Thoát điều tồi tệ nhất 40 năm, nền kinh tế số 1 thế giới bớt lo suy thoái
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 12:22, 11/08/2022
Lạm phát hạ nhiệt từ đỉnh 40 năm
Bộ Lao động Mỹ đêm qua (giờ Việt Nam) công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của Mỹ tăng 8,5% so với cùng kỳ, thấp hơn so với dự báo 8,7% và giảm khá mạnh so với đỉnh cao 9,1% trong hơn 4 thập kỷ qua ghi nhận vào tháng 6.
Lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt chủ yếu nhờ giá xăng giảm mạnh, xuống còn hơn 4 USD/gallon, so với đỉnh cao hơn 5 USD/gallon hồi giữa tháng 6. Đà giảm của giá xăng cùng với các loại hàng hóa liên quan tới xăng dầu cho thấy áp lực lạm phát đã phần nào suy giảm.
Mặc dù giảm nhưng lạm phát ở Mỹ còn ở mức rất cao và cần một thời gian dài để kéo về mức lạm phát mục tiêu 2% của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Trong một khảo sát gần đây của Fed khu vực New York, người dân kỳ vọng lạm phát sẽ về mức 6,2% trong vòng một năm tới. Ba năm tới sẽ về 3,2% và 5 năm sẽ ở mức 2,3%. Cuộc khảo sát chỉ là một góc độ phản ánh tâm lý của người tiêu dùng.
Việc lạm phát hạ nhiệt ngay lập tức tác động tích cực lên các thị trường.
Đồng USD giảm nhanh sau khi điều tồi tệ nhất 40 năm qua đi. Chỉ số DXY - đo lường biến động của đồng USD - giảm xuống ngưỡng 105 điểm, thấp hơn mức đỉnh 20 năm: 109 điểm ghi nhận trong vài tuần trước.
Dòng tiền đổ vào các loại tài sản có độ rủi ro cao, trong đó có cổ phiếu. Thị trường chứng khoán Mỹ tăng vọt. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng hơn 500 điểm, trong khi chỉ số tầm rộng S&P 500 lên đỉnh 3 tháng sau báo cáo lạm phát.
Chỉ số đo lường mức độ sợ hãi trên thị trường chứng khoán Mỹ VIX lần đầu tiên trong 3 tháng qua xuống dưới ngưỡng 20 điểm.
Việc CPI hạ nhiệt trong tháng 7 là một yếu tố hỗ trợ tốt cho Fed trong bối cảnh ngân hàng trung ương Mỹ đối mặt với rất nhiều áp lực sau khi tăng lãi suất 4 lần, đưa lãi suất từ mức thấp kỷ lục 0-0,25% lên mức 2,25-2,5% như hiện tại. Trong khi GDP Mỹ đã tăng trưởng âm hai quý liên tiếp.
Trong cuộc họp tháng 9 tới, Fed sẽ nâng lãi suất một lần nữa. Tuy nhiên, nếu lạm phát tiếp tục hạ nhiệt, mức tăng nhiều khả năng sẽ không còn là 75 điểm phần trăm như kỳ vọng của thị trường, mà có thể thấp hơn nhiều, mở cơ hội cho nền kinh tế số 1 thế giới thoát khỏi suy thoái.
Fed có thể bắt đầu làm chậm tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ. Các cổ phiếu công nghệ (của các doanh nghiệp thường vay vốn rất nhiều) đồng loạt tăng mạnh.
Giá vàng và dầu đồng loạt tăng do USD giảm và giới đầu tư kỳ vọng vào sự hồi phục của kinh tế Mỹ, qua đó đẩy nhu cầu xăng dầu đi lên.
Mỹ có thể đảo chiều chính sách
Nhà quản lý quỹ nổi tiếng “nữ hoàng” Cathie Wood cho rằng, Fed có thể đảo chiều chính sách ngay trong năm 2023, thay vì kỳ vọng cơ quan này còn tăng lãi suất trong cả năm tới để chống lạm phát kéo dài.
Theo bà Cathie Wood, các tín hiệu cho thấy, nền kinh tế Mỹ đang rất yếu và điều này buộc Fed phải tính tới các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng.
Bà Cathie Wood cho rằng, Fefd sẽ đảo chiều chính sách trong năm 2023 bằng việc giảm lãi suất (sau khi tăng lên 3,4-3,8%) trong bối cảnh các hoạt động kinh tế của Mỹ tiếp tục suy giảm.
Nước Mỹ đã trải qua hai quý tăng trưởng âm liên tiếp, nhiều quan điểm dự báo suy thoái sẽ xảy ra trong năm 2023. Nhưng với Cathie Wood, “nữ hoàng” cổ phiếu này nhận định, suy thoái đã xảy ra và sẽ chấm dứt trong năm tới.
Trên thực tế, nền kinh tế Mỹ phát đi những tín hiệu lộn xộn trong thời gian gần đây. Mặc dù kinh tế tăng trưởng âm nhưng thị trường việc làm diễn biến rất tích cực với tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh, chỉ còn 3,5% trong tháng 7, mức thấp nhất trong hơn 50 năm qua.
Ở chiều ngược lại, nhiều chuyên gia cho rằng, thất nghiệp Mỹ giảm chưa hẳn đã là dấu hiệu tốt.
Theo FIDT Research, mức thất nghiệp thấp chưa chắc là một dấu hiệu quá tốt vì tỷ lệ thất nghiệp thấp kèm với lạm phát cao là động lực lớn để Fed thắt chặt chính sách tiền tệ. Trước mỗi đợt suy thoái thường đi kèm với việc tỷ lệ thất nghiệp giảm, và điều này đúng cho cả giai đoạn đình lạm (stagflation) những năm 1970.
Theo FIDT, nếu so sánh mức tăng thu nhập so với lạm phát theo CPI, trong giai đoạn đầu bùng dịch thì lương tăng nhanh hơn giá cả hàng hóa (lưu ý thất nghiệp cũng tăng cao). Tuy nhiên, kể từ giữa 2021 thì giá cả tiêu dùng tăng tốc độ nhanh hơn tốc độ tăng lương và việc này dẫn đến người tiêu dùng Mỹ bắt đầu vay chi tiêu nhiều hơn để bù đắp cho lạm phát.
Trong tháng 6/2022, tín dụng tiêu dùng ở Mỹ tăng 10,5% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng cao. Trong đó, tín dụng tiêu dùng có tính quay vòng (bao gồm thẻ tín dụng) có mức tăng 16% phản ánh người tiêu dùng Mỹ vay chi tiêu nhiều hơn nhưng một phần lớn trong đấy là bù đắp cho vật giá leo thang.
Hiện tại, vĩ mô quốc tế tin tức tốt và xấu đang xen vào bối cảnh, FIDT cho rằng Fed vẫn sẽ tiếp tục lộ trình nâng lãi suất. Dù vậy, Fed sẽ không quá mạnh tay vì GDP đã âm hai quý, thêm vào đó lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt.
Với Việt Nam, tình hình vĩ mô không có nhiều thông tin mới nhưng việc giá xăng dầu liên tục giảm và giá hàng hóa hạ nhiệt sẽ giúp lo ngại về lạm phát được xoa dịu. Lạm phát không quá căng thẳng là điều kiện cần thiết để Ngân hàng Nhà nước mở room tín dụng cho các ngân hàng; Chính phủ đẩy giải ngân đầu tư công. Đây là hai động lực lớn của nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.
M. Hà