Mặc lễ phục, cầm quyền trượng trong lễ tốt nghiệp có gì sai mà lại cười chê?

Xã hội - Ngày đăng : 19:28, 01/08/2022

'Chúng ta cứ mong chờ ở đâu đó một sự thay đổi, rồi đến khi sự thay đổi diễn ra thì cho rằng 'khác lạ và không quen thuộc'.

Vào ngày 29/7, trường ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội) tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp chính quy cho cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Trong đó, đáng chú ý là hình ảnh thầy Hiệu trưởng mặc áo choàng nhung, găng tay, đội mũ màu đỏ, vòng cổ màu trắng và cầm quyền trượng màu vàng. Đây được cho là lễ phục của trường.

lephuc-vb1.jpeg
Hình ảnh hiệu trưởng Trúc Lê mặc tại buổi lễ tốt nghiệp trong năm 2022 của trường ĐH Kinh tế

Khi hình ảnh của buổi lễ được chia sẻ trên fanpage của trường, rất nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh lễ phục. Đông đảo ý kiến khen lễ phục, quyền trượng của trường rất “xịn xò”, khá giống hình ảnh của các trường ĐH trên thế giới, thậm chí còn rất cập nhật phong cách trên phim ảnh. Nhưng một số người lại cho rằng hình ảnh này rất diêm dúa, màu mè, không phù hợp phong cách của người Việt.

Trước sự việc trên, trường ĐH Quốc gia Hà Nội đã gửi công văn vào ngày 31/7, yêu cầu trường ĐH Kinh tế báo cáo và tránh lặp lại tình trạng này. Mạng xã hội nổ ra cuộc tranh cãi, rằng trường ĐH Kinh tế có đáng bị chỉ trích hay không?

Nguồn gốc của lễ phục tốt nghiệp từ tu sĩ?

Theo trường ĐH Kinh tế, việc mặc lễ phục này khẳng định vị thế, sự chuyên nghiệp và đẳng cấp của trường, đồng thời giúp tăng cường tính đoàn kết nội bộ, ý thức trách nhiệm của cán bộ, giảng viên và sinh viên.

Lễ phục và quyền trượng của hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế được cho giống các tu sĩ.

Thực tế, trang phục này có nguồn gốc từ Giáo hội Công giáo La Mã ở thế kỷ 12. Những đại học đầu tiên trên thế giới ra đời ở phương Tây đều do nhà thờ Công giáo thành lập và điều hành. Các giảng viên và sinh viên đầu tiên đều chính là các tu sĩ, giáo sĩ từ các tu viện. Ngày nay, trang phục này đã có nhiều biến thể.

Giai thoại về quyền trượng được cho được xuất phát từ Thomas More (còn gọi là Toma Moro), do vua Henry VIII ban tặng.

lephuc-vb2.jpeg
Tranh vẽ thánh nhân Thomas More khi ngài còn đương thời

Thomas More sinh năm 1978, là linh mục, luật sư, nhà triết học, chính khách và Đại Chưởng ấn nước Anh thời vua Henry VIII.

Thomas More phản đối Henry VIII khi nhà vua ly khai khỏi Giáo hội Công giáo Rôma. Ngài từ chối thừa nhận Henry III trở thành người lãnh đạo tối cao của Giáo hội Anh, và đặc biệt gay gắt phản đối việc nhà vua hủy hôn với Catalina để cưới Anne Boleyn. 

Sau khi từ chối tham gia Lời tuyên thệ tối cao, ông bị tử hình vào năm 1535. Ngài tuyên bố: "Ta chết như là một đầy tớ trung thành của nhà vua. Nhưng trước tiên, ta là tôi tớ của Chúa!".

Đức Giáo hoàng Piô XI tuyên Thánh cho ông vào năm 1935. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II vào năm 2000 tuyên bố Thánh Thomas More là vị Thánh bảo hộ cho các chính khách và chính trị gia.

290876658_735936010817641_4893420870824667316_n.jpg
ĐH Hồng Kông cũng từng tổ chức lễ tốt nghiệp với trang phục bắt nguồn từ phương Tây

Các trường trung học và ĐH ở nước Mỹ, Anh mang tên vị thánh Công giáo này nên học mặc y phục giống Thomas More. Thế nên, khi trường ĐH Kinh tế mô phỏng lại trang phục để mặc trong ngày lễ tốt nghiệp, đông đảo ý kiến nói rằng việc bắt chước này không có gì xấu để lên án, ngược lại còn giúp nhiều người hiểu thêm về thánh Thomas More.

Quyền trượng có ý nghĩa gì?

