Tên lửa Hellfire R9X - “con dao bay” của Lầu Năm góc

Đối ngoại - Ngày đăng : 09:43, 05/08/2022

Đêm 30 rạng sáng 31-7, Mỹ đã tiêu diệt trùm khủng bố của Al-Qaeda Ayman al-Zawahiri bằng tên lửa Hellfire R9X, loại vũ khí đặc biệt không chứa thuốc nổ nhưng có 6 lưỡi dao có khả năng “xé nát” mục tiêu. Tên lửa Hellfire R9X được ví như “con dao bay” của Lầu Năm góc.

Rất ít thông tin tiết lộ về chiến dịch tiêu diệt Ayman al-Zawahiri do quân đội Mỹ thực hiện vào đêm 30, rạng sáng 31-7 tại thủ đô Kabul của Afghanistan.

Các nguồn tin báo chí cho biết, một máy bay không người lái đã bắn hai quả tên lửa trúng al-Zawahiri (kẻ bị nghi là một trong những chủ mưu vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ngày 11-9-2001 ở Mỹ khiến gần 3.000 người thiệt mạng), khi tên này đang đứng trên ban công một ngôi nhà ở Kabul.

Ngoài al-Zawahiri, không có nạn nhân nào khác thiệt mạng và ngôi nhà được coi là sào huyệt của Al-Qaeda không có dấu vết của một vụ nổ. Manh mối cuối cùng này tiết lộ Mỹ có thể đã sử dụng tên lửa Hellfire R9X để tiêu diệt al-Zawahiri.

Tên lửa Hellfire R9X tiêu diệt trùm khủng bố Al-Qaeda Ayman al-Zawahiri. Ảnh: kafunel.com

Với tầm bắn lên tới 10km, tên lửa Hellfire vượt trội hơn tất cả những tên lửa diệt tăng. Chúng được phát triển vào cuối Chiến tranh Lạnh nhằm trang bị cho các máy bay và trực thăng của NATO. Nhiều quân đội châu Âu như Pháp, Anh, Italy và Hy Lạp được trang bị tên lửa Hellfire. Tuy nhiên, phiên bản R9X dành riêng cho việc loại bỏ mục tiêu chỉ được sử dụng bởi quân đội Mỹ.

Tên lửa Hellfire R9X do CIA và Lầu Năm góc phát triển khoảng 10 năm trước, khi Tổng thống Mỹ Barack Obama yêu cầu quân đội thiết kế vũ khí nhằm giúp giảm thương vong và thiệt hại về vật chất của dân thường trong cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu tại các “điểm nóng” Afghanistan, Pakistan, Iraq, Syria, Somalia và Yemen.

Nguyên nhân xuất phát từ thực tế là ngoài các vấn đề về nhân đạo và pháp lý, thương vong dân sự có thể làm suy yếu sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và dân chúng đối với các mục tiêu chiến lược của Mỹ. Ngoài ra, còn có một lý do khác cho sự xuất hiện của Hellfire R9X. Theo giới chức Mỹ, các tay súng khủng bố đã học được cách đối phó với những cuộc không kích của Mỹ, bằng việc ẩn nấp giữa nhóm phụ nữ và trẻ em để tránh rơi vào tầm ngắm.

Hai tập đoàn Lockheed Martin và Northrop Grumman được giao nhiệm vụ phát triển Hellfire R9X. Loại vũ khí đặc biệt này còn có tên gọi AGM-114R9X, với 3 chữ cái đầu tiên có nghĩa là “Air to Ground Missile” (tên lửa không đối đất). Đây là tên lửa không có đầu đạn, có thể phóng với vận tốc 1.500km/giờ.

Nhìn bên ngoài, Hellfire R9X không khác gì tên lửa Hellfire tiêu chuẩn vốn được quân đội Mỹ sử dụng để tiêu diệt “các mục tiêu giá trị cao”. Ở bên trong, Hellfire R9X sở hữu 6 lưỡi dao thay vì đầu đạn nổ 8kg. Hellfire R9X chính xác đến mức nếu một mục tiêu ở trong một chiếc xe có tài xế, tên lửa sẽ giết chết mục tiêu mà tài xế không hề hấn gì.

Tờ The Wall Street Journal năm 2019 từng giải thích: “Các lưỡi dao của R9X có thể cắt nóc ô tô hoặc xuyên qua tường của các tòa nhà”. Ngoài biệt danh “Bom Ninja”, “Hỏa ngục”, tên lửa Hellfire R9X còn có biệt danh là “Ginsu bay”. Biệt danh này liên quan đến đoạn quảng cáo nổi tiếng thập niên 1980 về loại dao nhà bếp của Nhật Bản có thể cắt đứt lon nhôm mà vẫn hoàn toàn sắc bén.

Washington đã sử dụng tên lửa Hellfire R9X nhiều lần, chẳng hạn vào ngày 26-2-2017 để loại bỏ nhân vật số hai của Al-Qaeda, Abu Khayr al-Masri, hoặc vào ngày 1-1-2019 để tiêu diệt Jamal Ahmad Mohammad al-Badawi, kẻ chủ mưu vụ tấn công tàu khu trục USS Cole.

Năm 2020, một phương tiện chở hai thủ lĩnh Al-Qaeda đã bị trúng tên lửa Hellfire R9X ở Syria. Những bức ảnh chụp hiện trường cho thấy, các phương tiện bị xé toạc mái che, không có dấu vết của một vụ nổ.

Không giống như chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden năm 2015, trong chiến dịch tiêu diệt thủ lĩnh Al-Qaeda Ayman al-Zawahiri, quân đội Mỹ không triển khai binh lính trên mặt đất và hạ gục mục tiêu bằng máy bay không người lái, hoặc nhiều khả năng là một nhóm máy bay không người lái.

Mỹ đã bắn hai quả tên lửa R9X để bảo đảm mục tiêu phải được tiêu diệt. Ngay sau vụ tấn công, CIA đã cử một nhóm bí mật đến hiện trường để thu thập thông tin tình báo, đặc biệt là thu hồi điện thoại hoặc máy tính, cũng như thu thập ADN của nghi phạm.

PHƯƠNG VŨ