Sinh viên 'thế hệ COVID-19' Anh đối mặt khủng hoảng
Xã hội - Ngày đăng : 07:06, 12/08/2022
Theo các chuyên gia, sức khỏe tinh thần là vấn đề tồn tại trong các trường đại học từ trước, nhưng COVID-19 khiến điều này trở nên trầm trọng với sinh viên, thường được gọi với cái tên "thế hệ Covid". Tỷ lệ người gặp chứng rối loạn lo âu và trầm cảm tăng cao, khiến số lượng sinh viên đối mặt khó khăn trong học tập tăng đột biến. Dự kiến khi trở lại trường học trực tiếp vào tháng 9 tới, sinh viên tiếp tục phải hứng chịu tác động nặng nề này, bởi đã trải qua thời gian gián đoạn học tập không mấy vui vẻ khi giãn cách xã hội.
Dữ liệu mới nhất từ Công ty Hỗ trợ tài chính cho sinh viên cho thấy tỷ lệ sinh viên bỏ học tăng cao do những khó khăn mà đại dịch gây ra. Tại Anh, hơn 3.700 sinh viên bỏ học từ khi đại dịch bùng phát.
Larissa Kennedy, Chủ tịch Hội sinh viên quốc gia Anh (NUS), cảm thấy lo lắng khi hàng loạt khảo sát cho thấy mức độ nghiêm trọng trong các vấn đề về sức khỏe tinh thần sinh viên.
Theo nghiên cứu thực hiện trên 7.385 sinh viên của của Tổ chức từ thiện sức khỏe tâm lí Humen, hơn 41% cho rằng trường học không làm tốt việc ngăn chặn các vấn đề phát sinh sau đại dịch. Gần một nửa thừa nhận phải đối mặt với sức khỏe tinh thần không ổn định, và việc này gây ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình học tập; còn một phần ba sinh viên được hỏi không biết tìm sự giúp đỡ ở đâu.
Kennedy cho rằng những vấn đề tâm lý của sinh viên xuất hiện do áp lực thi cử kết hợp với khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Do đó, cô kêu gọi tài trợ cho "các trung tâm can thiệp sớm", nhằm "ngăn hàng nghìn người đạt tới điểm khủng hoảng".
Tiến sĩ Dominique Thompson, chuyên gia y tế hàng đầu về sức khỏe tinh thần sinh viên, nhận thấy số sinh viên bị rối loạn ăn uống, lo âu, cô đơn và tự làm hại mình tăng đáng kể. Bà cho rằng thế hệ trẻ phải hứng chịu những "tác động khủng khiếp" của đại dịch và giãn cách nên cần được giúp đỡ để trau dồi các kỹ năng xã hội, đảm bảo tinh thần và điều kiện học tập, đặc biệt là nhóm yếu thế như người da màu, dân tộc thiểu số, sinh viên khuyết tật và cộng đồng LGBTQ+.
Tổ chức từ thiện sức khỏe tâm lí Humen cũng xếp hạng các đại học dựa trên dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tâm lý cho sinh viên, căn cứ vào sự tự do thông tin, số tiền được chi và mức độ hài lòng của các em.
Kết quả, Đại học Reading được xếp hạng cao nhất, phần lớn đến từ việc trường này đã "mạnh tay" chi tiền để cung cấp các dịch vụ hỗ trợ sinh viên, trung bình 70 bảng mỗi người, gấp nhiều lần mức 1 bảng/siên của chính phủ. Trường Đại học Oxford và Central Lancashire lần lượt đứng thứ hai và ba.
Paddy Woodman, Giám đốc Dịch vụ sinh viên tại Reading, cho biết sức khỏe tâm lý bị ảnh hưởng bởi nhiều vấn đề khác nhau và các trường đại học phải hỗ trợ sinh viên hết sức có thể, gồm cả việc giải quyết những vấn đề về phúc lợi, khó khăn trong cuộc sống hàng ngày (chẳng hạn khó hòa nhập với bạn cùng nhà).
Bà Woodman nhấn mạnh việc giúp sinh viên hòa nhập xã hội là nhiệm vụ trọng tâm, nhất là trong thời kỳ hậu đại dịch. Theo quan sát của bà, sinh viên mong muốn một không gian yên tĩnh, thoải mái hơn để kết bạn và ngày càng ít tham gia tiệc đêm của trường. "Các em đã bỏ lỡ giai đoạn bước sang tuổi trưởng thành với các cơ hội mới, tham gia tiệc tùng với bạn bè, học cách cư xử và kiểm soát bản thân. Thay vào đó, chúng thu mình lại trong không gian an toàn của bản thân", bà nói.
Người phát ngôn của các trường đại học tại Anh cho biết các trường đang dồn lực để hỗ trợ sinh viên vượt qua những khủng hoảng sau COVID-19. "Đây là ưu tiên chung của các trường, Hội sinh viên và cả chính phủ", vị này nói.