Bóng đá Việt Nam và World Cup 2026: Những dấu hỏi về dự án
Bóng đá Việt Nam - Ngày đăng : 14:14, 06/08/2022
Top 10 không có nghĩa là chắc suất World Cup
Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), Lê Hoài Anh, nói rằng, chỉ khi nào tuyển Việt Nam lọt vào Top 10 Châu Á như chỉ tiêu được Chính phủ đặt ra trong Chiến lược phát triển bóng đá đến năm 2020, tầm nhìn 2030, thì mới có cơ hội giành suất đến World Cup.
Thực ra, lời ông nói còn có mốc thời gian là “4 năm nữa”, tuy nhiên, vấn đề cần bàn thực sự ở đây là cách mà giới chuyên môn gọi là “sự chuẩn bị”. Theo thông tin của các kênh thông tin, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đã giao VFF bắt tay vào “xây dựng đề án World Cup 2026”. Mục tiêu đương nhiên là giành vé đến kỳ World Cup tổ chức tại Mỹ, Canada và Mexico.
Câu hỏi là, 4 năm liệu có đủ cho một bước “đại nhảy vọt” từ vị trí thứ 17 lên Top 10 tại Châu Á? Tổng Thư ký của VFF nói đúng một phần là nếu vào Top 10 sẽ “có cơ hội” giành suất đến Cúp thế giới. Chỉ là cơ hội thôi, bởi rõ ràng là trừ quốc gia chủ nhà, việc giành suất đến World Cup dựa vào kết quả ở vòng loại chứ không phải vị trí trên bảng xếp hạng FIFA. Thế mới có chuyện đội tuyển Italia vắng mặt 2 kỳ World Cup liên tiếp dù là một trong những tên tuổi hàng đầu, nằm trong Top 10 ở cả Châu Âu lẫn thế giới.
Mà bóng đá thì nhiều biến số, kể cả khi tuyển Việt Nam đủ tự tin vào sức mạnh cũng như sự phát triển của mình, ai dám tin là sẽ có đủ số trận thắng và số điểm cần thiết để vượt qua vòng loại?
Cho một lần rồi thôi?
Khi FIFA có kế hoạch tăng số đội dự World Cup từ 32 lên 48 - để từ đó khu vực Châu Á có thêm 4 suất nữa, đồng thời, đội tuyển Việt Nam lần đầu tiên lọt vào vòng loại thứ ba (World Cup 2022), sự lạc quan sớm xuất hiện. Nhưng khi nhìn lại kết quả của tuyển Việt Nam ở giai đoạn 3 (chỉ thắng 1/10 trận), cũng như Liên đoàn Bóng đá Châu Á (AFC) lên kế hoạch vòng loại World Cup 2026, giới chuyên môn phân tích ra thì lại thấy con đường đến đích vẫn còn rất xa.
Do vậy, đã có những câu hỏi được dành cho “đề án World Cup 2026”, dù chỉ mới hé lộ những thông tin ban đầu. Thứ nhất, tại sao lại “khoanh vùng” lứa cầu thủ được đưa vào dự án (như VFF cho biết thì là các cầu thủ sinh từ 1996 đến 2003)? Khoảng 60 đến 70 cầu thủ - thuộc lứa dự World Cup U.20 năm 2017, giành ngôi á quân giải U.23 Châu Á 2018; lứa vào Top 4 ASIAD 2018, tứ kết Asian Cup 2019; vào vòng loại thứ ba World Cup 2022; thế hệ giành HCV SEA Games 30, 31; thế hệ dự giải U.23 Châu Á 2022 - sẽ được chọn. Tức là đến thời điểm World Cup 2026, họ sẽ ở độ tuổi từ 21 đến 28.
Cứ giả sử, họ sẽ được đầu tư một cách mạnh mẽ, toàn diện về mọi mặt, câu hỏi tiếp theo là, hình hài của Đội tuyển Việt Nam khi đó sẽ ra sao? Những nhân tố tốt nhất trong nhóm này sẽ thi đấu vòng loại thì những đàn anh dày dạn kinh nghiệm khác như: Văn Lâm, Ngọc Hải, Hùng Dũng, Công Phượng, Tuấn Anh… không còn cần đến nữa?
Đội tuyển quốc gia đương nhiên không giống như các đội U để tất cả các cầu thủ phải cùng lứa, bởi ai cũng hiểu, sân chơi lớn đòi hỏi bản lĩnh, kinh nghiệm chứ không đơn giản chỉ là sức.
Đó là chưa kể giới chuyên môn sẽ quan tâm đến việc đầu tư vào nhóm cầu thủ này theo hình thức nào? Trong khi Huấn luyện viên Park Hang-seo vẫn nói về việc “cần có tầm nhìn và kế hoạch cụ thể để triển khai có hệ thống”, đúng là ngay lúc này cần chuẩn bị, nhưng đó là sự chuẩn bị dài hạn, mang tính “hệ thống” và “sự kế thừa” chứ không phải tập trung một nhóm cầu thủ.