ngày nọ gia đình chúng tôi sẽ phun thuốc/đặt bả/đánh bẫy… Nay xin báo trước để các vị tránh đi”. Nghe thì thật hoang đường nhưng chính gia đình tôi đã áp dụng mẹo này mà tránh được việc sát sinh.

5. Cần tạo ra những hình thức phóng sinh mới: Nếu không tin vào điều vừa nói thì các bạn cũng có thể giữ nguyên tắc phóng sinh cũng là không sát sinh để thay đổi nếp sống của chính mình. Ví dụ như để không phải diệt muỗi, gián, kiến, chuột… chúng ta tránh để nước đọng trong chum vại, phát quang cây cỏ trong nhà, thức ăn cần đậy lồng bàn, giữ gìn nhà cửa sạch sẽ phong quang, đón được nhiều ánh sáng, ánh nắng, thông khí… Việc này nhất cử lưỡng tiện là vừa tránh phải sát sinh, vừa giữ gìn được vệ sinh, đảm bảo sức khỏe.

Trong cuộc sống hiện đại cũng nên mở rộng nghĩa phóng sinh trong việc bảo vệ môi trường. Ví dụ, muốn giữ cho cuộc sống các loài sinh vật trên biển được an lành chúng ta đâu cần tìm mua cá, tôm, cua, ốc… nước mặn mà thả ra biển. Chúng ta chỉ cần đừng vứt rác thải ni lông, nhựa… xuống biển thì muôn loài hải tộc đã muôn vạn lần cảm ơn chúng ta.

Phát động các cuộc thi để bảo vệ chim muông, động vật quý hiếm, xây dựng cho con người từ tuổi ấu thơ biết yêu thiên nhiên, chim muông, cây cỏ… cũng chính là một hình thức phóng sinh hiện đại mà vẫn giữ được ý nghĩa nguyên thủy từ thời Đức Phật còn tại thế.

6. Ăn chay cũng là phóng sinh: Việc ăn chay cũng là hình thức thực hành phóng sinh rất thiết thực. Mỗi bữa cơm chúng ta đang tiêu thụ rất nhiều các loài sinh vật, đến mức có người ví, nếu gom lại xương của các con vật chúng ta đã từng ăn trong cả cuộc đời thì chắc sẽ lớn bằng quả núi.

Nếu ăn chay - chỉ cần ngày Rằm mùng Một, hay 10 ngày trong tháng như trong Đạo Phật - chúng ta sẽ tránh được “tội ác” ăn thịt chúng sinh và còn giữ được tâm từ bi, sức khỏe cho chính mình.

Pháp Định