TPHCM: Khi bác sĩ được bảo vệ bằng quy trình báo động “Code grey”

Tin Y tế - Ngày đăng : 21:02, 11/08/2022

TPHCM – Đe doạ, sử dụng ngôn ngữ xúc phạm, thậm chí là hành hung nhân viên y tế không phải là câu chuyện mới. Tuy nhiên, để giữ được an toàn trong khám chữa bệnh hiện nay vẫn là vấn đề cần được quan tâm. Với quy trình “Code grey” tình trạng gây rối mất trật tự trong bệnh viện được giảm bớt phần nào.

Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM là một trong những bệnh viện tuyến cuối của các tỉnh phía Nam. Với 160 nhân viên của Khoa Cấp cứu, trung bình mỗi ngày chăm sóc và điều trị cho khoảng 300 - 400 người. Áp lực về bệnh lý nặng, chuyên môn và sự nôn nóng của người nhà, khiến nhân viên y tế tại đây luôn trong tình trạng căng thẳng.

Khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM. Ảnh: Nguyễn Ly
Khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM. Ảnh: Nguyễn Ly

“Trong thời gian gần đây xảy ra thường xuyên người dân không hài lòng về chất lượng dịch vụ của bệnh viện. Người nhà mang tâm lý lo lắng khi người thân bị cấp cứu nên việc xảy ra những lớn tiếng là có. Tuy nhiên, hiện khoa cấp cứu cũng có báo động đỏ nên mọi vấn đề sẽ được giải quyết nhanh hơn”, bác sĩ Vũ Duy – Phó Khoa cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM.

Theo nhiều chia sẻ của nhân viên y tế, khi chăm sóc bệnh nhân việc bị hành hung đa phần trong tư thế bất ngờ, thụ động. Trong môi trường đặc thù liên quan đến mạng sống của nhiều bệnh nhân, việc mang tâm lý lo lắng làm việc đã ảnh hưởng nhiều nhân viên y tế và cả bệnh nhân.

Theo BS.CKII Phan Thanh Việt - Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, với quy trình cấp cứu trước kia người nhà được đi vào tự do tại khoa cấp cứu cùng với bệnh nhân. Tuy nhiên, việc này đã xảy ra những mâu thuẫn không đáng có, nhân viên y tế khó di chuyển khám bệnh, tăng nguy cơ gây bẩn môi trường y tế… Để cải thiện, hiện nay ngay từ khi mới bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân, lực lượng y tế chỉ cho phép một người nhà được vào để cung cấp bệnh sử. Cùng với đó là hệ thống báo động “Code grey” hoạt động, việc phối hợp giải quyết sự cố mâu thuẫn phát sinh của lực lượng công an, bảo vệ bệnh viện một cách nhanh chóng hơn.

Hệ thống “Code grey” (Emergency Codes). Tuỳ mỗi quốc gia, mà quy định mã hoá màu khác nhau trong báo động các tình huống khẩn cấp, trong đó có 3 mã mà các mã bệnh viện sử dụng phổ biến nhất là mã màu xanh (Code Blue), mã màu đỏ (Code Red) và mã màu đen (Code Black), còn lại một số mã code khác.

Sau khi vụ việc liên tiếp 2 nhân viên y tế tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định TPHCM bị hành hung, Sở Y tế TPHCM đã có những chỉ đạo nhằm kiểm soát, cải thiện hệ thống “Code grey”.

TS.BS Nguyễn Anh Dũng – Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, hệ thống “Code grey” đã được ngành y tế áp dụng nhiều năm nay với sự phối hợp giữa địa phương, công an và bệnh viện. Thực tế cho thấy những năm qua, số vụ việc gây mất trật tự tại các cơ sở y tế giảm hẳn. Nhưng trước những sự việc bác sĩ bị hành hung vừa diễn ra, ngành y tế cũng mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc xử lý theo quy định của pháp luật. Và đây cũng là những mong mỏi của nhân viên y tế TPHCM nói riêng và cả nước nói chung.

Mới đây, TPHCM có chỉ đạo yêu cầu các bệnh viện trên địa bàn thành phố củng cố quy trình báo động “Code grey” về an ninh trật tự bệnh viện.

Lãnh đạo các bệnh viện, cơ sở y tế của thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu triển khai thêm các giải pháp nhằm hạn chế tình huống thân nhân người bệnh bất ngờ gây rối hoặc hành hung nhân viên khoa Cấp cứu của bệnh viện.

Triển khai ngay “nguyên tắc 4 giờ hoặc 6 giờ” là thời gian tối đa cho người bệnh lưu lại tại khoa Cấp cứu, và phân quyền cho bác sĩ khoa Cấp cứu có quyền chuyển người bệnh vào các khoa nội trú, không để người bệnh lưu lại quá lâu tại khoa Cấp cứu.

NGUYỄN LY