Đại học công lập 'giàu' lên nhờ tự chủ, lương giảng viên 400 triệu đồng/năm
Xã hội - Ngày đăng : 12:06, 04/08/2022
Thông tin đưa ra tại Hội nghị tự chủ đại học được Bộ GD&ĐT tổ chức sáng nay (4/8).
Từ năm 2014 - lần đầu tiên 23 trường đại học trên cả nước thí điểm triển khai tự chủ theo Nghị quyết 77 của Chính phủ - đến nay, cả nước có 141/232 trường. "Việc thực hiện tự chủ của các trường đạt một số kết quả nhất định, chuyển biến tích cực cả về nhận thức lẫn công tác thực hiện", Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đánh giá.
Lương giảng viên tăng mạnh
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, từ thời điểm được giao thí điểm tự chủ, các trường từng bước hình thành cơ cấu nhân lực phù hợp. Các trường đưa ra chính sách cạnh tranh, thu hút giảng viên giỏi chuyên môn và khả năng nghiên cứu khoa học. Tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ ngày một tăng, từ 25% năm 2018 lên trên 31% năm 2021.
Về tài chính, 32,76% trường đại học tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, 13,79% số lượng trường tự bảo đảm chi thường xuyên. Đánh giá chung về nâng cao năng lực tài chính của các trường tự chủ, Bộ GD&ĐT cho biết từ 2018 đến 2021 tổng thu của các trường này đa phần tăng lên, tổng thu ngoài ngân sách nhà nước cấp chi thường xuyên cũng tăng thêm.
Đặc biệt, thu nhập bình quân của giảng viên và cán bộ quản lý tăng mạnh, tăng 20,8% với giảng viên và 18,7% với cán bộ quản lý.
Với 23 trường thí điểm tự chủ đầu tiên, trong giai đoạn 2018 - 2021, thu nhập giảng viên tăng trung bình 26,1%; thu nhập cán bộ quản lý tăng trung bình 24,5%.
Nếu năm 2018, tỷ lệ giảng viên thu nhập dưới 100 triệu/năm chiếm 26,2% thì năm 2021 chỉ còn 12,7%; năm 2018 tỷ lệ giảng viên thu nhập dưới 150 triệu/năm là 57,5% thì năm 2021 con số này giảm còn 46,3%/ năm.
Trong khi đó, sau 3 năm tự chủ (2018 - 2021), giảng viên thu nhập trên 200 triệu/năm tăng từ 19,4% lên 31,34%; thu nhập trên 300 triệu trở lên tăng từ 0,75% lên 5,97%.
Trường công doanh thu nghìn tỷ đồng
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước có 5 trường đại học tự chủ đạt mức doanh thu cao nhất (trên 1.000 tỷ đồng năm) trong đó 2 đơn vị là trường công lập gồm: Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Kinh tế TP.HCM và 3 trường tư gồm: Đại học FPT, Đại học Văn Lang, và Đại học Công nghệ TP.HCM.
Đáng chú ý, Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Kinh tế TP.HCM đều là trường đầu tiên thực hiện thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77.
Nếu tính danh sách 30 trường có tổng thu cao nhất năm 2021 thì 14 trường trong danh sách các trường thí điểm tự chủ đầu tiên theo Nghị quyết số 77.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, cơ chế thí điểm tự chủ tạo điều kiện cho các trường chủ động trong công tác xây dựng kế hoạch tài chính và dự toán ngân sách ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Các trường chủ động trong quản lý, sử dụng các nguồn tài chính để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của trường, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn kinh phí.
Các trường được thu học phí và các khoản thu khác theo mức thu mô tả trong đề án đã được Thủ tướng phê duyệt. Trong đó, các trường công khai lộ trình trình tăng học phí, học phí của cả khóa học, từng năm học với người học kèm theo các điều kiện bảo đảm chất lượng và cam kết chuẩn đầu ra trước khi thông báo tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của trường.
Nhờ đó nhìn chung các trường đảm bảo được toàn bộ chi hoạt động thường xuyên, và đều có chênh lệch thu lớn hơn chi. Thu nhập của giảng viên, người lao động tăng lên rõ rệt so với thu nhập bình quân giai đoạn trước (lương, thu nhập tăng thêm và phúc lợi trung bình tăng 20,33% so với trước tự chủ, một số trường thu nhập tăng thêm đáng kể so với lương cơ bản).