Hai 'ông lớn' tham gia dự án tỷ USD xây hàng trăm nghìn căn hộ
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 09:29, 03/08/2022
Theo website Chính phủ, tại hội nghị "Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp" được tổ chức sáng 1/8, tại Trụ sở Chính phủ, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, Novaland của gia đình ông Bùi Thành Nhơn cam kết sẽ đầu tư xây dựng 200.000 căn hộ nhà ở xã hội ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Ông Bùi Xuân Huy, Chủ tịch Tập đoàn Novaland cho biết, trong tuần trước tập đoàn đã nhận được yêu cầu về việc đề xuất giải pháp để mỗi doanh nhân đầu tư xây dựng được ngay 5.000-10.000 căn hộ nhà ở xã hội.
Trước đó, hồi giữa tháng 5/2022, thị trường đón nhận thông tin đại hội cổ đông Vinhomes - công ty con của Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng thông qua chiến lược xây 500.000 căn nhà ở xã hội giá từ 330 triệu đồng tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng...
Vinhomes (VHM) là nhà phát triển bất động sản số 1 tại Việt Nam với doanh thu khoảng 3,6 tỷ USD và lợi nhuận sau thuế khoảng 1,7 tỷ USD trong năm 2021. Doanh nghiệp này phát triển dữ dội trong nhiều năm qua và trở thành đơn vị có vốn hóa hàng đầu trên thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, gần đây giá cổ phiếu VHM tụt giảm nhanh trong gần năm qua, từ mức 86.000 đồng/cp xuống 62.000 đồng/cp như hiện tại. Vốn hóa tụt giảm nhanh chóng nhưng Vinhomes vẫn là 1 trong 3 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán còn nằm trong top trên 10 tỷ USD.
Vinhomes trước cũng từng có kế hoạch phát triển dự án nhà ở xã hội nhưng sau đó có thay đổi.
Gần đây, đặc biệt từ cuối quý I/2022 tới nay thị trường bất động sản có dấu hiệu trầm lắng khi mà tín dụng ngân hàng bị siết lại để phòng ngừa lạm phát bùng nổ theo thế giới và thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị siết chặt sau sự kiện Tân Hoàng Minh.
Tập đoàn Him Lam của ông Dương Công Minh (chủ tịch Sacombank) cũng cho biết sẵn sàng đăng ký tham gia 75.000 căn hộ nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030. Him Lam cho biết có sẵn quỹ đất nhưng cần tháo gỡ khó khăn về thủ tục.
Thống kê cho thấy, các doanh nghiệp và tập đoàn lớn đã đăng ký xây gần 1,3 triệu căn hộ nhà ở xã hội từ nay tới năm 2030. Với mức giá giả sử ước tính 300-500 triệu đồng, tổng giá trị lên tới 20-30 tỷ USD.
Vingroup và Novaland là các doanh nghiệp bất động sản lớn nhất tại Việt Nam, cả hai hút lượng tiền lớn từ cổ đông trong nước và ngoài nước.
Gần đây, hồi tháng 6/2022 ông lớn nhà đất số 1 miền Nam Novaland nhận khoản tiền 250 triệu USD từ Mỹ.
Sau khi rút khỏi mảng bán lẻ của Vingroup, quỹ Warburg Pincus của Mỹ đầu tư 250 triệu USD vào Novaland. Theo kế hoạch, Novaland của ông Bùi Thành Nhơn sẽ sử dụng nguồn vốn huy động được từ Warburg Pincus để tiếp tục mở rộng quỹ đất chiến lược và hoàn thành việc phát triển các dự án trọng điểm đang triển khai.
Khoản đầu tư của Warburg Pincus diễn ra chỉ khoảng 2 tuần sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi làm việc với quỹ. TGĐ Warburg Pincus khi đó bày tỏ sự quan tâm tới lĩnh vực ngân hàng và có kế hoạch mở rộng đầu tư trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam.
Rung lắc ở ngưỡng 1.250 điểm
Theo MBS, sau 2 phiên tăng liên tiếp, VN-Index củng cố phía trên đường MA50 và tiến về vùng cản kỹ thuật 1.250 điểm và nhiều khả năng thị trường sẽ có rung lắc mạnh ở vùng kỹ thuật này, trong trường hợp thị trường điều chỉnh, ngưỡng MA50 sẽ là ngưỡng hỗ trợ (1.220 điểm).
Còn theo BSC, VN-Index cần vượt hẳn qua ngưỡng 1.245 điểm để có thể tiến lên chinh phục gap 1.260-1.280.
VDSC cho rằng, với diễn biến tăng nhanh trong 2 phiên trở lại đây, dòng tiền chốt lời ngắn hạn đồng thời cũng tranh thủ hành động. Điều này dẫn tới sự phân hóa ở một số nhóm ngành, đặc biệt là những nhóm đã có động thái khởi sắc trước đó. Đứng trước ngưỡng cản ngắn hạn 1.240-1.250 điểm, VN-Index có khả năng có diễn biến rung lắc và hấp thụ lực cung trước khi tiếp tục quá trình hồi phục về vùng giá mục tiêu 1.260-1,280 điểm.
Chốt phiên giao dịch 2/8, chỉ số VN-Index tăng 10,27 điểm lên 1.241,62 điểm. HNX-Index tăng 1,23 điểm lên 295,84 điểm. Upcom-Index tăng 0,22 điểm lên 90,13 điểm. Thanh khoản đạt 19,5 nghìn tỷ đồng, trong đó có 16,9 nghìn tỷ đồng trên HOSE.
M. Hà