Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế: Có tình trạng né tránh tiêm vaccine COVID-19

Tin Y tế - Ngày đăng : 10:28, 02/08/2022

Sáng 2.8, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiêm chủng vaccine COVID-19 và phòng, chống dịch bệnh. Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chủ trì hội nghị.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế: Có tình trạng né tránh tiêm vaccine COVID-19
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. Ảnh: Trần Minh/Bộ Y tế

Phát biểu khai mạc, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: Đến nay, dịch COVID-19 cơ bản vẫn được kiểm soát tốt trên phạm vi cả nước, các hoạt động dần trở lại bình thường, việc phục hồi, phát triển kinh tế xã hội đã đạt được một số kết quả tương đối toàn diện.

Bệnh đậu mùa khỉ và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi khác được theo dõi chặt chẽ, bám sát các diễn biến của tình hình dịch và chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó để ngăn chặn sự xâm nhập và hạn chế lây lan trong nước.

Các bệnh truyền nhiễm lưu hành trong nước như cúm mùa, sốt xuất huyết, tay chân miệng vẫn cơ bản được kiểm soát với nhiều giải pháp quyết liệt được thực hiện trong thời gian qua…

Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, công tác phòng chống dịch thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Dịch bệnh luôn diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ dịch chồng dịch là hiện hữu.

Trong khi đó, vẫn có tình trạng chủ quan, lơ là trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; một số nơi chưa quyết liệt, chưa có sự vào cuộc hoặc phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành cùng với ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch.

"Đặc biệt, tốc độ tiêm vaccine COVID-19 ở một số địa phương hiện nay vẫn chưa đạt tiến độ theo yêu cầu, nhất là tiêm mũi 3, mũi 4 cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; thậm chí là có tình trạng né tránh tiêm vaccine ở một bộ phận người dân; công tác truyền thông, vận động, khuyến khích người dân tham gia công tác phòng, chống dịch, nhất là công tác tiêm chủng vaccine chưa hiệu quả; nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch chưa được đảm bảo; tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở nhiều nơi gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch"- quyền Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tại hội nghị, TS Nguyễn Lương Tâm- Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - cho biết: Trên thế giới, biến thể BA.4, BA.5, chủng Omicron của SARS-CoV-2 có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể BA.2 đã ghi nhận tại nhiều quốc gia, do đó trong thời gian số ca mắc với biến thể BA.5 sẽ tiếp tục gia tăng. Các biến thể mới liên tục xuất hiện hoặc tiến hóa, mới nhất là BA.2.75, BA.2.12.1 có khả năng làm giảm miễn dịch qua thời gian và có thể làm dịch bệnh bùng phát trở lại.

Đại dịch COVID-19 đã gây áp lực lớn lên hệ thống y tế trên toàn thế giới; việc duy trì mạnh mẽ các biện pháp chống dịch với các bệnh lưu hành như sốt xuất huyết cũng như các bệnh dự phòng bằng vaccine, các bệnh lãng quên khác trong thời kỳ đại dịch là rất quan trọng, để có thể tránh tình huống dịch chồng dịch và hạn chế hậu quả nặng nề với các nước.

Trong nước đã ghi nhận sự xuất hiện của biến thể phụ BA.4, BA.5, các ca nhiễm biến thể phụ này sẽ ghi nhận nhiều hơn và số ca mắc sẽ gia tăng trở lại. Dịch sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng số mắc do thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho đàn muỗi truyền bệnh phát triển.

Các bệnh dịch lưu hành khác như cúm, tay chân miệng có xu hướng tăng do đang vào giai đoạn cao điểm của dịch đồng thời khả năng xâm nhập của đậu mùa khỉ và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi khác là hiện hữu làm tăng nguy cơ dịch chồng dịch.

Báo cáo tại hội nghị, TS Nguyễn Lương Tâm- Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - cho biết: Kết quả tiêm vaccine phòng COVID-19 đến 31.7.2022, cả nước đã tiêm được hơn 245,7 triệu liều vaccine phòng COVID-19 (tỉ lệ sử dụng đạt 100%). Nhóm đối tượng từ 18 tuổi trở lên có tỉ lệ tiêm các mũi 1,2,3,4 tương ứng xấp xỉ 100%, 100%, 71,5% và 63,0%; trẻ em từ 12-17 tuổi tiêm các mũi 1, 2, 3 đạt tỉ lệ xấp xỉ 100%, 99,5% và 33,7%; trẻ từ 5 đến 11 tuổi tiêm các mũi 1, 2 đạt tỉ lệ xấp xỉ 69,3% và 37,0%.

Thùy Linh