Phòng khám thiếu thuốc tê, thiếu chỉ khâu 'do các hãng dè dặt, cầm chừng'
Tin Y tế - Ngày đăng : 17:35, 11/08/2022
"Nhập về được cũng sợ sai nên họ rất dè dặt, rất cầm chừng"
Theo chia sẻ của một chuyên gia trong lĩnh vực y tế, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn đang diễn ra. Hiện nay có tình trạng các công ty dược không muốn bán cho bệnh viện công vì thủ tục phức tạp "lằng nhằng mất thời gian, rồi theo quy định hình như giá trúng thầu phải thấp hơn giá trước đó"...
"Nhưng quan trọng nhất là họ không muốn... gặp rắc rối. Cho dù có lãi cũng không muốn bán, vì bản thân các nhà cung cấp cũng nói rằng bán cho chỗ nọ chỗ kia, không cẩn thận lại lằng nhằng thanh tra vào rồi vạ lây, "không phải đầu thì phải tai" - chuyên gia này nói.
Chuyên gia cho rằng sau hàng loạt sai phạm trong vụ kit test Việt Á, thanh tra cũng phải kiểm tra nhiều hơn về các gói thầu, không riêng về Dược mà còn các mảng khác, nhưng quan trọng nhất là Dược. Vì thế, các đơn vị càng e dè, sợ sai, không dám làm.
Bản thân phía bệnh viện, Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành thuốc nhưng các công ty thuốc, nhà thuốc bệnh viện sợ sai trong đấu thầu nên không dám làm, vì vậy, tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế vẫn đang diễn ra.
Còn đối với phòng khám tư hiện nay cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Họ thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế rất nghiêm trọng.
"Nơi nào có kho dự trữ thuốc và vật tư từ trước thì còn có thể tiếp tục duy trì tiếp nhận khám và điều trị bệnh nhân. Nơi nào không dự trữ được nhiều thì chắc chắn sẽ không có thuốc, vật tư mà làm nữa" - vị chuyên gia này phân tích.
Nói về nguyên nhân, vị chuyên gia y tế cho rằng do nhà cung cấp không nhập hàng về, nhập về được cũng sợ sai nên họ rất dè dặt, rất cầm chừng, chờ đợi nghe ngóng tình hình. Hậu quả là các phòng khám sẽ gặp khó khăn trong việc hoạt động.
Trong khi đó, các phòng khám tư không thể mua lẻ ở nhà thuốc vì lo ngại hàng trôi nổi hoặc chỉ có hóa đơn mua bán lẻ còn các phòng khám tư mua thuốc hay vật tư thường phải có hóa đơn chứng từ đầy đủ của công ty.
"Vật tư và thuốc lên giá thì giá dịch vụ kỹ thuật phải tăng giá theo. Và hậu quả là người dân phải phải chịu"- chuyên gia này lên tiếng.
Trước đó, theo phản ánh của báo Lao Động, hiện nay tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế tại các bệnh viện công lập đang dần được giải quyết nhưng “cơn khát” thuốc và vật tư y tế lại đang bắt đầu lan sang các phòng khám tư nhân.
Các bác sĩ cho biết hết thuốc tê, hết chỉ khâu, dao mổ cũng khan hiếm... là tình trạng mà họ chưa từng gặp phải từ trước đến nay.
"Chưa bao giờ chúng tôi lâm vào tình cảnh như vậy. Phòng khám hết thuốc tê, tôi phải nhờ mối quen mua hộ ở miền Nam ra, đến giờ vẫn không biết có mua được không. Hiện thuốc tê chỉ còn mấy hộp, có thể "cầm cự" được khoảng 1 tháng.
Hiện bên cung cấp trả lời là không ai ký để công ty nhập hàng về Việt Nam nên không có hàng. Không chỉ vậy, tôi phải đi lùng sục dao mổ tốt để sử dụng nhưng cũng hết. Chỉ khâu cũng đã cạn mà không thể mua được" - bác sĩ V tại một phòng khám nha khoa ở Hà Nội cho biết.
Tình trạng thiếu thuốc, vật tư xảy ra ở hầu hết tuyến y tế
Theo Bộ Y tế, nguyên nhân thiếu thuốc, vật tư y tế do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, nguồn nguyên liệu sản xuất hàng hóa khan hiếm, giá cả biến động. Tình trạng hết hạn số đăng ký lưu hành của một số loại thuốc, nhân lực quản lý nhà nước quá ít, khó khăn trong xử lý hồ sơ.
Việc chậm có kết quả đấu thầu tập trung quốc gia, đàm phán giá thuốc, một số địa phương giao cho các đơn vị chủ động tự đấu thầu, thay vì đấu thầu tập trung, nên các đơn vị lúng túng, e ngại.
Đặc biệt tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra, không dám làm, không dám mua sắm của một số địa phương và đơn vị mặc dù thuộc thẩm quyền mua sắm. Có những doanh nghiệp, nhà cung cấp cũng e ngại trong việc cung ứng hàng hóa khi giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thanh toán phức tạp, khó khăn.
Các văn bản liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế còn có một số nội dung chưa rõ, chưa cụ thể nên dẫn tới cách hiểu, cách làm khác nhau.