Thăm xứ chùa tháp những ngày du lịch trở lại
Du lịch online - Ngày đăng : 15:34, 12/08/2022
Từ tháng 6/2022, Campuchia bắt đầu mở cửa du lịch trở lại. Du khách khi qua cửa khẩu chỉ cần trình giấy đã tiêm hai mũi vaccine hoặc app hộ chiếu COVID. Tính từ năm 2019 thì đã ba năm trôi qua tôi mới trở lại miền đất này, sau hai năm du lịch đóng cửa.
Chúng tôi chọn đi qua cửa khẩu Xa Mát vì từ đây đến Xiêm Riệp nhanh hơn so với qua cửa khẩu Mộc Bài. Khởi hành từ TP.HCM lúc 4 giờ rưỡi sáng, mãi đến 8 giờ chúng tôi mới đến được cửa khẩu. Tại đây không thấy bóng dáng khách du lịch, chỉ có đoàn chúng tôi với 24 người và thêm một đoàn khác 8 người. Thủ tục xuất nhập cảnh mất khá nhiều thời gian vì hải quan Việt Nam kiểm tra rất kỹ, còn bên Campuchia thì nhanh hơn. Mỗi du khách sẽ được cấp tờ giấy nhập cảnh Campuchia và khi trở về, tờ giấy này sẽ được thu hồi.
Mùa này Campuchia có những cơn mưa chiều, vì thế, chúng tôi phải hủy chương trình ngắm hoàng hôn trên đỉnh Bakeng. Vương cung Campuchia cũng chưa mở cửa cho khách tham quan nên chúng tôi đành phải chuyển qua dạo chơi ở Công viên bồ câu (Công viên sông Bốn mặt). Từ đây, chúng tôi có thể ngắm nhìn vẻ ngoài lộng lẫy của Vương cung.
Du khách dạo chơi Công viên bồ câu. Ảnh: Khuê Việt Trường
Tại đây, nhiều khách sạn đang trong tình trạng “cửa đóng then cài” nên để có được chỗ nghỉ chất lượng cho chuyến đi quả thật là chuyện khó nhằn. Bên cạnh đó, một số nhà hàng phục vụ khách du lịch vẫn chưa hoạt động trở lại, có nơi ngày xưa đông kín khách thì nay chỉ có mỗi đoàn chúng tôi đặt bàn.
Xiêm Riệp đón chúng tôi lúc 5 giờ chiều. Đường phố loang nước vì những cơn mưa. Đêm xuống, chúng tôi dạo chơi chợ đêm Angkor như một thói quen. Nhưng khác với những lần trước, lần này dạo chợ với cảm giác buồn buồn vì có đến 70% cửa hàng còn đóng cửa, khách du lịch cũng thưa thớt khiến nơi này mất đi vẻ huyên náo vốn có.
Đường phố trước kia có rất nhiều hoạt náo viên, ban nhạc quần chúng và các quán bia nhưng nay chỉ còn một điểm trong ánh đèn vàng, khách đi ngang cũng hững hờ lướt qua.
Angkor Wat luôn là điểm tham quan trong tất cả các cuộc hành trình đến Xiêm Riệp, vé hiện tại là 37 USD. Vẫn là năm ngọn tháp nổi bật trên nền trời mấy ngàn năm, nơi đây chỉ còn thấy khách nội địa đến thăm viếng, hoàn toàn vắng bóng khách Châu Âu. Ngày trước, lau lách cao ngang lưng người, nay đã được cắt bỏ. Bầy khỉ chạy nhảy không còn xuất hiện. Những người bán nước thốt nốt trên đường vào đền cũng đã rời đi. Khu vực bán hàng thưa thớt, thỉnh thoảng vài người khách vãng lai đi ngang liền thu hút tiếng mời chào mua.
Toàn cảnh phía ngoài Angkor Wat. Ảnh: Khuê Việt Trường
Chợ Nông Pênh cũng vắng du khách, chỉ có số ít đoàn ghé dạo một vòng rồi đi ra. Mấy năm trước, những cửa hàng đổi tiền tại chợ nhiều như nấm mọc sau mưa nhưng giờ đã ít hơn, chỉ còn thấy những điểm bán các loại dầu hoặc quần áo và đồ lưu niệm được bố trí gọn gàng. Nói chung là so với chợ Bến Thành thì hàng hóa ở đây không sánh bằng, nhưng giá khá “chát” và có rất nhiều nhãn mác “made in Việt Nam”.
Chợ côn trùng Skun ngày xưa rất đông người bày bán các loại côn trùng, nay giảm khoảng 50%. Khách tò mò xem và chụp ảnh là chính, rồi bỏ đi chọn mua các loại bánh và trứng vịt có giá 6 nghìn tiền Việt cho mỗi quả.
Du khách Việt hiếu kỳ bên các món ăn được chế biến từ côn trùng. Ảnh: Khuê Việt Trường
Cầu Rồng có nhiều hàng quán bày bán hơn, và đây vẫn là điểm dừng chân được yêu thích trong các chuyến du lịch Campuchia.
Cầu Rồng phủ đầy đất đỏ, lấm tấm cỏ dại mọc hoang. Ảnh: Khuê Việt Trường
Chúng tôi đã làm một cuộc hành trình xuôi về Biển Hồ với cảm xúc rất khác, không phải là cảm giác tận hưởng mà là cảm giác sẻ chia. Ven hai bên bờ là những “ngôi nhà không cửa” lênh đênh theo con nước; là những con người khắc khổ đủ già trẻ lớn bé chèo vội con thuyền tới nhà bè nơi chúng tôi dừng chân để xin ít tiền.
Phía đằng xa là bóng dáng của một ngôi trường tiểu học, nơi có 300 em học sinh được nuôi ăn miễn phí với ánh mắt ngây thơ, tiếng trò chuyện hòa cùng tiếng réo giục của con nước dâng. Ở Biển Hồ, những đám lục bình vẫn trôi theo dòng nước, nở một màu hoa tím mênh mông.
Ngôi nhà bè đơn sơ dựng trên sông này chính là trường tiểu học của các em nhỏ địa phương. Ảnh: Khuê Việt Trường