Theo ThS Trần Nam - Trưởng phòng Truyền thông - Quan hệ doanh nghiệp trường ĐH KHXHNV (ĐHQG TP. HCM), chia sẻ trên trang cá nhân: "quyền trượng, "cái chùy" hay "mace" trong tiếng Anh từ lâu đã được sử dụng như biểu tượng của nhiều trường đại học trên khắp thế giới. Nó tượng trưng cho cơ quan quản lý của trường đại học và chỉ xuất hiện khi người đứng đầu của trường có mặt.

lephuc-vb6.jpeg
Đội nghi lễ của trường ĐH Kinh tế

Truyền thống của "mace" bắt nguồn từ thời trung cổ ở Anh, khi chiếc "mace" được giữ bởi một vệ sĩ cho các chức sắc tại các nghi lễ. Các mace dùng cho nghi lễ được sử dụng bởi nhiều cơ quan quản lý trên toàn thế giới, bao gồm Hạ viện Hoa Kỳ và Quốc hội Anh, Quốc hội Canada.

Mace của trường đại học được nhìn thấy tại các buổi lễ trao bằng, khai giảng hay bổ nhiệm hiệu trưởng. Là một biểu tượng cổ xưa của uy quyền, nó nhắc nhở chúng ta rằng các trường đại học là những người bảo vệ cả truyền thống học tập lâu dài và sức mạnh mà trường ban tặng cho những người đến học. Nó cũng là một lời nhắc nhở rằng quá trình học tập không phải lúc nào cũng thoải mái và dễ dàng.

Bác sĩ Trần Tịnh Hiền, từng công tác ở bệnh việc Nhiệt đới, chứng kiến hình ảnh lễ phục của trường ĐH Kinh tế, ông nói không có gì quá đáng, và chuyện này vẫn diễn ra thường xuyên.

Theo chia sẻ của bác sĩ, ĐH Oxford và Cambridge của Vương quốc Anh có quy định lễ phục từ trước, truyền thống này được lan rộng đến châu Mỹ hay Úc. Các lễ phục này ban đầu có áo thụng (gown) đen hoặc xanh đậm và các phụ kiện như nón và các giải băng choàng (hat, hood) nhiều màu khác nhau tuỳ theo trường và chuyên ngành.

lephuc-vb5.jpeg
Sinh viên trường ĐH Kinh tế hào hứng thực hiện nghi lễ tốt nghiệp

Bác sĩ Hiền lý giảiquyền trượng là biểu hiện uy quyền của người đứng đầu (Hiệu trưởng) và người cấp phát văn bằng từ thế kỷ 14 ở các buổi lễ.

Hà Thanh Vân chia sẻ thêm về nguồn gốc lễ phục trên Facebook: “Những ý kiến cho rằng lễ phục tốt nghiệp của sinh viên cũng như lễ phục của thầy hiệu trưởng Đại học Kinh tế và các giảng viên là mang màu sắc Công giáo, rằng thầy hiệu trưởng trông giống Hồng y Giáo chủ hay Giáo hoàng thì có lẽ là do không hiểu được nguồn gốc của bộ lễ phục này ở phương Tây. Những đại học đầu tiên ở châu Âu thời Trung cổ là đại học Công giáo và người đi học là các giáo sĩ hoặc các chức sắc Công giáo, chính vì thế trang phục mang dáng dấp trang phục Công giáo là điều hiển nhiên.

Nhưng những bộ lễ phục này về sau không còn mang ý nghĩa Công giáo như ban đầu nữa. Và cũng về sau, tùy theo từng trường đại học và theo thời gian, các trường Đại học có sự chọn lựa cho trường mình những kiểu dáng trang phục mang những nét riêng, nhưng về cơ bản chúng sẽ gồm áo choàng rộng, mũ, thắt lưng và có thể có thêm những chi tiết như tua rua, ngù vai, cà vạt, nơ… và có những màu sắc khác nhau tùy theo người mặc là sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ hay các giảng viên với những chức vụ khác nhau.

