Sau khi con trai tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng thì tai họa ập đến với vợ chồng tôi

Ngẫm nghĩ - Ngày đăng : 20:00, 07/08/2022

Có bao nhiêu bậc cha mẹ có suy nghĩ như vợ chồng tôi: " Ngày tận thế của vũ trụ là khi con tốt nghiệp đại học?"

Con trai tôi tên Quân, sinh năm 1998. Chồng tôi là kế toán công ty tư nhân, còn tôi là giáo viên mẫu giáo. Tôi từng nghĩ những năm các con học cấp 2, cấp 3 là khoảng thời gian khó khăn nhất của gia đình mình bởi thời điểm ấy chúng tôi đang ngập đầu trong các khoản vay thế chấp: vay mua ô tô rồi vay trả nợ xây nhà...Tuy nhiên, đó không phải là một thảm họa, bởi điều tồi tệ nhất là thời điểm hiện tại, khi con tôi đã tốt nghiệp đại học ra trường.

Để con có thể đỗ vào trường đại học top đầu, chuyên ngành tài chính, vợ chồng tôi đã phải đầu tư rất nhiều. Không chỉ ôn luyện ở các trung tâm luyện thi mà còn thuê cả gia sư về kèm con học. Chi phí cho con trai thời điểm ấy khá nhiều, vợ chồng tôi đã phải tính toán chi ly, thêm chỗ nọ, bớt chỗ kia để cho con có điều kiện học hành tốt nhất. Cuối cùng thì sau bao ngày mong mỏi, hồi hộp, con trai tôi cũng vào đại học.

Mọi người nói với tôi rằng: “Con chị sau này nó ra trường đi làm thì kiếm được bộn tiền, bố mẹ chỉ có ở nhà rung đùi mà hưởng phúc”.

Tôi mỉm cười mãn nguyện và thầm nghĩ trong lòng: "Con học trường tốt, chuyên ngành tốt như vậy thì tương lai chắc hẳn sẽ tốt hơn rất nhiều so với vợ chồng tôi". Nhưng thực tế, mọi chuyện lại vượt ra ngoài trí tưởng tượng của tôi rất nhiều.

Sau khi con trai tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng thì tai họa ập đến với vợ chồng tôi-1

Năm 2020, Quân tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu. Nhưng dù đã bốn lần tham gia phỏng vấn ở các ngân hàng đều bị loại.

Theo cách nói của con trai tôi: "Người tuyển dụng có vấn đề, rồi không phù hợp với tiêu chí của con...". Sau đó, con còn xin tiền tôi để học một khóa tiếng Anh cấp tốc cho dễ xin việc. Vợ chồng tôi cũng đầu tư mấy chục triệu cho con học với hy vọng mọi chuyện thuận lợi, suôn sẻ hơn. Nhưng cuối cùng, sau khi nộp hồ sơ thì vẫn cứ trượt.

Nửa năm nữa trôi qua, công việc vẫn chưa có bến đỗ nhưng dường như con trai tôi cũng không vội vàng chút nào. Tôi có hỏi về công việc, thì nó lại nói: "Con còn lo lắng hơn mẹ, nhưng nếu việc chưa chọn mình thì cũng đành chịu thôi ạ" khiến tôi hết cách.

Mặc dù không tìm được việc làm, nhưng con tôi lại chẳng cảm thấy có gì sai khi dựa vào bố mẹ, kể cả sau khi tốt nghiệp. Chàng trai 23 tuổi thường để phòng bừa bộn và không bao giờ chịu dọn dẹp. Mỗi ngày vào buổi trưa, khi tôi và chồng không ở nhà thì nó gọi đồ ăn mang về. Những món con gọi về chẳng có món nào ít hơn 200 nghìn cả. Thậm chí, ngay cả khi hết tiền điện thoại, nó cũng xin tiền mẹ để nạp: "Mẹ ơi, mẹ nạp tiền điện thoại giúp con".

Không những thế, Quân còn có thói tiêu tiền không biết xót. Thằng bé nhanh chóng mua một đôi giày có giá hàng nghìn đô la trong khi nó chẳng làm ra tiền. Khi tôi phàn nàn đôi giày quá đắt, thì con lại nói: "Con sẽ sớm đi làm. Đôi giày là bộ mặt của con, giúp con tạo thiện cảm hơn với mọi người."

