Điểm tin kinh doanh 10/8: Ông chủ Thaco muốn mở 20 siêu thị Emart

Kinh doanh - Ngày đăng : 07:00, 10/08/2022

Ông chủ Thaco muốn mở 20 siêu thị Emart; nửa đầu 2022 Viettel đạt mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 4 năm...

- Ông chủ Thaco muốn mở 20 siêu thị Emart

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco dự kiến năm 2026, đơn vị này sẽ mở ít nhất 20 siêu thị Emart tại Việt Nam. Trước mắt, đơn vị này đang khẩn trương mở hai siêu thị là Emart Sala Thủ Thiêm (10/2022) và Emart Phan Huy Ích (12/2022). Đồng thời, đặt kế hoạch đạt 20 siêu thị trong 5 năm tới, đến năm 2026 mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD, trở thành đại siêu thị có thị phần số 1 tại Việt Nam.

“Năm ngoái, siêu thị Emart có doanh thu 1.600 tỷ đồng, dẫn đầu doanh thu lẫn lượng khách bình quân trên một siêu thị ở Việt Nam. Với 20 siêu thị, doanh thu có thể đạt đến một tỷ USD (tương đương 23.500 tỷ đồng)” – ông Trần Bá Dương kỳ vọng.

Emart là thương hiệu bán lẻ lớn của Hàn Quốc, bắt đầu mở cửa kinh doanh ở TPHCM vào cuối năm 2015 với điểm bán hàng nằm tại quận Gò Vấp. Tuy nhiên sau thời gian kinh doanh thua lỗ, nhà bán lẻ đến từ Hàn Quốc đã quyết định bán lại toàn bộ hạ tầng kinh doanh cho Thaco, đồng thời nhượng quyền thương mại thương hiệu siêu thị Emart cho tập đoàn lắp ráp và phân phối ô tô của Việt Nam.

- Gỗ dán Việt Nam bị Hoa Kỳ nghi ngờ nhập nguyên liệu Trung Quốc

Bộ Công Thương thông tin, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố kết luận sơ bộ vụ việc điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng nhập khẩu từ Việt Nam.

Gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng là sản phẩm được làm từ các lớp gỗ ván bóc gắn với nhau bằng keo, sau đó được phủ 1 hoặc 2 lớp ván gỗ cứng ở bề mặt. Hoa Kỳ đang áp dụng thuế chống bán phá giá (CBPG) và thuế chống trợ cấp (CTC) với sản phẩm này của Trung Quốc với mức thuế CBPG là 183,36% và thuế CTC từ 22,98% đến 194,90%.

Tuy nhiên theo thống kê của Hải quan Hoa Kỳ, kim ngạch xuất khẩu gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng của Việt Nam sang Hoa Kỳ liên tục tăng từ 112,3 triệu USD năm 2018 lên 226,4 triệu USD năm 2019, tiếp tục tăng lên 248,5 triệu USD năm 2020 và 356,7 triệu USD năm 2021. So với năm trước khi khởi xướng điều tra (năm 2019), kim ngạch xuất khẩu gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng của Việt Nam sang Hoa Kỳ năm 2021 đã tăng 57,6%.

Do đó, kết luận sơ bộ của Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho rằng gỗ dán từ Việt Nam nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ bị áp dụng thuế CBPG và CTC như đang áp dụng với gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc. Gỗ dán từ Việt Nam nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc sản xuất tại Việt Nam hoặc tại các nước khác không bị áp dụng thuế CBPG và CTC.

- Kiến nghị kéo dài chính sách hỗ trợ du lịch đến hết năm 2023

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch kiến nghị Chính phủ, Quốc hội cho phép kéo dài các chính sách ưu đãi về thuế, phí… cho doanh nghiệp trong ngành du lịch hết năm 2023 để hỗ trợ du lịch phục hồi sau tác động nặng nề của Covid-19.

Cơ quan này cũng đề nghị Chính phủ mở rộng danh sách quốc gia được miễn thị thực, trong đó nên miễn thị thực cho công dân từ các nước ở khu vực EU, Canada, Mỹ, Australia, New Zealand, Ấn Độ.

Về kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, đến hết ngày 31-1-2022 các địa phương đã hỗ trợ 18.243 hướng dẫn viên trong tổng số 19.567 hồ sơ đề nghị.

Từ tháng 11/2021 đến tháng 6/2022 có 770 trong 2.448 doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã được hưởng chính sách giảm tiền ký quỹ và hàng trăm doanh nghiệp được giảm 50% phí cấp giấy phép kinh doanh lữ hành…

- Bộ Công Thương khuyến nghị doanh nghiệp không nên “bỏ trứng vào một giỏ”

Trước các nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại do xu thế bảo hộ gia tăng, Bộ Công Thương khuyến nghị doanh nghiệp không nên “bỏ trứng vào một giỏ” nhằm phân tán các rủi ro.

Số liệu mới nhất từ Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 7/2022, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 220 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) của nước ngoài. Trong đó, số vụ việc điều tra từ năm 2011 đến nay là 173 vụ, chiếm tỷ lệ 78%.

Có một xu hướng đáng lưu ý, đó là số lượng các vụ việc chống lẩn tránh nhằm vào hàng hóa XK từ Việt Nam đang có dấu hiệu tăng lên do cáo buộc Việt Nam sử dụng nguyên liệu chính hoặc các hình thức khác nhau để lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đang được áp dụng với một quốc gia/lãnh thổ khác.

- Nửa đầu 2022 Viettel đạt mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 4 năm

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022, Viettel đạt mức tăng trưởng 2 con số. Đây là mức tăng trưởng cao nhất mà Viettel đạt được trong vòng 4 năm trở lại đây.

Kết thúc nửa đầu năm 2022, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) hoàn thành tất cả các chỉ tiêu kinh doanh chính, doanh thu tăng 6,6%; lợi nhuận tăng 21,7%.

Tại thị trường Việt Nam, Viettel đứng vị trí số 1 về viễn thông với 54% thị phần thuê bao di động và trên 40% thị phần thuê bao internet cáp quang FTTH.

Lĩnh vực viễn thông nước ngoài của Viettel tăng trưởng gần gấp đôi tăng trưởng của viễn thông thế giới. Doanh thu dịch vụ của Viettel tăng trưởng tại tất cả 9/9 thị trường so với cùng kỳ. Trong đó, 6/9 thị trường có mức tăng trưởng 2 con số gồm Movitel (Mozambique) 38,6%; Mytel (Myanmar) 79,6%; Natcom (Haiti) 28,6%; Lumitel (Burundi) 22,4%; Telemor (Timor Leste) 15,9% và Halotel (Tanzania) 14,2%.

Việt Báo (Tổng hợp)