Đất đấu giá ven đô lại 'nóng bỏng tay', cao gấp hơn 5 lần giá khởi điểm
Kinh doanh - Ngày đăng : 09:58, 10/08/2022
Đất đấu giá liên tục lập đỉnh về giá
Dù thị trường bất động sản đang rơi vào trầm lắng, ít thanh khoản, nhưng gần đây, phân khúc đất đấu giá tại vùng ven đô lại ghi nhận sự sôi động. Đa phần các thửa đất đấu giá có giá trúng cao gấp 3-5 lần giá khởi điểm.
Đáng chú ý, tại huyện Mê Linh, ngày 8/8 vừa qua, cả 20 thửa đất tại điểm X2, thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm đã đấu giá thành công. Trong đó, thửa đất có giá trúng cao nhất là 70,3 triệu đồng/m2, cao hơn giá khởi điểm 30 triệu đồng/m2. Tổng số tiền thu về gần 76 tỷ đồng.
Cũng tại huyện Mê Linh, 17 lô đất tại điểm X1, thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh đã được mang ra đấu giá. Giá khởi điểm từ 27,1 triệu đồng/m2 đến 35,2 triệu đồng/m2, nhưng giá trúng cao gấp 2 - 3 lần so với giá khởi điểm, tổng thu về là 98,36 tỷ đồng, chênh 39,4 tỷ đồng so với giá khởi điểm (58,96 tỷ đồng).
Đáng chú ý, lô đất có diện tích 129,7m2 ở vị trí lô góc có mức trúng cao nhất lên đến 85,5 triệu đồng/m2, tương đương 11,1 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với giá khởi điểm. Hay lô đất có diện tích lô đất 95,6m2, giá trúng lên tới 75,5 triệu đồng/m2, tương đương 7,22 tỷ đồng.
Mức giá đỉnh 85 triệu đồng/m2 tại huyện Mê Linh trên đã bị phá bỏ khi phiên đấu giá đất 33 lô đất tại điểm X2, Tổ dân phố số 2, thị trấn Chi Đông mức giá cao nhất lên tới hơn 93 triệu đồng/m2. Cụ thể, lô LK-B-01 có diện tích 160m2, giá trúng lên tới 93 triệu đồng/m2, tương đương gần 15 tỷ đồng, chênh 8,4 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Bên cạnh đó, lô đất LK-A-01 có diện tích 193m2, giá trúng 87,2 triệu đồng/m2, tương đương 16,8 tỷ đồng, chênh 8,3 tỷ đồng.
Không chỉ ở huyện Mê Linh, mới đây, tại huyện Thanh Oai tổ chức phiên đấu giá 42 lô đất, giá khởi điểm từ 8 - 48,3 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, giá trúng cao gấp 2 - 5 lần so với giá khởi điểm. Cá biệt, lô đất LK1-03 có diện tích 99,5m2, giá khởi điểm 12,2 triệu đồng/m2, nhưng giá trúng lên tới 66,8 triệu đồng/m2, tương đương 6,6 tỷ đồng, gấp 5,4 lần so với giá khởi điểm.
Giá bất động sản bị đẩy lên cao vượt giá trị thật?
Có nhiều kinh nghiệm về đấu giá đất, anh Nguyễn Duy Khánh - một nhà đầu tư ở Hà Nội - cũng ngỡ ngàng với mức giá trúng tại các phiên đấu giá đất vùng ven trung tâm Hà Nội thời gian gần đây.
Theo anh Khánh, nếu năm ngoái trên địa bàn huyện Mê Linh đất đấu giá cũng chỉ dao động 30-40 triệu đồng/m2, một số lô cao lắm cũng chỉ lên tới 45 triệu đồng/m2 thì sang năm nay đạt đỉnh 93 triệu đồng/m2. Mức độ chênh lệch giá tại mỗi phiên đấu giá có khoảng cách khá lớn.
Anh Hoàng Thế Nam - một nhà đầu tư lâu năm tại Hà Nội - đã tham gia nhiều phiên đấu giá đất và thu được nhiều tiền chênh từ sang tay sau phiên đấu giá. Tuy nhiên, trong khoảng hơn 1 năm trở lại đây, anh đều không tham gia mà chỉ đi nghe ngóng bởi nhà đầu tư trả giá ngày càng cao.
Ở góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, đấu giá đất tăng cao là câu chuyện hiển nhiên, nhưng quan trọng sau khi tăng giá cao thì liệu có người mua hay không. Thực tế, đấu giá xong, ít người lấy bất động sản đó để ở mà đa phần để kinh doanh bán lại.
"Sốt đất" đã khiến giá bất động sản bị đẩy lên cao vượt giá trị thật của thị trường. Do đó, nhiều người đấu giá xong với giá cao, không bán được thì không có tiền để nộp và bỏ cọc", ông Đính cho biết.
Cũng theo ông Đính, phần lớn các khu vực trên cả nước đang ở trạng thái bị đẩy giá quá cao, ở một ngưỡng giá có thể xem là bong bóng, thì việc mua đi bán lại đất đai không thực hiện được nữa. Cho nên các nhà đầu tư phải tìm thị trường mới, tìm đến những vùng đất chưa "nóng", giá vẫn đang ở ngưỡng phù hợp thì người ta "nhảy" vào đó tạo ra thị trường đầu cơ, mua đi bán lại.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, đấu giá đất là một việc làm rất công khai minh bạch, để lựa chọn những người có nhu cầu sử dụng đất đai, để họ tiếp cận đất đai một cách minh bạch và công bằng. Tuy nhiên, hiện nay, đấu giá đất đang bị lợi dụng để thao túng thị trường, làm cho thị trường méo mó, làm lũng đoạn thị trường.