Đà Nẵng: Dịch đậu mùa khỉ đang căng thẳng, người dân vẫn vô tư cho động vật ăn

Tin Y tế - Ngày đăng : 16:42, 02/08/2022

Tránh tiếp xúc với động vật hoang dã là một trong những khuyến cáo của chuyên gia y tế nhằm ngăn chặn các bệnh như đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, nhiều người dân, du khách tại Đà Nẵng hiện nay vẫn vô tư cho khỉ ăn, đứng gần chụp hình.
Đà Nẵng: Dịch đậu mùa khỉ đang căng thẳng, người dân vẫn vô tư cho động vật ăn
Người dân Đà Nẵng vẫn vô tư cho khỉ ăn. Ảnh: NL

Không cho ăn cũng đi xem

Cứ sau 16h mỗi ngày, nhiều người dân tại Đà Nẵng lại đưa gia đình đi dạo biển, hóng gió ở quận Sơn Trà lại ghé qua khu vực Miếu Đôi, đoạn ngã ba đường Hoàng Sa giao Lê Văn Lương để “đi coi khỉ”.

Đây là thói quen khiến lực lượng chức năng tại Đà Nẵng đau đầu, bởi, chính từ việc cho khỉ ăn, lấy thức ăn để dụ loài động vật hoang dã này đến gần chụp hình hay quay video đã khiến hàng trăm con khỉ kéo xuống chân núi Sơn Trà “xin ăn”. Thay vì ở trong rừng đi kiếm quả cây thì nay nhiều đàn khỉ ngồi dọc ven đường lên Bãi Bắc Sơn Trà để chờ người dân, du khách.

 
Người dân dù không cho ăn khỉ ăn cũng đứng chụp hình

Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đã triển khai nhiều hoạt động từ tuyên truyền, vận động đến tuyển tình nguyện viên túc trực ở các địa điểm người dân hay tập trung cho khỉ ăn để nhắc nhở. Tuy nhiên, sau vài tháng tạm lắng vì dịch bệnh, người dân hạn chế ra đường, du khách cũng giảm thì nay, việc cho khỉ ăn lại tái diễn.

Chị Nguyễn Hạnh, người dân trú gần khu vực đường Lê Văn Lương, nơi có hàng trăm con khỉ thường tập trung cho biết: “Nhiều người dân dù không mang thức ăn theo, không cho khỉ ăn nhưng cũng tập trung đứng nhìn, chụp hình khiến đàn khỉ tưởng được cho ăn nên cứ đến giờ lại kéo nhau đến chờ chực. Nhiều con khỉ không được cho thức ăn thì nhảy lại gần hay giật túi xách, balo mà nếu xử lý không khéo, người dân, nhất là trẻ nhỏ có thể bị thương”.

Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, trước thực tế trên, đơn vị đang tiếp tục bố trí nhân lực và tình nguyện viên đứng chốt ở những vị trí trên để nhắc nhở người dân, du khách. Tuy nhiên, quan trọng nhất là ý thức của người dân trong việc bảo vệ động vật hoang dã và chính bản thân mình. Bởi, thức ăn của con người khi mang cho động vật như khỉ ăn sẽ khiến chúng mất đi bản năng tìm kiếm thức ăn, đồng thời lây mầm bệnh cho chúng. Ngược lại, việc tiếp xúc với động vật hoang dã cũng khiến con người dễ mắc các bệnh của chúng.

Dịch bệnh từ việc tiếp xúc động vật hoang dã

Trong khi đó, bệnh đậu mùa khỉ hiện nay đang được báo động. Mặc dù nước ta vẫn chưa ghi nhận ca bệnh nào về đậu mùa khỉ, bệnh dịch cũng chưa chắc do tất cả các đàn khỉ lây lan nhưng việc phòng bệnh, ngăn chặn bệnh không riêng gì đậu mùa khỉ là hết sức cần thiết để tránh lây lan gây dịch.

Hiện tại, bệnh đậu mùa khỉ đã lan ra 75 quốc gia ở tất cả các khu vực. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế do tốc độ lây lan nhanh, nguy cơ về sự lan rộng hơn nữa của dịch bệnh tới các quốc gia khác là rất rõ ràng.

Để giảm nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ, một trong những khuyến cáo của các chuyên gia là người dân nên tránh tiếp xúc mà không được bảo vệ, đối với động vật hoang dã, đặc biệt là động vật ốm hoặc chết.

Theo thời gian, hầu hết bệnh nhiễm trùng ở người đều do lây truyền chính từ động vật sang người nên cần tránh tiếp xúc không được bảo vệ với động vật hoang dã, đặc biệt là động vật ốm hoặc chết, kể cả thịt, máu và các bộ phận khác của chúng.

Ngoài ra, các chuyên gia khuyến cáo, tất cả thịt hoặc các bộ phận của động vật phải được nấu chín kỹ trước khi được sử dụng làm thực phẩm để ăn. Cần ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ thông qua hạn chế buôn bán động vật.

Một số quốc gia đã đưa ra các quy định hạn chế nhập khẩu các loài gặm nhấm và các loài linh trưởng. Những động vật nuôi có khả năng bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ nên được cách ly khỏi những động vật khác và đưa vào kiểm dịch ngay lập tức. Bất kỳ động vật nào có thể đã tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh phải được cách ly, xử lý với các biện pháp phòng ngừa tiêu chuẩn và theo dõi các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ trong 30 ngày.

THUỲ TRANG