Nguy cơ xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc khi bà Pelosi thăm Đài Loan

Đối ngoại - Ngày đăng : 23:00, 02/08/2022

Chiến thuật cắt lát salami của Mỹ đã gây ra nhiều căng thẳng giữa nước này và Trung Quốc. Chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi tới vùng lãnh thổ Đài Loan có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột giữa 2 nước.

Trong các năm gần đây, Mỹ đơn phương rút lui khỏi các thỏa thuận an ninh với các đối thủ chính của mình (chẳng hạn như với Nga trong vấn đề vũ khí chiến lược...) từ đó khởi động sự leo thang khó kiểm soát trong quan hệ giữa Mỹ và các nước đó. Mỹ đã ở vào thế tiến tới chiến tranh với nhiều nước như Nga và Iran. Gần đây, Mỹ đang có những động thái có thể vô tình làm nổ ra xung đột quân sự với Trung Quốc khi ngày càng từ bỏ chính sách “Một nước Trung Hoa”.

Những ngày qua, Trung Quốc đã liên tục cảnh báo một cách gay gắt về một phản ứng quân sự chưa từng có tiền lệ nếu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thực hiện chuyến thăm theo kế hoạch của bà tới Đài Loan – hòn đảo được Trung Quốc coi là một tỉnh của mình.

Chính sách Một Trung Quốc và chính sách “mơ hồ chiến lược”

Mỹ và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ vào thập niên 1970 khi Washington chuyển đổi việc công nhận ngoại giao từ Đài Bắc sang Bắc Kinh. Mỹ cam kết tuân thủ chính sách Một Trung Quốc – chính sách khẳng định trên Trái Đất này chỉ có một nước Trung Quốc duy nhất và Đài Loan chỉ là một bộ phận của đất nước đó. Tuy nhiên, Mỹ đồng thời củng cố năng lực của Đài Loan theo hướng tồn  tại như một quốc gia độc lập, bằng việc cung cấp vũ khí cho hòn đảo đó.

Như vậy, trong 4 thập kỷ qua, hòa bình giữa Mỹ và Trung Quốc là dựa trên sự mơ hồ chiến lược về vị thế của Đài Loan.

Trong suốt quãng thời gian đó, Mỹ và Trung Quốc cùng dính vào một thế “tiến thoái lưỡng nan răn đe”. Washington đã nỗ lực ngăn Bắc Kinh dùng vũ lực tái thống nhất Đài Loan, bằng cách cung cấp cho vùng lãnh thổ này vũ khí, còn Bắc Kinh làm cho Đài Loan phải thận trọng suy nghĩ về việc chính thức ly khai, bằng cách đe dọa can thiệp quân sự. Đến khi Trung Quốc lớn mạnh hơn, nỗ lực của Mỹ ngăn Trung Quốc sử dụng quân đội lại càng kích thích họ muốn can thiệp.

Trong quá khứ, Mỹ khá xuề xòa, qua loa trong quản lý chính sách Một Trung Quốc. Nhưng trong các năm gần đây, Mỹ bắt đầu cố tình vô hiệu hóa chính sách đó.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc đe dọa chiến lược an ninh của Mỹ dựa trên thế áp đảo toàn cầu. Washington không vui vẻ trước ý tưởng phải thích ứng với trật tự đa cực. Thời gian đang ủng hộ phía Trung Quốc khi ảnh hưởng của nước này trong khu vực liên tục tăng lên. Trái lại, quyền lực của Mỹ đang suy giảm, khiến Mỹ dễ phải điều chỉnh quan điểm đối với Trung Quốc và vấn đề Đài Loan.

Một thập kỷ trước, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố họ xoay trục sang châu Á. Theo đó, Mỹ đã đưa cơ sở hạ tầng kỹ thuật của mình sang Đông Á nhằm kiềm chế Trung Quốc. Người kế nhiệm, Tổng thống Donald Trump, đã phát động một cuộc chiến kinh tế chống lại Trung Quốc và bắt đầu biến chính sách Một Trung Quốc thành công cụ mặc cả. Dưới thời Tổng thống Joe Biden, có vẻ như Mỹ sẽ hoàn toàn từ bỏ cam kết của họ đối với chính sách Một Trung Quốc.

Trong khi đó, Trung Quốc xem nỗ lực của Mỹ làm trống rỗng chính sách Một Trung Quốc trong bối cảnh rộng lớn mà ở đó, Mỹ lưỡng lự thích ứng với thế giới đa cực và phải dàn xếp quan hệ với các cường quốc khác.

Bào mòn chính sách Một Trung Quốc

Hợp tác quân sự giữa Mỹ và vùng lãnh thổ Đài Loan có tần suất ngày càng lớn và trở nên quá mức. Washington đã tạo điều kiện để mở rộng đại diện của Đài Loan trong hệ thống quốc tế, chẳng hạn bằng việc hậu thuẫn Đài Loan tham gia vào hệ thống Liên Hợp Quốc.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng nới lỏng các hạn chế đối với các cuộc trao đổi chính thức với Đài Loan. Có thêm nhiều quan chức Mỹ thăm hòn đảo này. Trong các chuyến thăm đó, một số nghị sĩ Mỹ ca ngợi việc ủng hộ “chủ quyền Đài Loan”. Truyền thông và các “think tank” của Mỹ cũng trở nên thẳng thừng trong việc chỉ trích chính sách Một Trung Quốc và kêu gọi Đài Loan ly khai.

Trong tháng 7/2022, Tổng thống Mỹ Biden đã vài lần tuyên bố rằng Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan nếu bị Trung Quốc tấn công – động thái chấm dứt chính sách mơ hồ chiến lược kéo dài nhiều thập kỷ.

Các sự kiện này xảy ra trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt về quân sự và kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, ở đây, Washington tuyên bố họ không tìm cách đối đầu với Bắc Kinh mà chỉ đang cổ xúy cho các giá trị Mỹ. Điều này nhất quán với cách tiếp cận rộng lớn của Mỹ, trong đó các chính sách thúc đẩy vị thế hàng đầu Mỹ được đóng khung như là sự hậu thuẫn cho dân chủ và nhân quyền.

Theo kế hoạch, bà Pelosi thăm Đài Loan hôm 2/8 trong chuyến thăm đầu tiên của một Chủ tịch Hạ viện Mỹ tới hòn đảo này trong nhiều thập kỷ.

Trung Quốc chắc sẽ đầu tư phân tích lý giải sự kiện này. Liệu đây là ý định riêng của cá nhân bà Pelosi nhằm đánh lạc hướng sự chú ý khỏi những vấn đề của riêng bà hay đây chính là một phần trong chiến thuật cắt lát salami rộng lớn hơn của Mỹ nhằm dần dần chia tách hẳn Đài Loan khỏi Trung Quốc đại lục?

Xung đột vũ trang ngoài ý muốn

Trung Quốc đã cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng nếu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi hiện thực hóa lời thách thức của bà đó là sẽ thăm Đài Loan.

Ở đây nhiều người tin rằng Bắc Kinh chỉ đang nói cứng thôi, vì mạo hiểm một cuộc chiến với Mỹ chỉ vì một chuyến thăm của một quan chức Washington là bất tương xứng, bất hợp lý.

Tuy nhiên, chiến thuật cắt lát salami rất lợi hại, nó kéo theo những bước tiến nhỏ nhưng lặp lại để tạo ra các thực tế mới trên thực địa. Trung Quốc ý thức được điều đó nên họ có thể không khoanh tay ngồi yên và nguy cơ chiến tranh bùng phát ngoài kiểm soát là điều khó có thể loại trừ hoàn toàn./.