Những sai lầm phá hủy hệ thống phanh ô tô
Soi xe - Ngày đăng : 13:59, 12/08/2022
Thường xuyên phanh gấp
Việc liên tục phanh gấp sẽ gây căng thẳng hơn cho hệ thống phanh, làm mòn đĩa và kẹp phanh xe hơi nhanh hơn. Ngoài ra, nhiệt sinh ra trong quá trình này sẽ khiến tuổi thọ của phanh giảm sút đáng kể.
Do đó, người lái nên thận trọng khi điều khiển xe đạt tốc độ nhanh quá mức vì điều này khiến tăng lực cản của phanh khi cần dừng xe khẩn cấp. Để giảm bớt những tác động tiêu cực, chúng ta cần quan sát, dự đoán tình huống giao thông và đạp phanh từ xa.
Liên tục tăng tốc khi đường tắc
Trong các tình huống giao thông đông đúc, người điều khiển chỉ nên tăng tốc nhẹ để đuổi kịp xe phía trước thay vì đạp thốc ga rồi đột ngột phanh. Nếu thực hiện thao tác này quá nhiều, phanh có thể bị cháy, hoạt động không còn hiệu quả khi thực sự cần thiết.
Đặt chân trái lên bàn đạp phanh
Khi lái xe, một số tài xế thường có thói quen để chân trái lên bàn đạp phanh. Điều này có thể dẫn đến tình huống vô tình đạp phanh trong khi đang lái xe bình thường, dẫn đến việc sử dụng phanh không cần thiết.
Cùng với đó, thói quen này có thể khiến chúng ta đạp nhầm chân phanh và ga trong một vài trường hợp mất tập trung. Vì vậy, người điều khiển không cần sử dụng chân trái khi điều khiển xe số tự động. Trong trường hợp lái ô tô số sàn, tài xế nên đặt chân trái vào chân côn.
Rà phanh khi đổ đèo
Khi điều khiển ô tô xuống dốc, nếu tài xế liên tục thực hiện thao tác rà phanh sẽ tạo ra nhiệt lượng lớn, thậm chí có thể gây cháy, cong vênh má phanh. Điều này có thể dẫn đến tình huống mất phanh, nguy hiểm tới tính mạng tài xế và hành khách.
Vì vậy, người điều khiển phương tiện nên chuyển sang chế độ bán tự động với xe dùng hộp số tự động, đối với xe số sàn thì nên chuyển về số thấp. Người lái hãy tuân thủ theo nguyên tắc lên dốc số nào, xuống dốc số đó. Khi theo nguyên tắc này, hệ thống truyền động của xe sẽ hãm tốc độ ô tô lại, giúp hệ thống phanh giảm bớt áp lực.
Để quá nhiều vật dụng trên ô tô
Ô tô của chúng ta không phải là một nhà kho di động nhưng một số người vẫn có thói quen mang theo những vật dụng không cần thiết trên xe hơi. Nên nhớ rằng tổng trọng lượng của xe tăng thêm chỉ khiến phanh phải tạo nhiều áp lực hơn để đưa xe dừng lại.
Không thay dầu phanh theo định kỳ
Không thay dầu phanh thường xuyên có thể gây ra hư hỏng trên dây phanh. Dầu phanh cũ hút hơi ẩm, có thể khiến xi lanh chính, đường phanh và pít-tông bị ăn mòn. Hậu quả này sẽ khiến hiệu quả của phanh bị giảm, thậm chí mất phanh hoàn toàn. Để bảo vệ bộ phận này, chủ sở hữu nên thay dầu phanh mỗi năm một lần.
Kéo phanh tay khi xe chưa dừng hẳn
Phanh tay vốn không được lắp đặt để dừng khi ô tô đang di chuyển mà chỉ được thiết kế để giữ xe đứng yên khi dừng hẳn. Do đó, nếu xe đang di chuyển, việc tài xế sơ suất kéo phanh tay sẽ khiến lực phanh tác động lên 2 bánh sau, gây ra hiện tượng trượt bánh, mất lái.
Không hạ phanh tay khi xe đang di chuyển
Một số tài xế thường quên hạ phanh tay nhưng vẫn vận hành xe, điều này khiến guốc phanh và má phanh vẫn còn áp sát vào đĩa phanh, tạo ra ma sát rất lớn, có thể khiến cho má phanh bị cháy.
Khi gặp trường hợp này, một số dòng xe sẽ phát tín hiệu bằng đèn cảnh báo bật sáng trên đồng hồ trung tâm để nhắc nhở người lái. Cùng với, độ trễ lạ thường của ô tô kèm theo mùi khét từ hệ thống phanh cũng là dấu hiệu đáng chú ý. Ngoài ra, việc không hạ phanh tay cũng có thể làm hỏng các hệ thống cảm biến gắn trên bộ phận này chẳng hạn như hệ thống chống bó cứng phanh ABS. Hậu quả tệ nhất trong trường hợp này là có thể phát sinh mức nhiệt cao khiến dầu phanh sôi, dẫn đến phanh mất tác dụng hoàn toàn.