Điểm tin kinh doanh 4/8: Việt Nam chi hơn 5 tỉ đô la Mỹ nhập xăng dầu trong nửa năm 2022

Kinh doanh - Ngày đăng : 07:00, 04/08/2022

Việt Nam chi hơn 5 tỉ đô la Mỹ nhập xăng dầu trong nửa năm 2022; Bộ Tài chính lý giải vì sao giá xăng giảm mạnh, giá hàng hóa vẫn cao

- Bộ Tài chính lý giải vì sao giá xăng giảm mạnh, giá hàng hóa vẫn cao

Theo Bộ Tài chính, việc xăng giảm nhưng một số mặt hàng tiêu dùng vẫn tăng do nhiều yếu tố tác động đan xen như giá nguyên vật liệu đầu vào, mức độ tồn kho, năng lực sản xuất.

Theo đó, cơ quan này đưa ra nhiều tác động như giá nguyên vật liệu đầu vào, mức độ tồn kho, năng lực sản xuất, nhu cầu biến động mang tính mùa vụ...

Đặc biệt, một số mặt hàng có giá nguyên liệu đầu vào tăng trong một thời gian dài nên chưa thể giảm ngay hoặc cần độ trễ sau khi giá xăng dầu giảm...

Cơ quan quản lý nhận định, từ nay đến cuối năm sẽ còn nhiều áp lực lên mặt bằng giá nhất là giá các mặt hàng năng lượng, lương thực, nguyên vật liệu cho sản xuất.

- Nợ Chính phủ của Việt Nam ước giảm 57.000 tỷ đồng

Từ đầu năm đến nay, đồng USD tăng 1,1%, đồng EUR giảm 9,5%, đồng JPY giảm 13%, dư nợ Chính phủ của Việt Nam tính đến cuối năm 2022 ước giảm khoảng 57 nghìn tỷ đồng (tương đương 2%) so với dư nợ cuối 2021.

Theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 31/12/2021, dư nợ Chính phủ ước khoảng 3.283 nghìn tỷ đồng. Trong đó, nợ vay bằng đồng Việt Nam (VND) là 2.184 tỷ đồng (chiếm 66,5% tổng dư nợ), nợ vay bằng đô la Mỹ (USD) tương đương 455 nghìn tỷ đồng (13,9%), nợ vay bằng đồng yên Nhật (JPY) tương đương 346 nghìn tỷ đồng (10,5%), vay bằng euro (EUR) tương đương 179 nghìn tỷ đồng (5,5%), vay bằng ngoại tệ khác tương đương 119 nghìn tỷ đồng (4%).

- Giá thép giảm tiếp hơn 1,6 triệu đồng/tấn

Giá thép trong nước tiếp tục giảm sâu tới hơn 1,6 triệu đồng/tấn. Lũy kế hơn 2 tháng qua, giá mặt hàng này đã giảm 12 lần, khoảng 3,7-4,1 triệu đồng/tấn.

Mới đây, nhiều doanh nghiệp thép trong nước tiếp tục thông báo điều chỉnh giá bán mặt hàng này. Theo đó, thép Việt Đức, Hòa Phát, Kyoei, Việt Ý, Pomina... đồng loạt giảm giá trên toàn quốc đối với sản phẩm thép cuộn xây dựng và thép cây ở mức trung bình 200.000 đồng/tấn (chưa bao gồm thuế VAT).

Với đợt giảm mới nhất, các mặt hàng thép trong nước đã ghi nhận lần giảm giá thứ 12 liên tiếp kể từ ngày 11/5, tổng mức giảm khoảng hơn 4 triệu đồng/tấn tùy từng thương hiệu và loại thép. Với đợt giảm kéo dài này, mặt bằng giá thép cuộn CB240 hiện dao động 14,9-15,9 triệu đồng/tấn, thép thanh vằn D10 CB300 khoảng 15,1-16 triệu đồng/tấn.

- Việt Nam chi hơn 5 tỉ đô la Mỹ nhập xăng dầu trong nửa năm 2022

Chỉ trong nửa đầu năm nay, Việt Nam đã chi hơn 5 tỉ đô la Mỹ để nhập khẩu xăng dầu các loại, tăng hơn 128% cùng kỳ năm ngoái.Việt Nam nhập khẩu 1,95 triệu tấn xăng dầu từ Hàn Quốc, tăng 104,5%; 391.000 tấn từ Trung Quốc, tăng 92,3%. Trong khi đó nhập khẩu từ Malaysia là 781.000 tấn, giảm 45,8%; Singapore là 636.000 tấn, giảm 15,8%; Thái Lan là 580.000 tấn, giảm 1,7%.

Về tình hình trong nước, Bộ Công Thương cho biết, hiện hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Bình Sơn đang vận hành ở công suất tối đa. Trong 6 tháng cuối năm nay, hai nhà máy này có thể cung ứng từ 70-80% nhu cầu xăng dầu trong nước.

Lượng nhập khẩu xăng dầu các loại vào Việt Nam trong nửa đầu năm nay tăng ở thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc nhưng giảm ở thị trường Malaysia, Thái Lan và Singapore.

- Số chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam tăng 781% trong tháng 7

Theo cục Hàng không Việt Nam, trong tháng 7/2022, tổng chuyến bay khai thác của các hãng hàng không Việt Nam đạt 33.238 chuyến, tăng 781% so với cùng kỳ năm 2021 và 8% so với tháng 6.

Dẫn đầu về số chuyến bay khai thác của hàng không Việt Nam là Vietjet với 13.284 chuyến, tăng tới 1.865% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Vietnam Airlines với 11.610 chuyến, tăng 500% so với cùng kỳ năm 2021.

Các hãng hàng không khác như Bamboo Airways và Pacific Airlines có số chuyến bay lần lượt là 4.914 và 2.091. Hai hãng VASCO và Vietravel có lượng chuyến bay không đáng kể, chỉ 771 chuyến và 568 chuyến bay trong tháng.

- Bộ Tài chính đề xuất giảm thêm thuế để "hạ nhiệt' giá xăng dầu

Trước bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, giá dầu thô trên thị trường thế giới có xu hướng vẫn đứng ở mức cao, Bộ Tài chính đã xin chủ trương về phương án thuế giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu.

Ngày 3/8, Bộ Tài chính có văn bản thông tin về việc giảm thêm thuế đối với xăng dầu. Theo đó, trước bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, giá dầu thô trên thị trường thế giới có xu hướng vẫn đứng ở mức cao, Bộ Tài chính đã khẩn trương nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành một số chính sách về thuế để góp phần ổn định giá xăng dầu, kiềm chế lạm phát và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô cũng như an ninh năng lượng.

Về chính sách thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt, cơ quan này cho biết ngày 28/7 đã báo cáo Thủ tướng xin chủ trương về phương án thuế giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu.

Việt Báo (Tổng hợp)