Điểm tin kinh doanh 3/8: Petrolimex bất ngờ lỗ nặng

Kinh doanh - Ngày đăng : 07:00, 03/08/2022

Petrolimex bất ngờ lỗ nặng; chỉ số giá tiêu dùng TP.HCM tháng 7 tăng 0,4%

- Petrolimex bất ngờ lỗ nặng

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2022 với lợi nhuận sau thuế công ty mẹ âm tới gần 750 tỷ đồng, so với mức lãi 774 tỷ đồng trong cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận theo báo cáo hợp nhất âm gần 141 tỷ đồng, trong khi quý II/2021 doanh nghiệp này lãi hơn 1.590 tỷ đồng.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khác ghi nhận lợi nhuận tăng. Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOil) ghi nhận doanh thu quý II/2022 tăng gấp đôi lên hơn 30,4 nghìn tỷ đồng; lợi nhuận tăng gấp rưỡi lên 510 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, PVOil ghi nhận lợi nhuận tăng 40% so với cùng kỳ lên trên 790 tỷ đồng.

- Ứng dụng Entrade “đơ” 1 tiếng, nhà đầu tư phái sinh tá hoả

Trong ngày 2/8 nhiều nhà đầu tư phái sinh sử dụng ứng dụng Entrade (CTCK DNSE) tá hoả vì không thể truy cập. Sau đó, dù xem được bảng điện, nhưng nhà đầu phát hiện, phần hiển thị không chính xác. Mất khoảng 1 tiếng, Entrade mới truy cập ổn định trở lại, thông báo nhà đầu tư đăng nhập, thực hiện giao dịch như thường lệ. Sự cố được thông báo do mất kết nối.

Vì sự cố của Entrade, nhà đầu tư không thể đóng, mở vị thế. Đặc biệt, những nhà đầu tư ở vị thế Short (bán) đứng ngồi không yên, không thể xử tài khoản khi thị trường tăng điểm. Nhà đầu tư thậm chí phải tính tới tình huống sử dụng tài khoản tại công ty chứng khoán khác, đặt Long/ Short đối ứng với lệnh trên Entrade để không mất vị thế.

- Chỉ số giá tiêu dùng TP.HCM tháng 7 tăng 0,4%

Thông tin từ Cục Thống kê TP.HCM cho biết Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của thành phố tăng 0,4%.

Theo đó, có 9/11 nhóm tăng so với tháng trước và tăng cao nhất là nhóm bưu chính viễn thông tăng 1,83%. Tiếp theo là nhóm văn hóa giải trí du lịch tăng 1,74%. Có 2/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm là thiết bị đồ dùng gia đình giảm 0,09% và nhóm giao thông giảm 2,83%;

Phân tích diễn biến chỉ số giá một số nhóm ngành hàng tháng 7 so với tháng trước, Cục Thống kê thành phố chỉ rõ nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có chỉ số tăng 1,13%.

Trong đó, nhóm lương thực tăng 0,12% với giá gạo tăng 0,17%. Nhóm thực phẩm tăng 1,17%; trong đó thịt gia súc tăng 1,78%, trứng các loại tăng 1,59%, thịt gia cầm tăng 1,58%, giá dầu thực vật tăng 0,75%; rau tươi, khô và chế biến tăng 2,17%; quả tươi, chế biến tăng 1,16%; bánh mứt kẹo tăng 0,45%...

- Áp thuế chống bán phá giá với đường nhập khẩu từ một số nước Đông Nam Á

Từ đầu tuần tới, một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar vào Việt Nam sẽ bị áp thuế chống bán phá giá 42,99%.

Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar.

Từ tháng 8/2022 đường nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Malaysia, Lào, Myanmar có sử dụng nguyên liệu đường của Thái Lan sẽ bị áp dụng cùng mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đang áp dụng với đường Thái Lan với tổng mức thuế là 47,64%, trong đó thuế chống bán phá giá là 42,99% và thuế chống trợ cấp là 4,65%.

Đường nhập khẩu từ 5 quốc gia trên, nếu chứng minh được sản xuất từ mía thu hoạch tại các quốc gia này sẽ không bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh.

- Sản xuất công nghiệp tháng 7/2022 tiếp tục đà hồi phục

Theo báo cáo của Bộ Công Thương về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 7 tháng năm 2022 hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn cả nước trong tháng 7/2022 tiếp tục đà hồi phục mặc dù tốc độ tăng chậm hơn so với các tháng trước đó, cho thấy các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục được khôi phục ở hầu hết các ngành, nhu cầu và sản lượng sản xuất đều tăng, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã hoạt động ổn định trở lại, nối lại các chuỗi cung ứng cơ bản thông suốt.

Chỉ số sản xuất 7 tháng đầu năm 2022 của một số ngành trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng tăng 68,5%; sản xuất đồ uống tăng 19,5%; sản xuất trang phục tăng 23%; sản xuất thiết bị điện tăng 21%.

Tuy nhiên, chỉ số sản xuất 7 tháng đầu năm 2022 của một số ngành trọng điểm cấp II giảm so với cùng kỳ năm trước như: sản xuất sản xuất từ cao su và plastic giảm 8,4%; than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm 1%.

Việt Báo (Tổng hợp)