TP.HCM: tìm cách bình ổn thị trường từ nay đến cuối năm

Kinh doanh - Ngày đăng : 21:01, 04/08/2022

Hoạt động thương mại, dịch vụ tại TP.HCM đã ngày càng sôi động hơn và TP.HCM cũng đang tìm cách bình ổn thị trường từ nay đến cuối năm.

Thương mại, dịch vụ sôi động

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, kinh tế TP.HCM tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ, tạo tâm lý và tin tưởng cho người dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh.

Tổng thu ngân sách nhà nước đạt hơn 282.900 tỷ đồng, đạt 73,2% dự toán năm, tăng 20,01% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi ngân sách mới chỉ đạt 33,19%; chi đầu tư phát triển mới đạt 16,02% dự toán.

Hoạt động thương mại, dịch vụ trở nên sôi động khi khách du lịch quay lại. Khách du lịch nội địa đến TP.HCM tăng 71,73% so với cùng kỳ; khối lượng vận tải hành khách công cộng tăng 17,7% so với cùng kỳ.

Bên cạnh những tín hiệu tích cực, thì tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM trong các tháng qua cũng còn những hạn chế. Chỉ số cải cách hành chính của TP.HCM năm 2021 tụt hạng.

Khả năng hấp thụ vốn của nhiều lĩnh vực còn thấp, chưa đạt kế hoạch theo yêu cầu; một phần do những vướng mắc, cản trở về thể chế, chính sách nói chung, mặt khác, môi trường đầu tư còn chưa hấp dẫn, trong đó có nguyên nhân chủ quan từ phía đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, nhất là trong phối họp giải quyết các thủ tục đầu tư, đất đai, tài sản công còn mất nhiêu thời gian. Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, tính đến hết tháng 7 mới đạt 26% kế hoạch năm.

Nhiều giải pháp bình ổn thị trường từ nay đến cuối năm

Nói về giải pháp bình ổn giá trong thời điểm hiện tại, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết, hàng năm, Sở đã tham mưu TP các giải pháp quản lý giá, bình ổn thị trường, ưu tiên bình ổn các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, sữa trẻ em, dược phẩm.

Cụ thể, TP.HCM chủ động tìm kiếm nguồn cung từ các địa phương khác, do nông nghiệp TP.HCM chưa đáp ứng được nhu cầu khi sản lượng thấp. Đồng thời, tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung, kích thích tiêu dùng, giúp thị trường nhộn nhịp, từ đó góp phần giúp doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, ngành công thương chú ý các giải pháp liên quan đến việc khuyến khích hệ thống phân phối giữ chiết khấu hợp lý, không tăng theo tình hình giá xăng dầu, giúp cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất.

“Cuối cùng là phối hợp Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM tính toán các giải pháp kết nối với thành phố hỗ trợ doanh nghiệp khẩn cấp”, ông Phương cho biết.

Trả lời về vấn đề giá xăng dầu giảm nhưng hàng hóa chưa được điều chỉnh, ông Phương giải thích, khi giá cả tăng cao do tác động của xăng dầu, các doanh nghiệp vẫn nỗ lực ổn định giá. Cùng với đó, TP.HCM có lộ trình điều chỉnh tăng giá từng mặt hàng và chỉ tăng 5 mặt hàng thực phẩm so với hàng trăm mặt hằng khác.

Hiện giá xăng dầu giảm, các doanh nghiệp cũng đang điều chỉnh chi phí, giá thành để điều chỉnh thị trường.

THANH PHƯỢNG (tổng hợp)