Chủ tịch VFF nhiệm kỳ 9 cần có kinh nghiệm đối ngoại
Bóng đá Việt Nam - Ngày đăng : 17:11, 10/08/2022
Ngày 10.8, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã đưa ra thông báo về việc chuẩn bị đề án nhân sự tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2022-2026.
Trên cơ sở Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành VFF lần thứ 10 khóa 8 (nhiệm kỳ 2018-2022) và căn cứ tình hình phát triển Bóng đá Việt Nam trong những năm qua cũng như dự báo tình hình phát triển bóng đá trong những năm tới, với mục tiêu xây dựng VFF theo hướng đổi mới, vững mạnh và hoạt động có hiệu quả, Ban tổ chức Đại hội đã hoàn thiện dự thảo Đề án nhân sự Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra VFF khóa 9 (nhiệm kỳ 2022-2026) và đã được các tổ chức thành viên của VFF thông qua, làm cơ sở cho công tác tổ chức Đại hội.
Ngày 5.8.2022, Ban tổ chức Đại hội đã gửi văn bản tới các tổ chức thành viên đề nghị đề cử nhân sự cho Ban chấp hành và Ban Kiểm tra VFF khóa 9 (nhiệm kỳ 2022-2026).
Một trong những điểm đáng chú ý trong Đề án nhân sự, đó là: Ban Chấp hành VFF khóa IX gồm 17 uỷ viên, trong đó có: 1 Chủ tịch, 3 Phó Chủ tịch và 13 uỷ viên. Tổ chức thành viên có quyền đề cử từ 01 đến tối đa 17 ứng cử viên tham gia Ban Chấp hành VFF khóa 9. Mỗi ứng cử viên phải được ít nhất hai Tổ chức thành viên đề cử bằng văn bản.
Ban Kiểm tra gồm: 1 Trưởng ban và 2 Ủy viên. Thành viên Ban Kiểm tra không được là ủy viên Ban Chấp hành. Tổ chức thành viên có quyền đề cử từ 1 đến tối đa 3 ứng cử viên tham gia Ban Kiểm tra VFF khóa 9 (trong đó có 1 Trưởng Ban và 2 Ủy viên).
Theo đề án nhân sự, tiêu chuẩn đối với nhân sự Ban chấp hành: Theo khoản 5 Điều 35 Điều lệ VFF quy định: Phải là công dân Việt Nam từ 25 (hai mươi lăm) tuổi trở lên, phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm trong công việc; hiểu biết và có kinh nghiệm trong hoạt động bóng đá hoặc hoạt động thể thao chuyên nghiệp; có năng lực quản lý, chỉ đạo và điều hành; tự nguyện và có khả năng bố trí thời gian để tham gia các hoạt động của Ban Chấp hành VFF; được các Tổ chức thành viên tín nhiệm; không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành kỷ luật, án phạt.
Đặc biệt, đối với tiêu chí Chủ tịch VFF, ngoài các tiêu chuẩn của ủy viên Ban Chấp hành VFF, Chủ tịch VFF phải đáp ứng các tiêu chí: Có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết đối với sự phát triển của bóng đá Việt Nam; Am hiểu sâu sắc về bóng đá; có tư duy ở tầm chiến lược; có tư tưởng cải cách, đổi mới hoạt động của VFF phù hợp với tình hình mới; có kinh nghiệm trong hoạt động đối ngoại; Có kinh nghiệm quản lý, chỉ đạo, tổ chức điều hành các cơ quan, tổ chức lớn; Có uy tín trong xã hội và trong giới chuyên môn; Có khả năng tập hợp, quy tụ và phát huy năng lực của các uỷ viên Ban chấp hành, các Tổ chức thành viên để phát triển bóng đá Việt Nam.
Tại Đại hội VFF khóa 8 (2018-2022) đã bầu ông Lê Khánh Hải làm chủ tịch. Các Phó Chủ tịch là các ông: Trần Quốc Tuấn, Cấn Văn Nghĩa và Cao Văn Chóng.
6 tháng sau Đại hội, ông Cấn Văn Nghĩa đã xin từ chức vì lý do cá nhân. Tại Đại hội thường niên VFF 2020 diễn ra tại Hà Nội đã bầu ông Lê Văn Thành giữ chức Phó Chủ tịch thay ông Cấn Văn Nghĩa phụ trách mảng tài tính và vận động tài trợ.
Tại Đại hội thường niên Liên đoàn bóng đá Việt Nam năm 2021 đã nhất trí thông qua việc ông Lê Khánh Hải thôi chức Chủ tịch, đồng thời thông qua việc ông Trần Quốc Tuấn đảm nhiệm vị trí quyền Chủ tịch.
Theo Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành lần thứ 10, VFF sẽ tổ chức Đại hội khóa 9 (nhiệm kỳ 2022-2026) vào trung tuần tháng 11.2022. Để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này, VFF đã thành lập Ban tổ chức Đại hội và các Tiểu ban thuộc ban tổ chức đại hội.