Ẩn họa khôn lường từ 'nghĩa địa tàu cá' ở cửa sông
Xã hội - Ngày đăng : 11:50, 04/08/2022
Hơn 5 năm trước, anh Võ Văn Chí (ở xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi) vay vốn đóng mới tàu cá. Con tàu 600 mã lực với ngư lưới cụ trị giá đến 4 tỷ đồng hạ thủy mang theo giấc mơ trở thành tỷ phú của anh Chí. Thế nhưng, rất nhanh sau đó hoạt động đánh bắt khó khăn, lợi nhuận mỗi chuyến biển sụt giảm rồi dần đi đến kết cục "thu không đủ bù chi".
"Ra khơi là lỗ nên phải cho tàu nằm bờ. Khoản vay mấy tỷ đồng cứ thế sinh sôi nên không có khả năng trả nợ. Tàu này ngân hàng họ lấy rồi neo ở bến 5 năm nên tàu hư hỏng và chìm luôn", anh Chí cho biết.
Theo thống kê sơ bộ, trên sông Phú Thọ có 22 tàu cá bị chìm chưa được trục vớt. Nhiều tàu đã hư hỏng nặng, chìm hoàn toàn dưới nước. Những con tàu chìm vô tình trở thành "bẫy" đối với những tàu cá ra vào cửa sông, đặc biệt là trong mùa mưa bão.
Sau một hồi loay hoay, ngư dân Nguyễn Tấn Hồng mới đưa được ghe đánh cá ra khỏi cửa sông Phú Thọ. Việc này tương đối dễ dàng vào ban ngày và khi thời tiết tốt. Vào ban đêm hoặc khi có mưa bão, việc cho tàu ra vào cửa sông luôn tiềm ẩn nguy cơ va chạm.
"Ban ngày với lúc nước lớn thì ra vô chỉ khó một chút, còn đêm tối hoặc lúc nước lớn, mưa bão rất dễ va. Mùa mưa bão tàu cá về đây tránh bão cũng thường xuyên va chạm", ông Hồng nói.
Theo Trung tá Lâm Văn Viễn - Đồn trưởng đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ, hàng chục tàu chìm ở cửa sông Phú Thọ gây rất nhiều khó khăn cho công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Mùa mưa bão, các tàu cá này rất dễ va chạm với những tàu khác gây thiệt hại cho ngư dân. Mặt khác, tàu chìm còn ảnh hưởng đến môi trường, nhiều không được trục vớt khiến cửa sông rất nhếch nhác.
Những con tàu neo đậu ở cửa sông Phú Thọ chìm đắm, hư hỏng theo thời gian. Trước tình hình này, chính quyền xã Nghĩa An đã kiến nghị các cấp, ngành liên quan cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngư dân.
Đối với những tàu cá đã bị kê biên nhưng không bán được, chính quyền xã Nghĩa An kiến nghị ngân hàng để lại tài sản cho ngư dân bảo quản. Đối với những trường hợp muốn ra khơi thì có thể tiếp tục sử dụng tàu; việc này nhằm bảo quản tàu tốt hơn, cũng như tạo điều kiện cho ngư dân khai thác hải sản, tạo thu nhập để có thể trả nợ.