Cắt trọn khối u của bệnh ung thư trực tràng không cần phẫu thuật, hoá trị
Tin Y tế - Ngày đăng : 11:37, 10/08/2022
Bệnh nhân N.Q.H (63 tuổi, ngụ TPHCM) đã nhiều lần bị rối loạn tiêu hoá, đi phân lỏng 3-4 lần/ngày. Theo như người bệnh chia sẻ, tình trạng rối loạn tiêu hóa đã kéo dài hơn 5 tháng. Lúc ban đầu, người bệnh nghĩ bị rối loạn tiêu hóa do ăn uống đồ lạ và tự mua thuốc cầm tiêu hóa điều trị tại nhà.
Do tình trạng sức khoẻ không được cải thiện, ông H đã đến Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM khám bệnh và được chẩn đoán ung thư giai đoạn sớm của trực tràng.
“Tôi lúc đầu chỉ nghĩ là bị rối loạn tiêu hóa do ăn uống đồ lạ và tự mua thuốc cầm tiêu hóa điều trị tại nhà. Nhưng thấy không cải thiện nên đi viện mới biết tình trạng mình”, ông H chia sẻ.
TS.BS Lê Quang Nhân - Trưởng khoa Nội soi Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, người bệnh đã được cắt thương tổn này bằng kỹ thuật ESD. Sau ESD khoảng 1 ngày, người bệnh ổn và được xuất viện.
Kết quả giải phẫu bệnh của thương tổn đã cắt là ung thư tuyến biệt hóa vừa, chỉ khu trú lớp niêm mạc và cơ niêm, chưa xâm lấn xuống sâu đến lớp dưới niêm mạc, không có xâm lấn mạch máu và mạch bạch huyết. Vì được nội soi đại tràng phát hiện sớm và được thực hiện ESD nên người bệnh không cần phẫu thuật và hóa trị.
Ung thư đại trực tràng là ung thư phổ biến hàng thứ 5 tại Việt Nam sau ung thư gan, phổi, dạ dày, vú. Theo Globocan 2020, Việt Nam ghi nhận gần 16 ngàn ca mắc mới và hơn 8.200 ca tử vong vì căn bệnh này.
Ở giai đoạn sớm, ung thư đại trực tràng thường không có biểu hiện rõ ràng khiến người bệnh chủ quan, lầm tưởng với nhiều bệnh lý đường tiêu hóa khác như: Rối loạn tiêu hoá, táo bón, đi ngoài phân nhỏ, phân dẹt, đi ngoài ra máu…
Các bác sĩ khuyến cáo, ung thư đại trực tràng có liên quan trực tiếp đến lối sống, chế độ ăn. Trong đó, béo phì, ít vận động, tiêu thụ nhiều thịt đỏ, ăn ít trái cây và rau xanh, nạp nhiều chất béo, thức ăn nhanh, uống nhiều rượu, hút thuốc lá... là những yếu tố nguy cơ gia tăng tỉ lệ mắc bệnh.