'Bão giá' thịt lợn: Người nuôi gồng lỗ, dân mua đắt đỏ, thương lái ăn dày
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 07:36, 04/08/2022
Giá thức ăn tăng 17 lần, giá lợn giảm mạnh
Trao đổi với PV. VietNamNet chiều 2/8, ông Nguyễn Công Bắc - chủ trang trại chăn nuôi hơn 1 vạn con lợn ở Sơn La - than thở: “Giá lợn hơi vừa lên được mấy ngày lại giảm mạnh. Giờ chỉ còn 62.000-63.000 đồng/kg. Cũng may tháng 8 này chưa phải nhận tin tăng giá thức ăn chăn nuôi tăng từ nhà cung cấp”.
Ông Bắc cho biết, giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) tăng liên tục từ cuối năm 2020 đến nay chưa một lần giảm. Chỉ tính riêng năm 2022, giá TĂCN đã tăng liên tiếp 6 lần với tần suất gần như mỗi tháng một lần. Trong khi, TĂCN chiếm tới 65-70% chi phí giá thành sản xuất.
Việc TĂCN tăng mạnh đẩy giá thành lợn hơi lên 60.000 đồng/kg. Đây là mức giá ông chủ động được con giống. Với hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, phải mua giống thì giá thành ở mức 63.000-65.000 đồng/kg.
Chi phí giá thành bị đội lên cao nên tháng 4, tháng 5 vừa qua ông Bắc phải gồng lỗ, bởi giá lợn hơi khi đó chỉ hơn 50.000 đồng/kg. Sang đến tháng 6, giá bán nhích lên ông hoà vốn và tháng 7 bắt đầu có lãi.
“Nhưng giá lợn vừa mới tăng giúp người chăn nuôi có lãi được khoảng chục ngày thì cuối tháng 7 bắt đầu giảm mạnh. Giá ở thời điểm hiện tại, người nuôi lợn tiếp tục hoà vốn hoặc gồng lỗ”. Ông Bắc cho biết, giá lợn gần 2 năm nay luôn ở mức thấp khiến người chăn nuôi lao đao. Để đầu tư trang trại chăn nuôi quy mô cả vạn con lợn như hiện nay, ông vay ngân hàng 45 tỷ đồng, gánh lãi 200 triệu đồng/tháng. Thế nên, giờ giảm đàn cũng khó mà tăng đàn thì sợ lỗ nặng hơn.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, thừa nhận, sau khi giá lợn hơi tăng lên mốc 72.000-73.000 đồng/kg vào ngày 23-24/7 thì quay đầu giảm. Đến nay, giá nhiều doanh nghiệp quy định ở mức 66.000 đồng/kg, nhưng giá trên thị trường đã giảm về 62.000-63.000 đồng/kg.
Lý do đang là tháng 7 Âm lịch, người dân có xu hướng ăn chay nhiều, thịt lợn khó tiêu thụ dẫn đến giá có xu hướng giảm. Chưa kể, vừa qua Phó Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nguồn cung thịt lợn, TĂCN và bình ổn giá.
Theo ông, giá lợn giảm mạnh khiến người chăn nuôi khó khăn chồng chất. Bởi từ cuối năm 2020 đến nay, giá TĂCN đã tăng 17 lần liên tiếp, giá vận chuyển từ nhà cung cấp về tới trang trại đã tăng gấp đôi nhưng giá bán lợn lại vô cùng thấp. Đa phần đều gồng lỗ hoặc hoà vốn.
Nếu lấy mốc từ tháng 10/2020 (thời điểm bắt đầu chu kỳ tăng giá TĂCN), ông tính toán, mỗi lần tăng giá TĂCN khoảng trên dưới 400 đồng/kg, nuôi một con lợn đạt trọng lượng 100kg, người nuôi phải chi thêm gần 2 triệu đồng. Do đó, giá lợn hơi phải trên 60.000 đồng/kg thì người nuôi mới hoà vốn.
“Bão giá” thịt lợn chưa tan, dân buôn ăn đậm
Có thực tế là, giá lợn hơi giảm mạnh, giá lợn móc hàm của Văn phòng Hiệp hội Chăn nuôi báo về chỉ 58.000-83.000 đồng/kg tuỳ loại, nhưng giá thịt lợn tại chợ vẫn quá cao, không giảm và giảm chậm. Theo ông Đoán, đây là bất cập vì hiện tại, cả giá lợn hơi và giá xăng dầu đều giảm về mức thấp thì giá thịt ở chợ cũng phải giảm mức tương ứng.