Không những vậy, dù con trai ở nhà ăn chơi nhưng các khoản chi tiêu cũng không kém gì hồi học đại học. Thằng bé gặp gỡ các bạn cùng lớp hầu như hàng tuần. Một bữa ăn là lại xin bố mẹ ba, năm trăm nghìn.

Tôi có khuyên con phải biết sống tiết kiệm, bố mẹ kiếm tiền không dễ dàng nhưng nó lại năn nỉ chúng tôi: “Hiện tại con không đi làm nhưng sau này có lương con sẽ đưa hết cho mẹ. "

Trên thực tế, khi ngày tháng trôi qua, sự nhiệt tình tìm việc của con trai tôi cũng đã vơi dần.

Tôi và chồng chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ phải đau đầu về con như vậy. Cuối cùng, vợ chồng tôi đành phải ra tay giúp đỡ con trai vì không thể chờ đợi thêm được nữa. Thông qua vô số mối quan hệ, chúng tôi đã giúp con xin vào làm nhân viên giao dịch trong một ngân hàng. Tôi nghĩ rằng với trình độ học vấn và chuyên ngành của Quân, sẽ hoàn toàn ổn nếu trở thành một giao dịch viên bình thường. Nhưng con trai tôi lại đòi hỏi phải mua xe mới đi làm.

Tất nhiên chúng tôi đã không đồng ý ngay mà yêu cầu con phải làm việc thật tốt, được ký hợp đồng chính thức thì mới đáp ứng yêu cầu của nó. Kết quả là con tôi mới đi làm được ba ngày đã không chịu đi làm nữa vì "công việc này rất tầm thường, không hợp với chuyên ngành của con."

Tôi và chồng đã thực sự bực mình. Hai cha con đã có một cuộc chiến lớn, và rồi thằng bé đã thu dọn đồ đạc bỏ đi. Nó còn nói rằng: "Bố mẹ không hiểu, không ủng hộ con nên con sẽ vào Nam để phát triển sự nghiệp."

Lần này, chúng tôi đã không ngăn cản con...

Năm nay tôi vừa tròn 50 tuổi, so với các bạn tôi thì giờ họ đã không phải lo lắng nhiều cho con cái nữa. Về phần chồng tôi, anh ấy vừa phải làm việc ở công ty, tối vẫn phải tiếp tục làm thêm, hôm nào nhiều việc thì làm xong cũng mất ngủ. Tôi khuyên chồng nên nghỉ ngơi, nhưng anh ấy chỉ thở dài.

Mất ngủ về đêm, cả hai chúng tôi đều cảm thấy sức khỏe giảm sút một cách trầm trọng. Tôi đã suy ngẫm rất nhiều về cách dạy con của mình. Tuy không phải con nhà giàu, nhưng từ nhỏ, vợ chồng tôi đã không để con trai phải khổ một chút nào nên nó không cảm nhận được sự vất vả của cha mẹ. Mục tiêu của chúng tôi lúc ấy là đầu tư cho con ăn học, miễn sao con đạt điểm cao và vào được một trường đại học tốt, đó chính là sự báo đáp cho công sức chúng tôi bỏ ra. Nhưng bây giờ, tôi đã nhận ra sai lầm của mình quá nghiêm trọng. Con trai tôi bây giờ, tự nuôi sống bản thân còn khó chứ nói gì đến việc báo hiếu bố mẹ và nuôi sống gia đình nhỏ của chính mình sau này. Có lẽ giờ vợ chồng tôi sẽ học cách buông. Chỉ mong khi đã trải qua những va vấp của cuộc đời, con sẽ trưởng thành và mạnh mẽ hơn.

Tôi kể ra câu chuyện của mình, cũng chỉ mong và cũng là lời nhắc nhở đến các bậc cha mẹ: đừng chỉ tập trung vào điểm số của con, đừng bao bọc con quá, nếu không sau này chính chúng ta sẽ biến con thành một đứa trẻ chẳng chịu lớn và có khi còn trở thành gánh nặng cho bố mẹ suốt đời.

(Xin giấu tên)

Theo Vietnamnet