Tay không bắt rắn hổ chúa dài 2,6m

Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 16:50, 04/08/2022

Một chuyên gia bắt rắn người Indonesia đã khiến nhiều người phải rùng mình khi đùa giỡn với con rắn hổ chúa cực độc, sau đó sử dụng tay không tóm gọn con rắn.

Yensil, 58 tuổi, chủ nhân của một ngôi nhà ở huyện Agam (tỉnh Tây Sumatra, Indonesia) đã rất hoảng sợ khi nhìn thấy một con rắn cỡ lớn trườn vào sân nhà. Yensil đã lập tức gọi điện cho lực lượng kiểm lâm và các chuyên gia bắt rắn để nhờ giúp đỡ.

Khi các chuyên gia bắt rắn đến nơi, con rắn độc đã trườn vào những bụi cây rậm rạp phía ngoài sân, khiến những người này phải mất nhiều thời gian để truy tìm con vật.

Chuyên gia bắt rắn có tên Syawal Waldi tìm thấy con rắn đang ẩn náu bên trong một bụi cây nên đã nắm đuôi con vật để kéo vào sân nhà. Bất chấp việc con rắn độc liên tục phồng mang, ngẩng cao đầu thể hiện sự giận dữ, Waldi vẫn không ngần ngại đùa giỡn với con vật.

Tay không bắt rắn hổ chúa dài 2,6m (Video: FV).

Sau một hồi đùa giỡn, Waldi đã nhẹ nhàng dùng tay nắm chặt vào đầu để tóm gọn con rắn độc, sau đó đưa nó vào túi đựng. Con rắn được xác định là một cá thể hổ chúa, dài 2,6m.

Waldi cùng các đồng sự đã mang con rắn độc này thả tự do ở một vị trí cách xa khu dân cư.

"Đây là một khu vực dân cư mới được xây dựng nên chúng tôi phải bắt con rắn và thả nó đi nơi khác để nó không gây hại cho ai cũng như đảm bảo an toàn cho chính con rắn", Waldi chia sẻ.

Hổ chúa là loài rắn độc lớn nhất thế giới, với chiều dài trung bình từ 3 đến 4m, có trường hợp ghi nhận rắn hổ chúa dài đến 6m. Loài rắn độc này sống chủ yếu ở các khu rừng mưa và đồng bằng của Ấn Độ, miền nam Trung Quốc và Đông Nam Á.

Nọc độc của rắn hổ chúa không phải là mạnh nhất trong số các loài rắn độc, nhưng lượng chất độc mà chúng sử dụng trong một cú cắn đủ để giết chết 20 người trưởng thành hoặc thậm chí một con voi. Nọc độc của rắn hổ chúa ảnh hưởng đến các trung tâm hô hấp ở não, gây ngừng hô hấp và suy tim.

Thức ăn của hổ chúa là các loài rắn khác, thậm chí loài rắn này có thể ăn thịt cả đồng loại. Vai trò của hổ chúa là kiểm soát số lượng rắn trong khu vực mà nó sinh sống. Dù kích thước lớn và sở hữu nọc độc nguy hiểm, hổ chúa được đánh giá là loài rắn khá nhút nhát, thường tìm cách lẩn trốn khi đối đầu với con người và chỉ tấn công trong trường hợp bị đe dọa hoặc bị kích thích.

Theo FV

T.Thủy