Điểm tin kinh doanh 11/8: Hôm nay giá xăng tiếp tục giảm mạnh?
Kinh doanh - Ngày đăng : 07:00, 11/08/2022
- Thứ trưởng Bộ Công Thương: Việt Nam cần 8 - 14 tỷ USD đầu tư điện mỗi năm
Reuters ngày 10/8 đưa tin, dẫn lời Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết Việt Nam sẽ cần đầu tư từ 8 đến 14 tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2030 để phát triển các nhà máy điện mới và mở rộng lưới điện.
Trong số này, 75% sẽ được chi cho các nhà máy điện mới, ưu tiên cho các nguồn tái tạo và 25% cho việc mở rộng lưới điện.
Theo dự thảo mới nhất của quy hoạch tổng thể phát triển điện năng, tổng công suất phát điện của Việt Nam sẽ được nâng lên 121 GW vào năm 2030 và 284 GW vào năm 2045, từ 76,6 GW vào cuối năm ngoái.
- Hôm nay giá xăng tiếp tục giảm mạnh?
Các chuyên gia dự báo, giá xăng trong kì điều hành diễn ra ngày 11/8 có thể xuống 21.000 đồng/lít nhờ giá dầu thế giới lao dốc mạnh.
Theo chu kì điều hành, ngày 11/8, giá xăng dầu sẽ bước vào đợt điều chỉnh mới. Cập nhật mới nhất từ Bộ Công Thương cho thấy giá xăng thành phẩm trên thị trường Singapore xuống khá thấp.
Cụ thể, với RON92 là 105,03 USD/thùng, xăng RON95 là 108,9 USD/thùng, dầu diesel là 128,5 USD/thùng. Mức giá này tương đương mức giá hồi cuối tháng 1, khi đó giá xăng bán lẻ là 24.360 đồng/lít. Như vậy, nếu trừ đi thuế bảo vệ môi trường là 3.300 đồng thì giá xăng nhập hiện chỉ ở mức hơn 21.000 đồng/lít.
Các chuyên gia nhận định, nếu giá dầu thế giới tiếp tục giảm hoặc đi ngang trong những ngày tới chắc chắn giá bán lẻ trong nước sẽ giảm mạnh. Hiện xăng dầu trong nước lên xuống phụ thuộc vào giá dầu thế giới và việc điều hành quỹ Bình ổn giá (BOG).
Những ngày qua giá dầu thế giới liên tục giảm mạnh nên có thể sẽ khiến giá trong nước giảm theo. Tuy nhiên mức giảm phụ thuộc vào việc trích quỹ BOG và biến động giá thế giới những ngày trước kỳ điều hành giá.
- Thiếu nguyên liệu, xuất khẩu thủy sản giảm tốc
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi tăng “nóng” từ 39% đến 62% trong 4 tháng đầu năm, từ tháng 5/2022 đến nay, xuất khẩu thủy sản có dấu hiệu hạ nhiệt, tốc độ tăng trưởng chậm lại…
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản chỉ tăng 34% trong tháng 5 và tăng 18% trong tháng 6. Sang tháng 7/2022, xuất khẩu thủy sản tiếp tục chững lại với giá trị 970 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021 và giảm 4% so với tháng 6/2022.
Phân tích nguyên nhân khiến xuất khẩu giảm tốc từ tháng 5, VASEP cho rằng do thời tiết bất lợi, mưa sớm hơn so với mọi năm làm ảnh hưởng đến sản lượng thủy sản, gây ra dịch bệnh trên tôm nuôi khiến cho sản lượng tôm giảm, đồng thời nguồn hàng dự trữ từ năm ngoái cũng đã cạn dần.
Trong khi đó, sản xuất tôm nguyên liệu trong nước đang gặp khó khăn vì thời tiết và các chi phí quá cao, do vậy sẽ tiếp tục thiếu hụt tôm nguyên liệu trong nửa cuối năm.
- Nhập siêu gần 2 triệu tấn thép
Sau năm 2021 xuất siêu, 7 tháng đầu năm 2022, nhập siêu sắt thép đã quay trở lại với con số gần 2 triệu tấn.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 7/2022, xuất khẩu sắt thép các loại của Việt Nam đạt mức 613.454 tấn, giảm 28,7% so với tháng 6.
Trong khi đó, nhập khẩu sắt thép lên tới 909.245 tấn, giảm 26,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng luỹ kế từ đầu năm, xuất khẩu sắt thép giảm mạnh hơn 22% trong khi nhập khẩu suy yếu gần 8%.
Như vậy, cả nước đã nhập siêu 295.791 tấn thép trong tháng 7.
- Hơn 81.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong 7 tháng
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, thời gian qua Bộ tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động ngoài nước, chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động duy trì và phát triển các thị trường tiếp nhận lao động.
Thống kê trong 7 tháng năm 2022 cả nước đã đưa 81.429 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 90,8% mục tiêu kế hoạch năm, trong đó có 29.990 lao động nữ.
Trong năm 2022, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu đưa 90.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định; từng bước mở rộng đối với những thị trường mới, thị trường tiềm năng như Châu Âu, Australia…