Đại sứ Campuchia: ASEAN chung suy nghĩ, cùng hành động để tiến lên

Đối ngoại - Ngày đăng : 09:59, 10/08/2022

Đại sứ Campuchia Chay Navuth chia sẻ với TG&VN về một số điểm nhấn trong năm Campuchia đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN và đóng góp của Việt Nam.
Đại sứ Campuchia tại Việt Nam Chay Navuth. (Ảnh: TTXVN)
Đại sứ Campuchia tại Việt Nam Chay Navuth. (Nguồn: TTXVN)

Chủ đề trong năm Chủ tịch ASEAN của Campuchia là “ASEAN A.C.T: Cùng nhau giải quyết thách thức”. Điều này có nghĩa rằng chúng ta sẽ suy nghĩ, hành động và tiến lên cùng nhau. Các nước thành viên ASEAN có nghĩa vụ cùng xây dựng, duy trì và phát triển tương lai của khu vực.

Nỗ lực hết mình vượt qua thách thức

Đây là thông điệp đặc biệt quan trọng với quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, mà cụ thể là Tầm nhìn ASEAN 2025 khi thời gian qua, đặc biệt là năm 2022, ASEAN phải đối mặt hàng loạt thách thức. Trên thế giới, đại dịch Covid-19, xung đột Nga-Ukraine hay mới đây, căng thẳng leo thang tại eo biển Đài Loan (Trung Quốc) tiếp tục diễn biến phức tạp. Tại khu vực, tình hình Myanmar, vấn đề Biển Đông cũng đặt ra thách thức với ASEAN nói chung và Chủ tịch ASEAN - Campuchia nói riêng.

Vài ngày trước, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhonn cho biết, các phiên họp tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 (AMM-55) và hội nghị liên quan đã kéo dài hơn so với những năm trước. Sự xuất hiện của nhiều vấn đề mới đồng nghĩa rằng thời gian thảo luận dài hơn, bởi các nước đều muốn làm rõ lập trường của mình về những vấn đề này.

Trong bối cảnh phức tạp đó, Chủ tịch ASEAN 2022 đã nỗ lực để thực hiện vai trò của mình.

Trước hết, Campuchia cố gắng duy trì đồng thuận ASEAN và tích cực thúc đẩy quá trình xây dựng Tầm nhìn ASEAN 2025. Bất chấp sự xuất hiện của nhiều vấn đề nóng, các thành viên vẫn tuân thủ Hiến chương ASEAN và các giá trị cốt lõi của Hiệp hội. Điều này góp phần duy trì, đồng thời khiến vai trò trung tâm của ASEAN tiếp tục nhận được sự tôn trọng của các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc và Nga, thể hiện rõ nét trong các hội nghị mới đây trong khuôn khổ AMM-55, nhất là Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF).

Đặc biệt, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2022, Campuchia đã chủ động, tích cực đề xuất ý tưởng, sáng kiến mới trong giải quyết các vấn đề nóng tại khu vực.

Cụ thể, trong vấn đề Myanmar, ngay khi Campuchia đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen, với kinh nghiệm về hòa giải xung đột, đã đề xuất thăm Myanmar. Chúng tôi cho rằng gặp gỡ các bên xung đột lợi ích là cần thiết để tìm kiếm giải pháp về vấn đề đã tồn tại trong thời gian dài này.

Ngay đầu tháng 1/2022, Thủ tướng Hun Sen đã thăm thủ đô Nay Pyi Daw của Myanmar. Ít lâu sau đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhonn cũng hai lần thăm Myanmar. Những chuyến thăm này giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về tình hình tại đây, từ đó thúc đẩy tìm kiếm, xây dựng một giải pháp chính trị toàn diện cho Myanmar với sự tham gia của nước này và các thành viên khác trong ASEAN.

Nhìn từ bên ngoài, tình hình tại Myanmar tưởng chừng như không tiến triển. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Campuchia chỉ tuyên bố sẽ cần nhiều thời gian hơn để giải quyết vấn đề Myanmar. Song sau các chuyến thăm, chúng tôi đã hiểu hơn về bản chất xung đột, từ đó đề ra bước tiếp theo để xây dựng giải pháp cho tình hình tại đây.

Nhìn từ bên ngoài, tình hình tại Myanmar tưởng chừng như không tiến triển. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Campuchia chỉ tuyên bố sẽ cần nhiều thời gian hơn để giải quyết vấn đề Myanmar. Song sau các chuyến thăm, chúng tôi đã hiểu hơn về bản chất xung đột, từ đó đề ra bước tiếp theo để xây dựng giải pháp cho tình hình tại đây.

Về Biển Đông, hiện nay, ASEAN và các bên liên quan tiếp tục thúc đẩy đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), trong đó các bên đã đạt được đồng thuận đáng kể trong một số vấn đề quan trọng.

Liên quan tới xung đột Nga-Ukraine, các nước ASEAN đều đồng thuận kêu gọi chấm dứt xung đột và giải quyết căng thẳng thông qua đàm phán hòa bình.

Có thể nói, tính đến thời điểm hiện tại, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2022, Campuchia đã đạt thành công nhất định trong duy trì môi trường hòa bình, ổn định tại Đông Nam Á và tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề nóng của khu vực.

Việt Nam - thành viên trách nhiệm

Trong thành công chung của ASEAN suốt 55 năm qua không thể thiếu sự đóng góp của Việt Nam. Tôi cho rằng nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam có vai trò trung tâm trong thúc đẩy ASEAN vượt qua đại dịch toàn cầu Covid-19. Là một người theo dõi, tham gia nhiều cuộc họp trực tuyến của ASEAN giai đoạn đó, tôi đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch.

Đặc biệt, trong quãng thời gian đó, Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến, ý tưởng hay, được triển khai và duy trì tới bây giờ. Một trong số đó là đưa ngày 8/8 trở thành Ngày Mua sắm trực tuyến ASEAN, nơi các doanh nghiệp khu vực có thể quảng bá và bán sản phẩm tới người dân các nước Đông Nam Á.

Năm 2020, Việt Nam đã hợp tác cùng Singapore để tổ chức sự kiện đặc biệt này. Năm 2021 và 2022, dù không còn làm Chủ tịch ASEAN, Việt Nam vẫn tiếp tục phối hợp cùng Singapore và nước Chủ tịch, lần lượt là Brunei và Campuchia, để tổ chức Ngày Mua sắm trực tuyến ASEAN.

Vì thế, tôi cho rằng Việt Nam là một thành viên rất tích cực của ASEAN khi luôn đề xuất ý tưởng, sáng kiến mới mang lại lợi ích cho tất cả các thành viên, cũng như đóng vai trò quan trọng giúp khối vượt qua thách thức khu vực và thế giới.

Với Campuchia, Việt Nam là người bạn, đối tác tin cậy, ủng hộ và giúp đỡ Campuchia trên cương vị Chủ tịch ASEAN. Đây là động lực quan trọng để Campuchia tiếp tục cố gắng hoàn thành tốt cương vị Chủ tịch ASEAN 2022, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.

Chay Navuth