"Không ai vui vẻ khi vào bệnh viện, càng không vui vẻ khi phải chờ mổ"

Tin Y tế - Ngày đăng : 10:21, 07/08/2022

Sau phát ngôn "Bệnh nhân chờ mổ là chuyện bình thường, không vui vẻ có thể đi viện khác" của Phó Trưởng phòng Tài chính Kế toán - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nhiều người bày tỏ sự thất vọng.

"Tôi thật sự rất thất vọng"

Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, không khó để bắt gặp hình ảnh người nhà bệnh nhân ngồi, nằm la liệt khắp hành lang dẫn vào phòng mổ. Thậm chí, nhiều người bệnh phải chầu chực, chờ đợi hàng tháng trời để được mổ, ấy vậy mà bà Đào Thị Thanh Quỳnh - Phó trưởng phòng Tài chính Kế toán của bệnh viện, trong buổi làm việc với phóng viên báo Lao Động nhiều lần khẳng định - trường hợp phải chờ mổ là chuyện bình thường, bệnh nhân vui vẻ thì có thể chờ, còn bệnh nhân không vui vẻ thì chuyển sang bệnh viện khác.

Sau phản hồi trên về việc bệnh nhân phải chờ mổ, đa số bệnh nhân cho rằng, bệnh viện sắp xếp lịch mổ thì họ phải tuân thủ. Tuy nhiên, những phát ngôn của Phó trưởng phòng Tài chính Kế toán khiến họ cảm thấy không hài lòng.

Người nhà bệnh nhân ngồi la liệt tại hành lang lối lên phòng mổ.
Người nhà bệnh nhân ngồi la liệt tại hành lang lối lên phòng mổ.

Chị Trịnh Minh (Vĩnh Phúc) bị u nang buồng trứng được bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chỉ định mổ. Sau quá trình khám và điều trị tại đây, chị Minh không có ý định gắn bó với bệnh viện.

"Tôi phải chờ đúng 1 tuần, ngày mổ bác sĩ hẹn lịch từ 8h30 sáng nhưng đến 10h mới mổ. Quá trình mổ tôi cảm thấy khá ưng ý, nhưng quá trình chăm sóc sau mổ tôi không hài lòng, kể cả bác sĩ khám và bác sĩ mổ cũng không có sự liên kết.

Mổ xong bác sĩ hẹn ngày quay lại cắt chỉ, nhưng khi quay lại bác sĩ báo bận và nhờ nhân viên khác thực hiện. 1 tuần sau về tôi cảm thấy đau nhức và mưng mủ, không thể chịu được nên người nhà đã đưa đến cơ sở y tế khác để kiểm tra. Lúc đó tôi mới biết, lúc trước chỉ mới cắt đầu mối chứ chưa rút hết chỉ ở trong" - chị Minh kể.

Bệnh nhân này cho biết - sau trải nghiệm khám 2 lần và mổ 1 lần tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bản thân không muốn quay lại. Sau khi đọc được phát ngôn của bà Đào Thị Thanh Quỳnh - Phó trưởng phòng Tài chính Kế toán, chị Minh càng thất vọng.

"Bệnh nhân có vấn đề về sức khoẻ mới tìm đến bệnh viện, chúng tôi rất tin tưởng và đặt niềm tin vào bệnh viện, nhưng lại nhận về sự thờ ơ như vậy, tôi thật sự rất thất vọng" - chị Minh thở dài.

Vẫn chờ mổ "dài cổ"

Con gái của chị Tuyết Nhung (Hà Nội) bị tủ rơi vào lưng dẫn đến vỡ một ít đốt sống, hiện vẫn đang chờ mổ. Chị Nhung và gia đình cho biết không có ý định chuyển viện khác vì đã xác định điều trị ở đâu thì theo từ đầu đến cuối.

"Con gái nhập viện từ ngày 27.7 đến giờ vẫn chưa được mổ. Ở đây chờ mổ đông lắm nên gia đình cũng cố gắng chờ đợi, đến giờ vẫn chưa có lịch chắc phải đợi đến tận tuần sau. Mà đợi sang tuần cũng chưa biết cụ thể ngày nào.

Tôi xót hết ruột gan, con gái thì đau đớn, còn mình vất vả, vật vờ cả ngày chỉ ngồi ngoài hành lang. Bệnh viện đông như thế này muốn vào thăm còn không có chỗ mà ngồi, hôm qua tôi còn thuê 25.000 đồng/giường gấp rồi tranh nhau chỗ để giường ra nằm. Mệt lắm, ốm lắm" - chị Nhung ngao ngán cho biết.

Người nhà bệnh nhân vật vơg
Người nhà bệnh nhân vật vờ ngoài phòng mổ.

Đăng ký mổ từ đầu tháng 7, đến nay mới có lịch mổ, anh Hoàng Hiệp (Hà Nội) thở dài than - "đợi dài cổ".

"Mẹ tôi bị thoái hóa cột sống, phải đợi một tháng mới có lịch mổ. Trong thời gian đó đau nhưng không được dùng thuốc gì, phải đợi đến lượt mổ thì mổ. Đợi lâu quá cả nhà ai cũng xót ruột vì bà kêu đau suốt, may mà nhập viện xong thì được mổ đúng lịch. Bệnh viện đông như thế này thì phải chờ xếp lịch vì có người đã nhập viện từ chục ngày trước mà vẫn chưa có chỉ định mổ" - anh Hiệp nói.

Đã từng mổ và điều trị tại khoa Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, anh Duy Đồng (Thanh Hóa) cho rằng  - không ai vui vẻ khi vào bệnh viện, càng không vui vẻ khi phải chờ mổ. Điều đó giống như "cực hình" đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Thậm chí, nhiều người còn nơm nớp lo sợ bác sĩ có cứu mình hay không?

"Thay vì vô tình buông câu nói "vui vẻ có thể chờ, không vui vẻ thì chuyển sang bệnh viện khác", bệnh viện nên giải thích rõ lý do vì sao bệnh nhân phải chờ và động viên khích lệ để giảm bớt nỗi lo, nỗi sợ. Cũng là một câu nói thì nên nói điều dễ nghe và thể hiện sự đồng cảm với người bệnh" - anh Đồng bày tỏ quan điểm.

*Tên nhân vật đã thay đổi theo yêu cầu của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Phùng Nhung