Điểm tin kinh doanh 12/8: 7 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối bị tước giấy phép kinh doanh
Kinh doanh - Ngày đăng : 07:00, 12/08/2022
- 7 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối bị tước giấy phép kinh doanh
7 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối đã bị tước giấy phép hoạt động kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu trong thời hạn từ 1 - 2 tháng do thiếu các điều kiện trong kinh doanh xăng dầu.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, những doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu bị tước giấy phép là bởi thiếu điều kiện kinh doanh xăng dầu, như thiếu cửa hàng sở hữu và cửa hàng chung, thiếu đại lý hoặc thiếu kho, cầu cảng, phương tiện vận tải theo quy định đăng ký... Đây chỉ là một phần trong kết quả thanh tra.
Trước đó, vào tháng 2, Bộ Công Thương đã thành lập đoàn thanh tra chuyên ngành với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Việc thanh tra bao gồm tất cả các nội dung liên quan đến quy định về hoạt động kinh doanh xăng dầu của những doanh nghiệp đầu mối, bao gồm điều kiện phòng cháy chữa cháy, hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, quy định về sở hữu, đồng sở hữu về phương tiện, tàu, kho bể, hệ thống phân phối…
- Khởi động Dự án Chỉ số năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh
Dự án Chỉ số năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh (Logistics Competitiveness Index - LCI) Việt Nam 2022 đã chính thức được khởi động sáng 11/8.
Là sáng kiến của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics (VLA), LCI sẽ là công cụ đắc lực để phản biện chính sách – một trong bốn trụ cột xây dựng nên hệ thống logistics Việt Nam.
Với việc xây dựng từ dữ liệu điều tra doanh nghiệp, chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước, LCI sẽ đem đến một bức tranh chung về ngành kinh doanh dịch vụ logistics tại các tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Từ đó giúp hoạch định các chính sách nhằm phát triển ngành này tại các địa phương trên cả nước. Qua đó, tác động cắt giảm chi phí logistics, hỗ trợ phát triển sản xuất xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả.
- 'Ông lớn' dịch vụ sân bay bị phạt 500 triệu, thu hồi 2 tỷ đồng
Cục trưởng Cục thuế TP. Hồ Chí Minh vừa ra quyết định xử phạt hành chính thuế đối với Công ty Cổ phần Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (mã chứng khoán: SGN), địa chỉ trụ sở chính: 58 Trường Sơn, Phường 2, Quận Tân Bình.
Cụ thể, SGN khai sai dẫn đến thiếu số thuế giá trị gia tăng (GTGT) phải nộp, tăng số thuế GTGT được hoàn và dẫn đến thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp theo quy định tại Luật Quản lý thuế ngày 13/6/2019.
Trước những vi phạm hành chính về thuế của SGN, Cục trưởng Cục thuế TP. Hồ Chí Minh quyết định phạt tổng cộng số tiền là hơn 505 triệu đồng. Cùng thời điểm, Cục trưởng Cục thuế TP. Hồ Chí Minh ra quyết định thu hồi tiền hoàn thuế đối với SGN với tổng số tiền hơn 2,2 tỷ đồng.
- Bảy tháng đầu năm 2022, 94.575 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 7/2022, cả nước có 871.275 doanh nghiệp đang hoạt động. Thị trường đặc biệt là thị trường nội địa của các doanh nghiệp trong một số ngành phục hồi trên 75%-85% so với thời điểm trước dịch bệnh COVID-19. Doanh thu 7 tháng đầu năm 2022 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, một số ngành còn cao hơn so với cùng kỳ trước dịch.
Năm 2021, cả nước có 54.960 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có đăng ký, tăng 90,8% so với bình quân giai đoạn 2016-2020. 7 tháng đầu năm 2022, 94.575 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2021.
- Nợ thuế 7 tháng đầu năm tăng 17% so với cùng kỳ
Tổng số tiền nợ thuế do ngành Thuế quản lý ước tính đến hết tháng 7/2022 là 133.639 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cuối năm 2021 và tăng 17% so với cùng kỳ năm 2021.
Đây là số liệu vừa được Tổng cục Thuế cập nhật. Trong số trên, nợ thuế có khả năng thu là 68.141 tỷ đồng; tiền phạt và tiền chậm nộp của nợ có khả năng thu là 22.748 tỷ đồng; tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi là 24.964 tỷ đồng; tiền thuế nợ đang xử lý là 7.980 tỷ đồng; tiền thuế nợ đang khiếu nại, khiếu kiện là 9.802 tỷ đồng.
Theo lý giải của Tổng cục Thuế, tổng số tiền thuế nợ tăng so với cuối năm 2021 một phần do phát sinh tiền chậm nộp tính 0,03%/ ngày trên tổng số tiền nợ thuế.