Chuyên gia trong ngành tính toán, một con lợn 100kg mổ ra được 75kg móc hàm và đầu, lòng. Từ số thịt móc hàm phân chia ra được 4kg sườn non, 13kg thịt ba chỉ, 6kg sườn cốt lết, 20kg thịt mông, 17kg thịt vai, 7kg chân giò, 2kg xương, 2kg mỡ, 2kg bạc nhạc, 2kg thịt cổ; đầu và lòng bán được khoảng 600.000 đồng.
Ở chợ đầu mối lớn, giá thịt lợn móc hàm loại ngon nhất chỉ 83.000 đồng/kg, trong khi giá thịt lợn tại chợ loại rẻ nhất cũng 110.000 đồng/kg, còn lại dao động ở mức 130.000-150.000 đồng/kg, thậm chí sườn non giá tới 180.000 đồng/kg. Như vậy, tính ra từ chợ đầu mối ra tới chợ dân sinh, dân buôn đã lãi đậm.
Sáng 3/8, chị Bùi Thị Kim Phượng ở Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) mua 4 lạng thịt ba chỉ ở khu chợ gần nhà hết 60.000 đồng, tức vẫn 150.000 đồng/kg. Hỏi sang sườn thăn chủ hàng báo giá 160.000 đồng/kg, còn sườn nguyên cục giá vẫn 140.000 đồng/kg.
“Trước giá xăng tăng mạnh, ở chợ hàng thịt cũng điều chỉnh tăng thêm vài giá. Đến khi giá xăng giảm mạnh, thịt lợn ở chợ tăng thêm 15.000-20.000 đồng/kg với lý do giá lợn hơi tăng. Nay cả giá xăng và giá lợn hơi đều giảm mạnh mà thịt lợn chưa thấy giảm, vẫn neo giá đỉnh”, chị than thở.
Thời điểm trước 21/6, khi giá xăng dầu tăng mạnh, ở chợ tiểu thương liền đẩy giá thịt lên cao với lý do “tăng theo giá xăng dầu”. Nhưng sau khi giá xăng dầu giảm mạnh ở các kỳ tiếp theo, giá thịt lợn tại chợ tiếp tục tăng thêm 15.000-20.000 đồng/kg. Lúc này, lý do được đưa ra là "giá lợn hơi tăng".
Đến nay, giá xăng dầu đã có 4 kỳ điều chỉnh giảm liên tiếp. Ở kỳ điều chỉnh mới nhất (ngày 1/8), giá xăng RON 95-lll giảm còn 25.600 đồng/lít, giá xăng E5 RON 92-ll là 24.620 đồng/lít, giá dầu diesel 0,05S-ll giảm mạnh về 23.900 đồng/lít. Tức so với mức giá đỉnh ở kỳ điều chỉnh ngày 21/6, xăng RON 95 giảm 28,4%, xăng E5 RON 92 giảm 27,1%, dầu diesel 0,05S-ll 25,5%,
Tương tự, giá lợn hơi xuất chuồng cũng giảm trên dưới 10.000 đồng/kg so với giá đỉnh ngày 23/7.
Tuy nhiên, giá thịt lợn ngoài chợ vẫn neo cao, chưa hề có dấu hiệu giảm. Tại chợ Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội), giá thịt vai, chân giò, thịt mông, ba chỉ, sườn, nạc thăn… vẫn dao động trong khoảng 120.000-160.000 đồng/kg tuỳ loại.
Chị Hoàng Thị Trà Giang - tiểu thương bán thịt lợn tại chợ - nhận xét, giá thịt tăng mạnh 2 tháng nay. Dịp này, giá khó giảm vì giá thịt lợn bên Trung Quốc tăng cao, lợn được thu mua chở sang đó nhiều, nguồn cung bị ảnh hưởng.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến mới đây thừa nhận, giá thịt lợn từ cửa chuồng trại đến bàn ăn đang chênh nhau khoảng 1,7 lần. Vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ cũng nhiều lần chỉ đạo Bộ Công Thương phải có giải pháp điều tiết. Hiện giá thịt lợn hơi đã hạ nhiệt, ông mong giá tại chợ cũng được điều để người chăn nuôi và người tiêu dùng chấp nhận được.