Cận cảnh 'phố chài' của 'Sói biển' 2 lần thoát chết khi đắm tàu trên biển
Xã hội - Ngày đăng : 18:05, 07/08/2022
Phường Phú Tài có diện tích hơn 200km2, bao quanh là biển và các nhánh của sông Cà Tỵ Phường có hàng nghìn hộ dân, chủ yếu sống bằng nghề khai thác biển và các hoạt động hậu cần nghề cá, buôn bán nhỏ.
Đây cũng là nơi ở hơn 20 năm qua của ngư dân Bùi Văn Toàn - người có biệt danh "Sói biển", là một trong số ít ngư dân sống sót sau sự cố đắm tàu trên biển Bình Thuận hồi giữa tháng 7 vừa qua.
Căn nhà cấp 4 của ngư dân Bùi Văn Toàn nằm trên đường Đặng Dung, phường Phú Tài. Hiện đây là nơi ở của ông Toàn cùng vợ và hai người con.
Ông Toàn hiện nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Phúc (TP Phan Thiết), các con của ngư dân cũng thường xuyên đến bệnh viện chăm sóc ông nên căn nhà thường xuyên đóng cửa, vắng người.
Bên trong căn nhà của ngư dân Bùi Văn Toàn. Theo chị Mỹ Ngọc (24 tuổi, con gái ông Toàn), căn nhà được xây dựng năm 2007. "Cha từng kể lại lúc làm nhà không đủ tiền, phải vay mượn nhiều người. Sau này, nhờ những chuyến biển trúng đậm nên gia đình mới hết nợ", Mỹ Ngọc nói.
Căn nhà nằm trong một xóm gồm nhiều dãy nhà cấp 4 san sát nhau. Được biết, hơn 30 năm trước, nơi này là khu tái định cư dành cho những ngư dân sống bằng nghề chài lưới ven biển TP Phan Thiết, cư dân thưa thớt. Càng về sau, khu vực này đông đúc cư dân, tuy nhiên hạ tầng đô thị ít được đầu tư.
Do lịch sử hình thành nên nhiều người gọi đây "xóm chài" Phú Tài. Có người ví von gọi là "phố chài" vì đây là địa bàn thuộc một phường của TP Phan Thiết.
Nhánh sông Cà Ty cách nhà ngư dân Bùi Văn Toàn hơn 100m. Khi Bến cảng TP Phan Thiết chưa hình thành, đây là nơi neo đậu tàu biển của ông Toàn và những ngư dân khác của phường Phú Tài. Nhiều năm nay, tàu cá được yêu cầu neo đậu ở khu vực bến cảng cách khu vực này khoảng 2km, nhánh sông khá vắng vẻ.
Hàng xóm của ngư dân Bùi Văn Toàn có nhiều hộ dân làm nghề đan lưới, vá lưới thuê.
"Ngoài buôn bán nhỏ, tôi làm thêm nghề đan lưới thuê để kiếm thu nhập khoảng 100.000 đồng mỗi ngày. Đây là xứ biển, nên nhiều chủ tàu cá vẫn thường xuyên thuê chúng tôi làm việc này", chị Phụng (42 tuổi) chia sẻ.
Trong "phố chài" Phú Tài, có nhiều hộ gia đình gắn bó với nghề làm cá khô hàng chục năm nay, một số ít buôn bán nhỏ, mở tiệm tạp hóa. Dọc về các khu vực dân cư, dễ thấy hình ảnh người dân làm cá, phơi cá trên vỉa hè, thậm chí phơi dưới lòng đường.
Các loại cá thường được ngư dân làm khô gồm: Cá khoai, cá dảnh, cá cơm…, giá bán dao động từ 80 -120 nghìn đồng/kg.
"Tôi có nghe chuyện anh Toàn thoát chết sau lần bị đắm tàu vừa qua, cũng mừng cho anh ấy. Mọi người làm biển thì như đánh cược mạng sống vậy", chị Thắm (bên phải) nói.
Một số nhà xưởng làm cá khô không hoạt động thời gian dài, nhiều đoạn đường trong phường Phú Tài là đường đất chưa được bê tông hóa, khung cảnh hoang sơ.
Sau khi được cứu sống đưa về đất liền, ông Toàn tiếp tục vào viện để chữa bệnh trĩ tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Phúc (TP Phan Thiết)
Trên giường bệnh, ông mong sớm được về nhà để tiếp tục nghiệp đi biển của mình.