Căng thẳng eo biển Đài Loan nguy cơ lan rộng sau chuyến thăm của bà Pelosi
Đối ngoại - Ngày đăng : 20:09, 05/08/2022
Bất chấp cảnh báo của Trung Quốc rằng Washington có thể phải "trả giá", Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hôm 2/8 vẫn đến Đài Loan sau nhiều đồn đoán. Ngay sau chuyến thăm này, Trung Quốc đã tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật ở 6 khu vực, đưa hơn 100 máy bay chiến đấu áp sát Đài Loan trong một cuộc tập trận chưa từng thấy.
Theo một số chuyên gia, các hành động quân sự của Trung Quốc có thể mở rộng ra ngoài khu vực eo biển Đài Loan, trong đó có Biển Đông, và điều này có thể buộc một số quốc gia trong khu vực tăng cường hiện diện quân sự.
Thitinan Pongsudhirak, giáo sư về khoa chính trị tại Đại học Chulalongkorn, Thái Lan, mô tả chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi là hành động "không khôn ngoan". "Đổ thêm dầu vào lửa không có ích gì cho Đông Nam Á. Giờ đây, Bắc Kinh có thể sẽ quyết đoán hơn, thay vì giảm bớt", ông Pongsudhirak nhận định.
"Trung Quốc sẽ càng gây sức ép với Đài Loan. Kể cả khi Trung Quốc chỉ đe dọa các nước Đông Nam Á trong ngắn hạn thì điều đó cũng có thể làm tăng thêm sự ngờ vực về ý đồ của họ trong dài hạn", Chong Ja Ian, phó giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Singapore, bình luận.
Trong khi đó, Ngeow Chow Bing, Giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Malaya, cho rằng chuyến đi của bà Pelosi là "hành động gây xao lãng không cần thiết" trong bối cảnh khu vực đang nỗ lực thực hiện các kế hoạch phục hồi kinh tế, đối phó với làn sóng Covid-19 mới cũng như vấn đề lạm phát, an ninh lương thực do ảnh hưởng của chiến sự Ukraine - Nga.
Theo bà Sana Hashmi, một học giả tại Trung tâm trao đổi Đài Loan - châu Á, một cuộc xung đột tiềm tàng giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Đài Loan sẽ gây ra bất ổn ở khu vực.
Ông Ngeow cho rằng, các nước ở khu vực Đông Nam Á đều tôn trọng chính sách "Một Trung Quốc", song những diễn biến sau chuyến thăm của bà Pelosi sẽ khiến họ thận trọng hơn trong mối quan hệ không chính thức với đảo Đài Loan.
Chuyên gia phân tích Lucio Blanco Pitlo III của Trung tâm nghiên cứu tiến bộ châu Á - Thái Bình Dương có trụ sở tại Philippines, nhận định chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi có thể làm gia tăng sự lo ngại tại Đông Nam Á khi các quốc gia có mức độ quan hệ không giống nhau với Mỹ và Trung Quốc. Chuyến thăm một mặt thể hiện cam kết của Washington với khu vực nhưng mặt khác cũng có thể khiến các nước đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Theo ông, nguy cơ xung đột từ những cảnh báo gay gắt qua lại hay việc tập hợp quân sự ở điểm nóng sẽ khiến các quốc gia trong khu vực thận trọng hơn với các kế hoạch tập trận hay tuần tra chung, đặc biệt với các hoạt động bị coi là có thể nhắm đến một nước thứ 3.
Singapore hôm 3/8 nói rằng, nước này hy vọng Mỹ và Trung Quốc sẽ kiềm chế, tránh các hành động làm leo thang căng thẳng ở eo biển Đài Loan. Tại cuộc họp các ngoại trưởng ASEAN diễn ra ở Phnom Penh, người phát ngôn ASEAN và là Thứ trưởng Ngoại giao Campuchia Kung Phoak kêu gọi các bên tránh những hành động có thể làm căng thẳng leo thang. Đại diện các nước trong khu vực cũng đưa ra hối thúc tương tự.