Lãi suất leo đỉnh: Nhà băng dư thừa tiền, DN vẫn 'khóc' vì đói vốn
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 13:39, 10/08/2022
Lãi suất lập đỉnh mới
Với lần tăng này, vị trí dẫn đầu đã có sự thay đổi. Nếu tháng trước Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) dẫn đầu với kỳ hạn 12 tháng gửi tại quầy là 7,3%/năm thì nay vị trí này thuộc về Ngân hàng TMCP Xây dựng (CBBank), với lãi suất tăng lên 7,45%/năm. CCBank cũng vươn lên dẫn đầu luôn cả các kỳ hạn 9 tháng và 6 tháng. Cụ thể, với kỳ hạn 9 tháng, lãi suất tại CCBank đã tăng lên 7,2%/năm và kỳ hạn 6 tháng tăng lên 7,1%/năm. Còn gửi tiền online kỳ hạn 12 tháng, SCB vẫn dẫn đầu với lãi suất 7,55%/năm, xếp thứ 2 là CCBank với 7,5%/năm.
Như vậy, với kỳ hạn 6 tháng, giờ đã có ngân hàng đẩy lãi suất vượt qua mốc 7%/năm. Cùng với đó nhiều ngân hàng khác cũng đã nâng lãi suất huy động kỳ hạn này lên tiệm cận 7%/năm. Chẳng hạn như SCB 6,9%/năm.
Với kỳ hạn 12 tháng hiện có 10 ngân hàng có lãi suất huy động trên mức 7%/năm, chủ yếu là các ngân hàng TMCP nhỏ, với những cái tên như: Bac A Bank, Nam A Bank, BaoVietBank, PvcomBank, SHB, KienLongBank,...
Không những thế, nhân viên một số ngân hàng cho biết, tùy các điều kiện khác nhau, lãi suất huy động của các ngân hàng cũng vô cùng linh hoạt. Tùy từng khách hàng và số tiền gửi, lãi suất có thể khác nhau. Chẳng hạn, với một số ngân hàng TMCP nhỏ, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng hiện chỉ công bố là 6,5%/năm nhưng thực tế người gửi tiền có thể nhận được lãi suất tới 6,9-7%/năm sau khi thỏa thuận.
Ngoài ra, một số ngân hàng còn phát hành Chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao hơn. Như Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đang phát hành Chứng chỉ tiền gửi, có mệnh giá tối thiểu là 100 triệu đồng, với lãi suất 7,7%/năm cho kỳ hạn 24 tháng và 7,85%/năm cho kỳ hạn 36 tháng. SCB đang phát hành Chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 12 tháng lên tới 7,6%/năm...
Theo các chuyên gia kinh tế, tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm nay đạt 9,14% nhưng huy động vốn chỉ đạt 4,21%, có thể khiến nhiều ngân hàng TMCP bắt đầu thiếu thanh khoản, phải tăng lãi suất huy động để hút vốn.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, áp lực tăng lãi suất huy động sẽ lớn hơn trong giai đoạn từ nay tới cuối năm, đặc biệt khi kỳ vọng lạm phát của người dân ngày càng tăng cao, buộc các ngân hàng phải huy động lãi suất tiền gửi cao hơn. Như vậy, dù cho Ngân hàng Nhà nước có giữ nguyên lãi suất điều hành ở mức thấp, nhưng các ngân hàng thương mại liên tục tăng lãi suất huy động, thì sức ép tăng lãi suất cho vay là khó tránh khỏi. Dự báo lãi suất cho vay sẽ tăng từ 1-1,5 điểm %/năm đến cuối năm nay.
DN liêu xiêu
Theo các DN, lãi suất huy động của một số ngân hàng kỳ hạn 6 tháng hiện tiệm cận mức 7%/năm. Với lãi suất này, cộng thêm biên độ từ 3-3,5%/năm nữa, lãi suất vay kỳ hạn 6 tháng đã ở mức từ 10-10,5%/năm. Nếu lãi suất huy động tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm thì lãi suất cho vay sẽ khó tránh khỏi tăng cao, khiến chi phí đầu vào tiếp tục tăng.
Từ đầu năm đến nay, các DN đã chịu tác động lớn từ giá xăng dầu tăng cao gần 50%, chi phí logistics tăng 15-20% so với cùng kỳ 2021, trong khi năm 2021 tăng 40% so với năm 2020. Cùng với đó, giá nhiều nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài vào cũng tăng với tốc độ từ 20-30% nên khó khăn càng chồng chất.
Chi phí tăng đã len lỏi vào trong tất cả các hàng hóa của Việt Nam. Trong khi giá đầu ra không theo tăng theo tương ứng. Điều này khiến cho lợi nhuận của các DN bị giảm mạnh, nhiều DN đối mặt với nguy cơ thua lỗ. DN càng nhỏ thì càng khó khăn. Tuy nhiên, hỗ trợ dành cho DN vẫn mang tính chất nhỏ giọt. Ví dụ gói hỗ trợ 2% lãi suất không thấm vào đâu, khi lãi suất cho vay đang có xu hướng tăng từ 1-1,5 điểm %/năm, cùng với thủ tục phiền hà.
Thế nhưng, nhiều ngân hàng vừa công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2022 với lợi nhuận cao ngất. Cụ thể, có 6 ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế trên 10.000 tỷ đồng và 13 ngân hàng đạt trên 1.000 tỷ đồng đến dưới 10.000 tỷ đồng. Nhóm 10 ngân hàng đứng đầu về lợi nhuận cao là: Vietcombank, VPBank, Techcombank, MB, VietinBank, BIDV, ACB, SHB, HDBank, VIB. Tổng lợi nhuận trước thuế của những ngân hàng này đạt hơn 106.000 tỷ đồng, tăng 36% so với 6 tháng đầu năm 2021.
Các ngân hàng lãi lớn chủ yếu là do tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm tăng cao, kết hợp với lượng tiền gửi không kỳ hạn lớn, nên có được nguồn vốn rẻ. Từ đó giúp giảm chi phí đầu vào, tăng tỷ lệ thu nhập lãi thuần.
Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, với lợi nhuận cao, ngân hàng sẽ có dư địa để giảm thêm lãi vay, hỗ trợ DN. Nếu các ngân hàng nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động và hy sinh bớt lợi nhuận, chắc chắn nhiều khách hàng sẽ được giảm lãi suất vay vốn.
Các dự báo cho thấy, lợi nhuận ngân hàng 6 tháng cuối năm sẽ không khả quan như nửa đầu năm do hạn mức tín dụng không còn nhiều. Nhưng theo tính toán của Công ty Chứng khoán SSI, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế cả năm 2022 ngành ngân hàng có thể đạt khoảng 24-25% so với 2021. Đây là mức lợi nhuận khá cao. Tuy nhiên, với việc các ngân hàng đặt ra mục tiêu lợi nhuận cao trong năm nay, không có hy vọng lãi suất cho vay giảm. Khi lãi suất huy động tăng cao, lãi suất cho vay cũng bị đẩy tăng theo.