Nỗi buồn khi con chậm phát triển chiều cao

Tin Y tế - Ngày đăng : 17:47, 04/08/2022

TPHCM - Nuôi con mãi không lớn, luôn thấp và nhỏ bé hơn với bạn bè cùng trang lứa, đến lúc đưa con đi khám, nhiều phụ huynh mới tá hoả khi được bác sĩ chẩn đoán con bị chậm phát triển chiều cao.

8 tuổi nhưng chiều cao chỉ nhỉnh hơn bé 6 tuổi, chị Nguyễn Thị Ánh (29 tuổi) mẹ của bé T.H.D luôn cảm thấy buồn, đặc biệt khi chỉ còn ít ngày nữa là con bắt đầu vào lớp 2.

 
Trẻ em được gia đình đưa đi khám chiều cao. Ảnh: BSCC

“Bé khá nhạy cảm, khi xếp hàng vào lớp hay tham gia các hoạt động ngoại khoá, con luôn phải đứng đầu hàng. làm bé e ngại. Nhiều lúc đến trường đón con, bé nước mắt ngắn nước mắt dài hỏi sao con luôn được xếp ngồi bàn đầu.

Gia đình quyết định đưa con đi khám sức khoẻ nhưng được bác sĩ chẩn đoán bé chậm phát triển và rối loạn hormone tăng trưởng, cần được theo dõi lâu dài”, chị Ánh chia sẻ.

Còn trường hợp của chị Nguyễn Thị Kim Anh (24 tuổi, ngụ TPHCM) cũng buồn tương tự. Ngay từ khi học lớp 1, trong ký ức của chị Kim Anh mỗi lần đến lớp là được ngồi bàn đầu và kèm thêm một chiếc ghế nhỏ cao hơn bạn bè mới đủ với tới bàn học của nhà trường. Đến khi 18 tuổi, chị Kim Anh mới có cơ hội đến bệnh viện để kiểm tra tình trạng phát triển của mình.

“Tôi được bác sĩ chẩn đoán thiếu hormone tăng trưởng, điều này khiến chiều cao của tôi mãi như một đứa trẻ học lớp 9 -10. Vì có chiều cao khiêm tốn, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi cũng không thể xin được công việc mình mong muốn vì nhìn giống như một đứa trẻ con trên gương mặt người lớn”, chị Kim Anh buồn bã chia sẻ.

Bác sĩ Trần Thị Ngọc Anh - Khoa Nội tiết Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, hiện tại, bệnh viện phát hiện và điều trị cho hơn 100 trẻ chậm tăng trưởng chiều cao, đa số các bé đã có một số cải thiện rõ rệt.

Qua thăm khám và theo dõi thể trạng của nhiều bé, việc chậm phát triển chiều cao của trẻ có rất nhiều yếu tố tác động như: Di truyền, dinh dưỡng, môi trường sống, chế độ sinh hoạt…Trong đó, yếu tố di truyền là không thể thay đổi được. Riêng thiếu hormone tăng trưởng là một rối loạn nội tiết phổ biến, gây chậm tăng trưởng chiều cao của trẻ.

Vấn đề tăng trưởng chiều cao không đủ do thiếu hormone có thể do bẩm sinh hoặc tổn thương tuyến yên, chấn thương đầu nặng, u não hay nhiễm trùng dạng viêm màng não… Đồng thời, cũng có rất nhiều trường hợp thiếu hormone tăng trưởng không xác định được nguyên nhân.

Một thực tế cho thấy, chậm phát triển do thiếu hormone tăng trưởng không ảnh hưởng đến tính mạng, nhưng nếu không điều trị kịp thời giai đoạn vàng thì chiều cao trung bình của trẻ chỉ từ 135-145 cm, thấp hơn rất nhiều so với chiều cao trung bình của người Việt Nam.

Để biết trẻ có bị chậm phát triển chiều cao hay không, cha mẹ nên theo dõi tốc độ tăng chiều cao của con mình ở mọi độ tuổi. Với trẻ nhỏ, cha mẹ đo chiều cao cho trẻ 3 tháng/lần. Thông thường, trẻ mới sinh có chiều dài 48-52cm, trong năm đầu bé tăng khoảng 20-25cm, sang năm thứ 2 tăng 12cm, năm thứ 3 tăng 10 cm, năm thứ 4 tăng 7cm.

Từ 4 tuổi trở đi, phụ huynh cần chú ý nhiều hơn đến tốc độ tăng trưởng chiều cao của trẻ, từ đây cho đến năm 11 tuổi, trẻ sẽ tăng trung bình 4-6cm/năm. Nếu trẻ không bị suy dinh dưỡng nhưng không đạt mức tăng trưởng chiều cao bình thường đó, cha mẹ nên cho trẻ đi khám nội tiết và tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao.

Bác sĩ Ngọc Anh lưu ý, trẻ cần khám và điều trị sớm, tốt nhất là trong giai đoạn từ 4-13 tuổi, nếu qua độ tuổi này, các sụn xương của trẻ sẽ đóng lại, việc điều trị không còn hiệu quả nữa. Ngược lại, khi trẻ được phát hiện và điều trị sớm, trẻ vẫn có thể bắt kịp tăng trưởng của các trẻ bình thường và gần như đạt được chiều cao tối đa lúc trưởng thành.

HƯƠNG SƠN