Kỳ thi riêng dần chiếm ưu thế, học sinh nên lựa chọn môn học bậc THPT thế nào?

Xã hội - Ngày đăng : 11:06, 07/08/2022

Hệ thống giáo dục HOCMAI tổ chức chương trình tư vấn học tập và hướng nghiệp miễn phí với tên gọi: “Cùng 2k7 tự tin chinh phục chương trình giáo dục phổ thông mới”.

Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên học sinh lớp 10 trên cả nước thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Chương trình mới hướng đến mục tiêu giúp học sinh phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết, ý thức và nhân cách công dân, khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời, khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích. Tuy nhiên, việc đổi mới chương trình cũng đồng nghĩa đổi mới thi cử và kiểm tra, đánh giá học sinh.

Theo thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên Hóa học tại Hệ thống giáo dục HOCMAI, mặc dù Bộ GD&ĐT chưa chính thức công bố phương án thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học năm 2025, tuy nhiên thực tế hiện nay, các kỳ thi riêng ngày càng nhiều, các trường đại học quyền tự chủ cao. Khi đó kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ trả lại đúng với vai trò là xét tốt nghiệp THPT. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp sẽ chỉ là một trong những công cụ để các trường đại học tuyển sinh.

Kỳ thi riêng dần chiếm ưu thế, học sinh nên lựa chọn môn học bậc THPT thế nào? - 1

Chương trình tư vấn của HOCMAI sẽ đồng hành cùng học sinh 2k7, phụ huynh trong việc lựa chọn môn học tổ hợp và định hướng nghề trong tương lai.

Thầy Ngọc lấy về ví dụ về Đại học Kinh tế quốc dân và Đại học Bách Khoa Hà Nội. Đây là hai trường dự kiến sẽ không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào năm 2023 với các khối thi truyền thống. Hay kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM đến nay hơn 100 trường sử dụng kết quả để tuyển sinh.

Thầy Ngọc dự đoán, trong vài năm tới, vai trò của các kỳ thi riêng như đánh giá năng lực và đánh giá tư duy sẽ càng thể hiện rõ hơn vai trò trong tuyển sinh đại học.

Tuy nhiên, cấu trúc của các kỳ thi riêng là đánh giá toàn diện học sinh bao gồm cả kiến thức khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Còn trong chương trình giáo dục phổ thông mới lại phân luồng học sinh theo 3 nhóm môn học lựa chọn (Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, Công nghệ - Nghệ thuật). Điều này sẽ tạo bất lợi với những bạn tham gia kỳ thi riêng nhưng lại lựa chọn tổ hợp khoa học xã hội do không được học kiến thức các môn khoa học tự niên trên lớp.

Thầy Ngọc khuyên học sinh nên lựa chọn tổ hợp tự nhiên. Ví dụ các em chọn theo khối tự nhiên thì vẫn cần chọn một môn trong tổ hợp xã hội để cân bằng (theo quy định của Bộ GD&ĐT). Lựa chọn này nhằm đáp ứng yêu cầu của các kỳ thi riêng, việc học sinh chọn học khối tự nhiên trên lớp và tự học khối xã hội ở nhà sẽ dễ dàng hơn.

Đổi mới đánh giá

Để thích ứng với tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông mới, thầy Phạm Văn Quang, trưởng môn Toán, trường Phổ thông liên cấp Quốc tế Dewey cho biết, việc đánh giá năng lực của học sinh đã được nhà trường áp dụng trong vài năm trở lại đây.

Nhà trường xây dựng bộ khung năng lực cho tất cả các môn học và lựa chọn nội dung kiến thức phù hợp với khung năng lực đó, đồng thời xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá dựa vào khung năng lực trên. Việc đánh giá căn cứ trên các yếu tố như điểm số, quá trình học tập, dự án học tập của học sinh.

So với việc học sinh được dạy theo cách truyền thống, thì phương pháp đánh giá năng lực có mục tiêu học tập rõ ràng hơn khi được định hướng theo các khung năng lực.

Các em thay vì cố gắng ghi nhớ kiến thức thì sẽ biết cách biến kiến thức này thành công cụ để dần hình thành những năng lực, phẩm chất cần có. Các em sẽ cảm thấy việc học sẽ nhẹ nhàng hơn, hào hứng hơn thay vì kiểm tra nhiều về phần lý thuyết cũng như kiểm tra dồn vào một thời điểm.

Minh Khôi