Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Bộ KH&ĐT về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Xã hội - Ngày đăng : 16:06, 12/08/2022
Đạt kết quả tốt trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng nguồn lực giai đoạn 2016-2021 tại Bộ KH&ĐT, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng về quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2021, các đơn vị dự toán thuộc Bộ đã tiết kiệm kinh phí chi quản lý hành chính được 364.592 tỷ đồng. Việc tiết kiệm đã tạo điều kiện để các cơ quan, đơn vị chủ động nguồn trong chi tiêu nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đồng thời chi thu nhập tăng thêm để động viên, khích lệ tinh thần làm việc của cán bộ, công chức viên chức và người lao động.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ KH&ĐT đã chủ động sắp xếp, tổ chức lại, giảm đầu mối cấp phòng trong các đơn vị hành chính trực thuộc. Số lượng đầu mối cấp phòng trong các đơn vị hành chính thuộc Bộ giảm 15 phòng, tương ứng với giảm 27 lãnh đạo, quản lý cấp phòng.
Trong giai đoạn này, Bộ Kế hoạch và Đầu tưu cũng thực hiện 52 cuộc thanh tra, kiểm tra có nội dung liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước tổng số tiền 1.826 tỷ đồng số tiền chi không đúng quy định.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng nguồn lực của cả nước thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ. Trong đó, có việc tham mưu cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện công tác quy hoạch, đầu tưu, đấu thầu, mua sắm; Việc lập, thẩm định, tổng hợp, giao, thực hiện kế hoạch đầu tư công hàng năm; Việc thẩm định, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, theo dõi, giám sát tình hình thực hiện các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, các dự án đầu tư theo phương thức PPP…
Về thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2016-2020, hằng năm trong giai đoạn 2016-2021, Bộ KH&ĐT cho biết năm 2016 có 1.448 dự án chậm tiến độ, đến năm 2021 có 1.921 dự án chậm tiến độ. Về số dự án thất thoát, lãng phí, năm 2016 có 590 dự án, năm 2017 có 840 dự án, năm 2018 có 422 dự án, năm 2019 có 125 dự án, năm 2020 có 923 dự án, năm 2021 có 342 dự án…
Báo cáo của Tổ công tác của Đoàn giám sát cho biết giai đoạn 2016-2021, Bộ KH&ĐT đã có nhiều cố gắng và đạt kết quả tốt trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Bộ đã thực hiện nghiêm túc việc ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cả giai đoạn và hàng năm. Thực hiện nghiêm túc các quy định về tiết kiệm chi thường xuyên; chủ động cắt giảm nhiều khoản chi không cần thiết.
Việc tinh giản bộ máy, tiết giảm biên chế đạt kết quả khả quan, bảo đảm tuân thủ quy định, đạt và vượt chỉ tiêu. Việc hiện đại hóa thành công hệ thống dữ liệu quản lý, thực hiện chuyển đổi số đã bảo đảm liên thông toàn quốc, giảm chi phí tiền bạc, thời gian, nhân lực, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý toàn ngành. Việc triển khai các dự án đầu tư công của Bộ cơ bản tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Cho ý kiến chung về báo cáo của Bộ KH&ĐT, đa số thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội đánh giá cao Bộ KH&ĐT đã nghiêm túc, có tránh nhiệm trong xây dựng báo cáo với dung lượng lớn, công phu. Các nội dung cơ bản đầy đủ, chi tiết, bám sát khung đề cương của đoàn giám sát.
Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị Bộ cần đánh giá toàn diện hơn về tồn tại, làm rõ nguyên nhân, nêu rõ tổ chức, cá nhân yếu kém, có hành vi vi phạm, gây thất thoát, lãng phí; chỉ rõ những tổ chức, cá nhân điển hình làm tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhằm mang lại ý nghĩa lan tỏa, giúp nhân rộng điển hình.
Báo cáo được chuẩn bị công phu, nghiêm túc
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết có 8 ý kiến với 32 vấn đề được nêu trong buổi làm việc; các nhận định, đánh giá đều có cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và thực tiễn. Đây cũng là nội dung quan trọng để đoàn giám sát tiếp tục nghiên cứu, làm việc với các bộ, các cơ quan trong việc xây dựng dự thảo báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.
Đoàn giám sát đánh giá cao tinh thần nghiêm túc, cầu thị và không né tránh của Bộ KH&ĐT; chuẩn bị các báo cáo công phu, hệ thống phụ lục, bảng biểu tương đối đầy đủ, bám sát mục đích, yêu cầu của nội dung, phạm vi, đối tượng, các văn bản của Đoàn giám sát. Phát biểu của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cung cấp nhiều thông tin, bám sát chức năng, nhiệm vụ của Bộ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị trong Báo cáo, Bộ KH&ĐT cần làm rõ hơn ưu điểm nổi bật như triển khai kế hoạch và đầu tư công trung hạn, tháo gỡ vướng mắc để giảm vốn đầu tư của ngân sách Nhà nước... Đối với khuyết điểm tồn tại cần nêu dẫn chứng, đồng thời làm rõ nguyên nhân chủ quan và chỉ ra trách nhiệm của các cấp, các ngành, trong đó gắn với trách nhiệm người đứng đầu; lượng hóa tối đa, kết quả tiết kiệm, số lãng phí; mô hình hóa, sơ đồ hóa các phụ lục, biểu bảng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng lưu ý, đối với những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tế kiểm nghiệm chứng minh, trong phạm vi trách nhiệm của mình, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT chỉ đạo quyết liệt, khắc phục, tháo gỡ vướng mắc, không đợi đến khi Quốc hội kết luận và ban hành nghị quyết chuyên đề mới triển khai. Việc triển khai thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần quyết liệt hơn, với tinh thần nhanh nhưng hiệu quả không để chuyển từ cực này qua cực khác gây lãng phí.
Nguyễn Hoàng