“Hãy để tuổi trẻ được vui vì lễ tốt nghiệp chỉ một lần trong đời”

Trước những ý kiến chê bai, ThS Trần Nam chia sẻ: “Chắc mặc áo dài trao bằng, cầm bông lúa hay cái liềm thay cho quyền trượng thì cộng đồng bàn phím mới an lòng quá! Áo thụng, nón tốt nghiệp…trong lễ tốt nghiệp trong trường đại học thì Đông học Tây bao nhiêu năm rồi. Có khi chúng ta cứ mong chờ ở đâu đó một sự thay đổi, rồi đến khi sự thay đổi diễn ra thì cho rằng "khác lạ và không quen thuộc". Hay có khi chúng ta nhìn sự việc với tâm thế định kiến, thì khả năng cao là nó sẽ chẳng phù hợp với lối nhìn của chúng ta chút nào và bắt đầu gán nó với những danh xưng, tính từ nào đấy”.

lephuc-vb7.jpeg
Giảng viên ĐH Oxford mặc lễ phục

Bác sĩ Trần Tịnh Hiền chờ mong vào chất lượng giáo dục thay vì xét nét hình thức: “Mới đưa ra lần đầu đã bị phản ứng bất lợi dù trước đó các bộ lễ phục hàn lâm đã được sử dụng nhiều lần từ trường mẫu giáo đến đại học và hậu đại học. Bệnh hình thức đã “lậm” vào nội tạng rồi! Vấn đề là làm sao chất lượng đào tạo bằng khoảng 1/4 của Oxford hay Cambridge là mừng rồi.Mấy bộ áo quần chẳng có gì quan trọng cả”.

Nhà báo Trần Triều cũng đồng quan điểm khi cho rằng hình ảnh lễ phục của trường ĐH Kinh tế rất đỗi bình thường. Anh phản đối việc nhiều ý kiến cho rằng dùng quyền trượng trong lễ nghi của Âu – Mỹ là phù hợp, nhưng tại Việt Nam mang tính “lai căng”. Theo lý giải của Trần Triều, tại các nước châu Á như ĐH Trung Quốc, Hồng Kông cũng từng thực hiện nghi lễ này.

lephuc-vb8.jpg
photo-1-155366632247840011005.jpg
Đại học Kyoto của Nhật Bản cho phép sinh viên hoá trang bất kỳ ai trong lễ tốt nghiệp

Thanh Vân bênh vực hiệu trưởng Trúc Lê: “Tôi cho rằng nếu muốn có một lễ tốt nghiệp mang dấu ấn văn hóa Việt Nam thì một trường đại học không có khả năng làm điều ấy trong một thời gian ngắn, mà phải có sự tìm hiểu, nghiên cứu lễ phục khi cha ông chúng ta làm lễ ở Văn Miếu Quốc Tử giám thời xưa, từ đó gạn lọc, tiếp thu, thay đổi cho phù hợp với thời nay.

Đó là công việc kết hợp từ công sức, trí tuệ của những người làm về giáo dục, thời trang, văn hóa và không phải một sớm một chiều mà có được ngay. Vậy thì những người kêu gào cần phải có một lễ tốt nghiệp mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam, tại sao họ lại không nghĩ đến việc cần có những buổi lễ như họ mong muốn từ trước, mà đến lúc này, nhân dịp nhìn vào lễ tốt nghiệp của trường đại học Kinh tế rồi mới bắt bẻ nọ kia và đòi hỏi?”.

294873636_370824345234804_3310558287064039600_n.jpg
Lễ tốt nghiệp của ĐH Yale

Theo chia sẻ của Hà Thanh Vân, cần nhìn những gương mặt sinh viên vui mừng, hạnh phúc trong ngày ra trường, sự tự hào vì trường mình có một bộ lễ phục độc đáo và đừng nên bắt bẻ, xét nét quá nhiều. Hãy xem những câu comment thể hiện sự ao ước giá mà trường mình cũng có buổi lễ tốt nghiệp như vậy của các sinh viên trường khác. Hãy đọc những comment nói rằng nhất định phải vào Đại học Kinh tế bởi lễ tốt nghiệp quá đáng yêu và ấn tượng”, chị nói thêm.

Chị khuyến khích sự mới mẻ: “Buổi lễ tốt nghiệp này chỉ có một lần trong đời. Tại sao không ai hỏi thăm các bạn ấy, lắng nghe các bạn ấy nói gì, hỏi cảm nghĩ của các bạn ấy, mà thay vào đó là nhìn vào mấy tấm hình trên mạng xã hội rồi bắt đầu cao giọng? Tôi cũng cao giọng, nhưng tôi cao giọng đứng về phía niềm vui của các bạn sinh viên. Hãy để cho tuổi trẻ được vui, được sống, được quẩy nhiệt tình đi hỡi các vị lớn tuổi. Lễ tốt nghiệp là của các bạn ấy, đừng để các bạn ấy phải lên tiếng “phản công” ở mọi fanpage, group nữa. Đừng để các bạn sinh viên nhìn những người lớn tuổi giống như là những… hung thần từ đâu nhảy vào phán xét lễ tốt nghiệp của các bạn ấy”.

An Nhiên (Tổng hợp)